Hát đè là một khái niệm phổ biến với ngành công nghiệp âm nhạc. Khái niệm trên bắt đầu phát sinh khi các ca sĩ không chỉ ngồi im một chỗ hát mà đưa thêm vào phần trình diễn thêm vũ đạo, hoặc môi trường biểu diễn chuyển từ không gian phòng hẹp ra địa điểm lớn như sân vận động, quảng trường...
Do đặc trưng phong cách trình diễn nặng về vũ đạo, Kpop là một trong những môi trường sử dụng nhiều thủ thuật hát đè nhất. Từ đó, các ca sĩ xứ củ sâm "sản sinh" ra thêm nhiều thủ thuật hát lót/hát đè khiến khán giả hoang mang, đôi khi cảm thấy như bị đánh lừa.
Thần tượng Kpop thường xuyên sử dụng các thủ thuật hát lót/hát đè trong biểu diễn. |
Hát đè là gì và gồm những loại nào?
Hát đè là hình thức phổ biến trên sân khấu ca nhạc khắp thế giới ngày nay. Về cơ bản, khán giả có thể hiểu rằng ca sĩ không còn hát với dàn nhạc sống thuần túy và dàn ca sĩ hát bè đứng phía sau sân khấu nữa. Thay vào đó, họ thể hiện tiết mục trên nền audio có sẵn cả nhạc và giọng hát lót.
Có 4 kiểu âm thanh thu sẵn nhằm hỗ trợ ca sĩ phổ biến nhất ngày nay, gồm: MR, Live MR, AR và Live AR.
MR viết tắt cho cụm Music Recorded - tức là bản thu sẵn âm thanh của nhạc cụ, gần giống như âm thanh trong phòng karaoke. Sở dĩ chỉ gần giống vì trong nền MR sẽ có một phần backing vocal - tiếng hát được làm nhỏ để hỗ trợ làm dày âm thanh của ca sĩ hơn.
Hình thức MR thường được khán giả ưa chuộng vì backing vocal rất nhỏ, chỉ xuất hiện ở một số phần cần hiệu ứng âm thanh đặc biệt. Những ca sĩ lựa chọn hát với MR thường được đánh giá cao.
BTS được đánh giá cao do thường sử dụng MR (nhạc nền thu sẵn) khi biểu diễn. |
Live MR tức Live Music Recorder, là phiên bản nâng cấp của MR. Trong bản thu sẵn của Live MR, backing vocal sẽ được điều chỉnh to tương đương tiếng hát thật, "đỡ" cho ca sĩ ở một vài câu hát. Kể cả những ca sĩ giỏi như Tae Yeon (SNSD), Hyo Rin (SISTAR) hay Ailee... cũng nhiều lần phải sử dụng Live MR khi ca khúc của họ có những quãng âm quá dài hoặc nhiều câu hát nối liền mạch, không đủ thời gian nghỉ ngắt hơi.
Ngoài ra, Live MR được các thần tượng sử dụng nhiều ở các đêm nhạc kéo dài từ 3-4 giờ. Việc bắt buộc hát live toàn bộ suốt thời gian trên khá tốn sức. Vì vậy, Live MR với một số đoạn nhỏ trong bài như những nốt quá cao, hay đoạn brigde (câu nối giữa phần đầu với điệp khúc)... được thu âm trước giúp ca sĩ đảm bảo sức khỏe trình diễn.
Hình thức bị chỉ trích nhiều nhất là AR - All Recorded, tức là bản audio hoàn thiện thường xuất hiện trong MV hay trên các trang nghe nhạc. Khi sử dụng AR, các ca sĩ không cần làm gì ngoài việc mấp máy môi theo âm thanh có sẵn. Nói dễ hiểu hơn, đây chính là hình thức hát nhép (lip-sync) trong định nghĩa của khán giả đại chúng.
Các ca sĩ được đánh giá cao về kỹ năng ca hát như Tae Yeon (SNSD), Hyo Rin (SISTAR), Ailee... vẫn thường sử dụng Live MR khi biểu diễn để đảm bảo sức khỏe. |
Khi việc sử dụng AR bị phản đối kịch liệt những nhà sản xuất hay các công ty quản lý nghệ sĩ đã nghĩ ra hình thức tinh vi hơn để giúp "gà nhà" hát nhép mà không bị chỉ trích. Đây là lúc LAR ra đời.
LAR có nghĩa Live All Recorded. Khác với bản thu trơn tru, mượt mà của bản audio, tiếng hát trong Live AR sẽ vang hơn, có vài nhịp chênh, thậm chí thêm cả tiếng thở dốc... được lồng vào nhằm thuyết phục khán giả rằng ca sĩ đang hát thật. Tất cả những gì ca sĩ cần làm lúc này vẫn chỉ là nhép miệng theo âm thanh có sẵn và dồn sức trình diễn vũ đạo.
Tuy nhiên, nếu bị bóc mẽ sử dụng Live AR để trình diễn, các ca sĩ sẽ bị chỉ trích gay gắt hơn. Khán giả cho rằng đây là hình thức lừa dối cao cấp nhất, khiến người nghe cảm thấy không được tôn trọng.
Thần tượng Kpop và những lần hát nhép gây tranh cãi
EXO từng một phen lao đao, hứng chịu nhiều chỉ trích khi danh sách bài hát kèm hiệu ứng hỗ trợ trong đêm nhạc EXO Planet năm 2014 bị tung lên mạng.
EXO bị phát hiện hát nhép khoảng 90% đêm nhạc EXO Planet năm 2014. |
Theo đó, khoảng 90% các tiết mục của nhóm đều sử dụng AR hoặc LAR, đồng nghĩa với việc hát nhép. Chỉ có một số tiết mục solo của các giọng ca chính như Chen, Baek Hyun hay D.O. mới sử dụng nhạc nền MR.
Trước làn sóng chỉ trích của dư luận, một số ý kiến tỏ ra thông cảm với trường hợp này của EXO. Theo đó, hát nhép toàn bộ đêm nhạc là trường hợp bất khả kháng với các chàng trai nhà SM.
“Đây là thời điểm Kris (Ngô Diệc Phàm) rời nhóm về Trung Quốc chỉ một tuần trước đêm nhạc của họ. Mỗi ngày, EXO chỉ được ngủ 2 tiếng và phải luyện tập tới 20 tiếng để sắp xếp lại trình tự biểu diễn. Họ còn phải ghi hình liên tục không được nghỉ, nhóm nhỏ EXO-M phải sang Trung Quốc biểu diễn. Tôi cho rằng chỉ riêng việc các thành viên không ngất xỉu ngay trong đêm diễn đã là kỳ tích rồi. Nhóm bắt đầu hát live từ những điểm biểu diễn sau ở Trung Quốc và các nước khác đó thôi", một ý kiến nhận được sự đồng tình của người hâm mộ.
Dù vậy, EXO vẫn nhiều lần vướng phải ý kiến trái chiều về việc hát nhép trong những năm sau đó. Khi trình diễn trong lễ bế mạc Olympic Pyeongchang 2018, khán giả Hàn cũng nghi ngờ EXO đã hát nhép.
Ngoài EXO, TWICE cũng là nhóm thần tượng nhiều lần được xướng tên ở hạng mục "mấp máy môi theo nhạc". Trong cùng một lễ trao giải hay đêm nhạc, khi các nghệ sĩ khác sử dụng MR hoặc Live MR, thì EXO và TWICE thường xuyên bị phát hiện sử dụng Live AR.
Đài KBS từng phát sóng một phóng sự về xu hướng hát nhép tinh vi của "gà" nhà SM. Ngay cả những thần tượng có tới hơn 10 năm kinh nghiệm như SNSD hay Super Junior cũng không ít lần hát nhép công khai trước hàng nghìn khán giả.
Danh sách bài hát trong đêm nhạc vô tình tiết lộ việc EXO, TWICE thường xuyên sử dụng LAR/Live AR, tức hát nhép. |
Theo ý kiến của một số chuyên gia âm nhạc xứ kim chi, không hẳn nghệ sĩ của "ông trùm" SM không thể hát live, thậm chí các nhóm trên còn sở hữu những giọng ca có kỹ năng hàng đầu Kpop. Tuy nhiên, tại các sự kiện không quá quan trọng, việc giữ sức và chỉ tập trung vào vũ đạo dường như đã trở thành thói quen của dàn sao này.
IZ*ONE - nhóm nữ tân binh bước ra từ chương trình Produce 48 liên tục hát nhép mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, từ showcase ra mắt công chúng đến sân khấu ca nhạc hàng tuần. Nhiều người cho rằng IZ*ONE hiếm khi hát live vì nhóm có nhiều thành viên được chọn nhờ vẻ ngoài xinh đẹp nhưng lại thiếu hụt kỹ năng thanh nhạc.
Những nguyên nhân khách quan
Thực tế, số lượng nhóm nhạc, nghệ sĩ sử dụng thủ thuật hát đè/hát nhép không hề ít, thậm chí khó lòng đong đếm cụ thể. Người hâm mộ khá thông cảm cho hành động này, ít khi chỉ trích hay phản ứng tiêu cực khi biết thần tượng hát nhép.
Không giống với nhiều thị trường khác, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc chú trọng phát triển theo hướng biểu diễn vũ đạo có độ khó cao. Việc liên tục nhảy nhót, nhào lộn trong suốt bài hát khiến ca sĩ xuống sức rất nhanh, khó đảm bảo cột hơi vững vàng để hát.
Thần tượng Hàn còn nổi tiếng là những con ong chăm chỉ, lịch trình làm việc dày đặc từ sáng sớm tới tối khuya, từ ngày này qua ngày khác. Trong show truyền hình vào năm 2012, APink tiết lộ khi mới ra mắt, nhóm phải di chuyển khắp các tỉnh, biểu diễn tới 5 sự kiện trong một ngày và không có thời gian nghỉ ngơi. Các cô gái ngủ gục trên bàn ăn với đôi đũa còn gắp dở bát salad ăn kiêng.
Apink tiết lộ nhóm từng phải biểu diễn tới 5 sự kiện trong một ngày. |
Hay gần nhất, hình ảnh Jung Kook lảo đảo không đứng vững sau chuỗi ngày bay khắp thế giới để trình diễn cùng BTS khiến nhiều người xót xa. Người hâm mộ lên tiếng bức xúc vì các nghệ sĩ ngã gục hay ngất xỉu trên sân khấu vì kiệt quệ sức lực. Trong những trường hợp trên, yêu cầu ca sĩ hát live cùng vũ đạo được cho là quá sức.
Nhìn chung, việc hát live hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố khách quan như chất lượng âm thanh, môi trường biểu diễn, vũ đạo, sức khỏe ca sĩ. Nhiều trường hợp cho thấy ca sĩ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài hát nhép.
Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên từng chia sẻ trong một buổi tọa đàm năm 2011 rằng ông đồng tình với việc cho ca sĩ hát nhép để bảo đảm âm thanh, vũ đạo trong những chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, sự kiện văn hóa hay các trường hợp ghi hình đặc biệt... để tránh rủi ro.
Tuy nhiên ông cho rằng cần công khai thông tin về hát nhép hoặc hát đè trên nền âm lượng lớn tới khán giả ngay từ đầu. Hành động này nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với người xem, trao cho họ quyền quyết định có thưởng thức hay không bởi đôi khi tất cả những gì khán giả cần là sự trung thực.