Cùng làm việc cho một Tập đoàn Viễn thông ở TP.HCM, nhưng làm ở 2 mảng khác nhau, nên 2 nhân vật trò chuyện với Zing có tháng cuối năm với những dự định và tâm thế khác nhau.
Làm ở bộ phận IT, Nguyễn Duy Mạnh Phú cho biết, dù muốn thư giãn, khối lượng công việc ngày càng nhiều vẫn không cho phép cậu lơ là.
“Cuối năm phải chạy deadline cho những dự án phát hành vào năm mới và Tết năm sau”, Phú nói.
Hiện cậu đang gấp rút hoàn thành thử nghiệm giao diện tiếng Việt cho một trang web của hãng xe hơi. Khối lượng công việc nhiều và sai sót nhỏ ở phần lập trình thường hay xảy ra, Phú phải kết hợp với cả team mới có thể giải quyết được vấn đề.
“Đến chiều tan ca leo lên xe đưa đón của công ty, trên đường về nhà lúc nào cũng mong mau đến dịp lễ Tết để hội họp bạn bè, nhưng về tới nhà đôi khi lại phải tiếp tục công việc”, nam nhân viên chia sẻ.
Còn đối với anh Mai Lê Duy, người làm việc ở bộ phận hành chính - nhân sự, khối công việc có tăng vào tháng 12 nhưng anh đã quen với tần suất này trong năm nên thấy không có quá nhiều áp lực.
“Công việc của mình cũng có KPI nhưng không thể hiện ở các con số, cũng ít có tình trạng chạy deadline nên vẫn có thể ‘thở’ được.”, anh chia sẻ với Zing.
“Ngoài thời gian ở công ty, mình còn ghé qua theo dõi tiến căn hộ đang thi công, tìm những cách tự thư giãn như hẹn hò với bạn bè, đi sắm cho dịp Noel”.
Nói về tâm trạng chung của anh và đồng nghiệp xung quanh, anh cho biết: “Phải relax thôi, chứ cuối năm mà đầu toàn nghĩ đến công việc thì chán lắm!”.
Việc cho phép bản thân thư giãn hay chạy kịp chỉ tiêu cuối năm đôi khi không phải là sự lựa chọn mà còn do tính chất công việc yêu cầu. Ảnh: Shutterstock |
Thời điểm khó khăn cho người lao động
Dựa theo một nghiên cứu của Workforce Institute ở Mỹ, tháng 12 được xem là tháng mà nhiều người lao động chọn để đi du lịch dài ngày nhất. Lý do được đưa ra hầu hết là để sử dụng hết ngày phép, kéo dài từ ngày lễ Giáng sinh đến năm mới, muốn có dành nhiều thời gian hơn với gia đình, đi mua sắm dịp cuối năm và chuẩn bị cho lễ hội.
Một cuộc khảo sát khác được thực hiện bởi công ty tài chính Accountemps vào 2018 cũng tại Mỹ, kết quả cho thấy năng suất người lao động lại có xu hướng tăng lên vào thời điểm tương tự.
“Tháng 12 có thể là thời điểm khó khăn cho người lao động khi họ phải gấp rút hoàn thành các dự án cuối năm đồng thời thực hiện các mục tiêu và nghĩa vụ cá nhân”, Michael Steinitz, Giám đốc điều hành của Accountemps cho biết. “Họ muốn hoàn thành xong công việc để có thể an tâm tận hưởng mùa lễ hội”.
Việc tập trung công việc trong dịp cuối năm và mùa lễ hội sắp đến là điều không hề dễ dàng. Ảnh: Shutterstock |
Áp lực khi mùa lễ Tết đến gần
Thời điểm cuối năm, khi mà lương, thưởng, những kỳ nghỉ, vui chơi bạn bè trở thành thứ “cám dỗ” người lao động nhất, thì cũng chính thời điểm này trong năm gây ra nhiều nỗi lo, áp lực cho họ.
Theo khảo sát trực tuyến của MetLife vào năm 2015 với sự phản hồi của 1.067 nhân viên văn phòng khắp nước Mỹ, 42% người trả lời cho biết tháng 12 là thời điểm áp lực nhất năm.
Việc phải cân bằng giữa trách nhiệm công việc với cuộc sống cá nhân, và cả đồng nghiệp xung quanh bắt đầu sử dụng ngày phép là nguyên nhân chính dẫn đến stress. Trong số những người trả lời, 37% không muốn tham dự các buổi tiệc của công ty vì không cảm thấy nó giúp ích cho việc giải tỏa stress trong khi 18% không có tiệc cuối năm để tham dự.
Những ngày lễ càng đến gần thì càng nhiều nhân viên dành thời gian lo nghĩ về những việc họ sẽ phải làm trong những ngày này thay vì công việc. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều công ty, doanh nghiệp khiến việc nâng cao tinh thần và động lực, năng suất làm việc cho nhân viên ở giai đoạn này gần như là điều tất yếu.
Hơn nữa, những chi phí cho những dịp lễ hội những tháng cuối và đầu năm cũng khiến không ít người rơi vào khủng hoảng về tình hình kinh tế của chính mình.
Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Công Hậu - một nhân viên lâu năm trong lĩnh vực hành chính - nhân sự, cho biết anh nghỉ việc ở công ty cũ vào cuối tháng 10, dù chỉ còn 2 tháng là hết năm nhưng anh vẫn không cho phép bản thân thoải mái nghĩ tới chuyện lễ Tết.
“Tiền điện, nước, tiền trả góp, tiền bảo hiểm, mua sắm Tết... Rất nhiều chi phí phải lo nên không thể ở không được”. “Nộp hồ sơ rất nhiều nơi gần 1 tháng trời mới tìm được chỗ mới, khi đó tôi mới cảm thấy thật sự nhẹ nhõm trong lòng”, anh chia sẻ.
Dù công việc nhiều và phải thích nghi với môi trường mới nhưng anh đã có thể dành thời gian rảnh để thư giãn mà không phải lo âu về chuyện tiền nong trong kỳ lễ Tết sắp đến.
Những chi tiêu cho dịp cuối năm và Tết là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều áp lực nhất lên người lao động. Ảnh: Getty Images |
Cân bằng cuộc sống và công việc
Đối với anh Trần Thế Tài - Quản lý kiểm toán ở một khách sạn ở Châu Đốc (An Giang) - khả năng cân bằng công việc sẽ giúp vừa có thời gian nghỉ ngơi, vừa có động lực để kết thúc năm cũ, bắt đầu năm mới hứng khởi hơn.
“Tháng 12 đối với tôi vô cùng quan trọng vì có thể thay đổi con đường sự nghiệp và nơi an cư về sau”. Anh cho biết dù đang có một công việc ổn định và gần với gia đình, anh đã lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng cho vị trí tại một Lãnh sự quán ở TP.HCM.
Tính chất công việc của anh thường không đối diện với deadline hay doanh số, nhưng việc thư giãn vào giai đoạn cuối năm là rất khó vì anh làm trong ngành dịch vụ.
"Vậy nên tôi càng cần phải cân bằng khối lượng công việc, mục tiêu cá nhân với những mưu cầu giải trí của bản thân".
Tháng cuối cùng của năm 2020 - một năm khó khăn bởi sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dù đang trong tình thế ra sao, nghỉ xả vai hay chạy deadline, thì cũng hãy dành một chút thời gian để nhìn lại và trân trọng bản thân một cách xứng đáng cho những phấn đấu và đổi thay tích cực trong năm vừa qua nhé.
Việc học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân là điều quan trọng để có sức khỏe tinh thần tốt và kỳ nghỉ lễ trọn vẹn. Ảnh: Getty Image. |