Bây giờ mới chỉ là đầu tháng 6, nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiệt độ oi bức ở Thượng Hải và mức độ tiêu thụ điện đạt đỉnh từ Quảng Đông cho đến Hải Nam.
Tính đến 31/5, 578 trạm quan trắc khí tượng cấp quốc gia ở khu vực miền Nam Trung Quốc đã vượt mức cao nhất trong lịch sử tại cùng thời điểm, 25 trạm lập kỷ lục từ trước tới nay, theo China News.
Thời tiết khắc nghiệt đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống điện của Trung Quốc, khi các đợt nắng nóng và hạn hán khiến nhiều hồ chứa thủy điện cạn khô. Điều này đẩy chính phủ Trung Quốc vào tình trạng cấp bách khi phải đảm bảo sản xuất đủ điện để đáp ứng mức tiêu thụ ngày càng tăng.
Lantau Group đánh giá Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn nhiều quốc gia khác, nhưng việc này lại làm dấy lên lại vấn đề sử dụng năng lượng hóa thạch.
Bài học Trung Quốc
Lantau Group cho rằng các nhà khai thác lưới điện trên toàn thế giới cần học hỏi bài học từ Trung Quốc. Đây là điều rất quan trọng bởi khi hành tinh nóng lên, các sự kiện khí hậu hiếm gặp sẽ trở nên phổ biến hơn và con người cần phải lên kế hoạch ứng phó kịp thời, theo Bloomberg.
Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, nhưng không rõ liệu các quốc gia khác có đang chuẩn bị hay không.
Những siêu dự án như đập Tam Hiệp và hàng trăm nhà máy phát điện nhỏ hơn được xây dựng trên khắp các con sông của Trung Quốc. Điều này có nghĩa các vùng tây nam Trung Quốc phụ thuộc tới 80% điện năng vào thủy điện.
Vào mùa hè năm ngoái, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã làm khô cạn nhiều nhánh của sông Trường Giang, làm giảm lượng điện từ những con đập khổng lồ của Trung Quốc. Đồng thời, các đợt nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện cho điều hòa tăng vọt.
Điều này buộc các quan chức phải đóng cửa các nhà máy sản xuất ở Tứ Xuyên trong nhiều tuần. Hoạt động công nghiệp tại Vân Nam cũng bị hạn chế trong nhiều tháng. Hệ thống vận chuyển đường thủy thậm chí cũng phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài.
Người dân Thượng Hải dùng quạt tay để giải nhiệt vào đợt nóng năm 2022. Ảnh: Reuters. |
Lantau Group cho biết Trung Quốc đã phản ứng rất nhanh chóng. Tình trạng thiếu điện năng thủy điện khiến Trung Quốc phải tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
Cuối năm 2022, Tứ Xuyên tuyên bố sẽ xây dựng thêm nhiều nhà máy điện chạy bằng khí đốt và thiết lập nhiều đường dây truyền tải điện kết nối với lưới điện các tỉnh lân cận. Tại Quảng Đông, nơi phụ thuộc vào thủy điện Vân Nam, các quan chức bất ngờ phê duyệt những dự án nhà máy nhiệt điện than mới với tổng công suất 17 gigawatt.
“Liệu cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc bảo vệ lưới điện khỏi tình trạng gián đoạn có thành công không? Chúng tôi nghĩ là có”, nhà nghiên cứu Mike Thomas và David Fishman viết trong báo cáo của Lantau.
Dù vậy, việc Bắc Kinh tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động khí hậu. Nước phát thải nhà kính lớn nhất thế giới đang tụt lùi trong việc chuyển đổi nhằm đáp ứng hy vọng giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng lên 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Thích nghi với biến đổi khí hậu
Việc thay đổi để thích nghi với tình trạng thiếu điện trong mùa hè không diễn ra tương tự tại nhiều nơi khác trên thế giới. Đối với nhiều nhà khai thác điện, việc dư thừa quá nhiều công suất là không hiệu quả và gây ra tình trạng tăng chi phí sản xuất.
Tại Mỹ, lưới điện tại California và Texas phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện do nhu cầu ngày càng tăng và thời tiết khắc nghiệt. Dù vậy, cả hai bang đều không có những biện pháp mạnh mẽ nhằm đánh giá rủi ro thời tiết và chuẩn bị nguồn cung điện đáng tin cậy.
“Ngay cả khi có nguy cơ dư thừa điện, nó vẫn sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với việc mất điện hoặc gián đoạn do hạn hán kỷ lục đánh sập một nửa hệ thống thủy điện. Kết quả là phải chi nhiều tiền hơn cho việc phục hồi lưới điện”, các nhà nghiên cứu của Lantau cho biết.
Một người trùm kín khi đi bộ trên Bến Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Ngân hàng Citigroup nhận định thủy điện Trung Quốc sẽ bị thách thức một lần nữa trong năm nay. Kiểu thời tiết El Nino có xác suất 90% gây ra một đợt nắng nóng khác vào giữa khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7.
Citigroup đã hạ cấp đánh giá của Công ty điện Trường Giang Trung Quốc trong tuần này vì việc sử dụng thủy điện thấp và dự báo tình trạng ít mưa sẽ kéo dài.
Các thành phố phía đông Trung Quốc có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong giờ cao điểm vào mùa hè này. Khu vực miền Trung và miền Nam Trung Quốc cũng có thể bị thắt chặt nguồn cung điện.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.