TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng vay khá ly kỳ giữa nguyên đơn ông L. và bị đơn bà S. (cùng ngụ huyện Cần Giờ).
Tháng 7/2018, ông L. khởi kiện tại TAND huyện Cần Giờ đòi bà S. trả 850 triệu đồng nợ gốc và hơn 160 triệu đồng tiền lãi.
Cho vay 850 triệu đồng không giấy tờ
Ông L. trình bày cuối tháng 11/2016 có cho bà S. vay mượn số tiền trên với lãi suất là 0,3%/ ngày, bà S. sẽ trả trong vòng 3 ngày. Hai bên là chốn bạn bè thân tình nên không làm giấy tờ gì.
Hết hạn, ông L. yêu cầu trả lại tiền, bà S. có hẹn vài tháng nữa khi lấy lại được tiền của người khác sẽ trả đủ.
Hơn một tháng sau, Công an huyện Cần Giờ mời ông L. đến để làm việc, tại đây bà S. thừa nhận có mượn tiền của ông và chưa trả. Có buổi làm việc này là do bà S. đã tố cáo bà A. về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 2,55 tỷ đồng.
Sau đó, nhiều lần đòi tiền không được nên ông L. khởi kiện bà S. ra tòa. Khai với tòa, bà S. cho biết ông L. là bạn của chồng bà. Sau khi chồng mất, ông L. thường đến nhà quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với bà. Biết chuyện bà A. vay bà 2,55 tỷ đồng và bỏ trốn thì ông L. hướng dẫn bà làm đơn tố cáo gửi công an huyện.
Ông L. nói với bà là chia nhỏ số tiền mà bà A. mượn, nói đó là tiền của ông và chị ruột bà L. để công an thấy bà khó khăn mà vào cuộc. Tuy nhiên, cuối cùng công an huyện trả lời đây là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu hình sự nên bà S. chưa được bà A. trả tiền. Bà S. không đồng ý việc ông L. kiện đòi trả gốc và lãi như trên.
Tháng 11/2019, TAND huyện Cần Giờ xử sơ thẩm. Tại tòa, đại diện bị đơn cho rằng hai bên không có việc vay mượn vì ông L. không có giấy tờ gì chứng minh. Ông L. chỉ dựa vào chứng cứ mà trước đây bà S. làm đơn tố cáo tại công an huyện. Trong khi nội dung tố cáo không đúng sự thật do ông L. có bàn bạc với bà S. về cách viết đơn.
Theo bị đơn, nếu ông L. có thật sự cho bà S. mượn tiền thì phải làm giấy tờ rõ ràng. Bởi lẽ ông L. không có quan hệ họ hàng gì với bà S. nên phải có giấy tờ làm tin vì số tiền vay là lớn.
Chứng cứ gián tiếp từ công an
Tuy nhiên, HĐXX dựa vào chứng cứ thu thập từ công an huyện về việc bà S. xác nhận có vay ông L. số tiền trên. Từ đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện buộc bà S. phải trả cả gốc lẫn lãi hơn một tỉ đồng cho ông L..
Sau đó, bà S. kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Theo bà, lời khai về ngày cho vay tiền của ông L. tại tòa khác với lời khai trong buổi làm việc tại công an huyện. Các biên bản lời khai của bà S. tại công an không phải là chứng cứ để đánh giá cho việc vay mượn với ông L..
Tại tòa phúc thẩm, ông L. đề nghị TAND TP.HCM tuyên y án sơ thẩm và tự nguyện không đòi tiền lãi số tiền cho vay.
HĐXX phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm dựa trên các biên bản lấy lời khai cũng như lời tự khai thu thập tại công an để làm căn cứ xác minh mối quan hệ vay mượn. Đây là chứng cứ gián tiếp mà tòa án đã thu thập từ cơ quan công an và là một nguồn chứng cứ theo luật định.
Trong hồ sơ, lời khai của bà S. tại công an huyện đã thừa nhận bà huy động tiền từ ông L. và chị ruột để cho người khác vay lại nhằm hưởng chênh lệch. Bà S. có bản tự tường trình ghi rõ là: “Số tiền 850 triệu đồng tôi huy động của anh L.”.
Từ đó, HĐXX khẳng định dù không có hợp đồng vay tài sản giữa hai bên nhưng sự thừa nhận của bà S. trên những văn bản do cán bộ điều tra lập có chữ ký, chữ viết xác nhận của bà. Đây là bằng chứng chứng minh cho trình bày của ông L. về việc cho bà S. vay tiền là có thật. Những lời khai tại công an đã là chứng cứ khẳng định việc vay mượn tiền.
Từ đó, tòa tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm. Ông L. tự nguyện rút lại yêu cầu đòi tiền lãi với số tiền cho vay nên HĐXX ghi nhận.
Không có chứng cứ về sự bàn bạc
Theo HĐXX, việc bàn bạc giữa hai người trước khi tố cáo mà bị đơn đưa ra nhằm phủ nhận việc vay mượn tiền nhưng phía bà S. không có cơ sở gì để chứng minh. Ít ra bà S. phải có ghi âm lại, hoặc giấy tờ, tài liệu xác nhận chứng minh cho tòa án thấy rằng việc này là có sự bàn bạc và chỉ là nhờ ông L. đứng tên giùm khoản nợ đó thì mới có thể thuyết phục HĐXX.