Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thánh chiến tình yêu ở Ấn Độ

"Love hijad" là một hành vi cấm kỵ ở Ấn Độ. Người dân từ lâu coi rằng yêu đương, kết hôn với người khác tôn giáo là một tệ nạn xã hội.

Ngày 3/12, một nam sinh viên Hồi giáo 20 tuổi bị cảnh sát bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) bắt giữ với tội danh cố gắng chuyển đổi tôn giáo của một cô gái theo đạo Hindu.

Chàng trai trên là người đầu tiên bị giam giữ theo Luật Chống cải đạo mới xuất hiện ở Ấn Độ, theo South China Morning Post.

thanh chien tinh yeu love jihad anh 1

"Love hijad" là thuật ngữ ám chỉ hành vi đàn ông Hồi giáo hòng chuyển tín ngưỡng của vợ là người Hindu. Ảnh: DailyO.

Bộ luật này nhằm hạn chế “love jihad” (tạm dịch: Thánh chiến tình yêu) - một thuật ngữ ám chỉ hành vi dụ dỗ rồi kết hôn phụ nữ theo đạo Hindu của đàn ông Hồi giáo hòng chuyển tín ngưỡng của vợ. Bản án tối đa dành cho tội danh này là 10 năm tù cùng với tiền phạt.

Hiện nam sinh trên đang bị tạm giam 14 ngày để chờ xét xử.

“Chúng tôi tiến hành bắt giữ trên cơ sở đơn tố cáo của gia đình cô gái. Họ cáo buộc người đàn ông này đã bắt cóc con gái họ và buộc cô ấy phải cải đạo”, cảnh sát cấp cao Sansar Singh cho biết.

Tuy nhiên, nam sinh này khẳng định anh ta vô tội và không có bất kỳ mối liên hệ nào với cô gái kia.

Uttar Pradesh là bang đầu tiên tại Ấn Độ áp dụng Luật Chống cải đạo. Các bang Assam, Madhya Pradesh, Haryana và Karnataka cũng tiết lộ kế hoạch ban hành bộ luật chống "love jihad". Động thái này được cho là để củng cố phiếu bầu của những người Hindu cho Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP).

Tuy nhiên, bộ luật mới đã gây ra một làn sóng giận dữ trong xã hội Ấn Độ. Các nhà phê bình cho rằng luật chống cải đạo không phù hợp với hiến pháp, đồng thời làm sâu sắc thêm hành vi kỳ thị Hồi giáo vốn tồn tại từ lâu.

thanh chien tinh yeu love jihad anh 2

Các nhà hoạt động phản đối bộ luật chống "thánh chiến tình yêu" được đề xuất ở Bangalore. Ảnh: AFP.

“Hồi tháng 2, chính phủ Ấn Độ tuyên bố trước Quốc hội rằng không có bộ luật nào ngăn cấm tình yêu liên tôn giáo nhưng định kiến này vẫn tồn tại và ăn sâu và xã hội. Thế nhưng, tính đến nay, ít nhất 4 bang do Đảng Nhân dân Ấn Độ lãnh đạo đã công bố kế hoạch ban hành luật để kiềm chế ‘tệ nạn xã hội’ này”, nhà báo Samar Halarnkar chia sẻ với BBC.

Từ lâu, kết hôn với người khác tôn giáo hoặc giai cấp là một vấn đề cấm kỵ, thậm chí là tệ nạn xã hội, trong các gia đình Ấn Độ có tư tưởng bảo thủ. Trong thời gian gần đây, những cuộc tranh luận xung quanh chủ đề này còn trở nên gay gắt hơn nữa.

Tại Ấn Độ, hơn 90% cuộc hôn nhân đều được gia đình sắp đặt để đảm bảo rằng con dâu/rể tương lai cùng đẳng cấp, địa vị hoặc tôn giáo.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Điều tra Phát triển Con người Ấn Độ, chỉ khoảng 5% số cặp vợ chồng không ở cùng giai cấp và 2,2% không cùng tôn giáo. Ngoài ra, những người này có nguy cơ cao bị sỉ nhục, đánh đập, thậm chí là thủ tiêu.

thanh chien tinh yeu love jihad anh 3

Quảng cáo gây tranh cãi của hãng trang sức Tanishq, xoay quanh câu chuyện giữa mẹ chồng người Hồi giáo và con dâu theo đạo Hindu. Ảnh: Tanishq.

Hồi tháng 10, thương hiệu trang sức nổi tiếng Ấn Độ Tanishq buộc phải gỡ bỏ một clip quảng cáo sau khi bị chỉ trích dữ dội trên Internet. Nội dung đoạn clip xoay quanh tiệc mừng cháu nội sắp chào đời do một phụ nữ theo đạo Hồi tổ chức cho con dâu theo đạo Hindu.

Tanishq, hãng trang sức thuộc Tatas - một trong những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, cho biết thông điệp trong quảng cáo mới nhất muốn hướng đến “sự thống nhất trong đa dạng”.

Tuy nhiên, các nhóm Hindu cực đoan cho rằng quảng cáo của thương hiệu trên ủng hộ “thánh chiến tình yêu”. Theo đó, nhóm này đã tạo nên làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Cuộc sống bất thường của bé gái nặng nhất Ấn Độ

Chahat Kumar - bé gái người Ấn Độ được nhiều người gọi bằng biệt danh "sumo nhí" - gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, không thể tự đi lại như những đứa trẻ khác.

Hồng Chang (Theo SCMP, BBC)

Bạn có thể quan tâm