Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành đạt là có chốn yêu thương để trở về

Nhiều người cứ nghĩ cuộc sống thành đạt là dư giả tài chính và đủ mạnh mẽ trước sóng gió cuộc đời. Nhưng đôi khi, thành đạt là có gia đình, có yêu thương, có một nơi để trở về.

*Zing trích dẫn bài dự thi "Ký ức sum vầy ngày Tết" của độc giả Trần Thị Ngọc Châu:

Hơn 30 tuổi đầu, tôi từng nghĩ có cuộc sống thành đạt là dư giả tài chính, đủ ăn, đủ mặc, đủ mạnh mẽ để bươn chải sóng gió cuộc đời.

Nhưng hóa ra không phải như vậy, thành đạt là có gia đình, có yêu thương, có một nơi để trở về. Đi để trở về, về bên mâm cơm, về thăm mẹ, về thắp cho ba nén nhang, đi xem lễ cầu nguyện đầu năm, về thăm ông bà, cô dì cậu mợ... Về để có một cái Tết đoàn viên, sum vầy, rôm rả câu chúc Tết nhau, cảm giác bình an đến lạ.

Hơn 30 tuổi, tôi khấp khởi hân hoan chờ đợi thời khắc năm mới sang, cảm giác như chưa lớn lên, chưa trưởng thành cứ như một đứa trẻ nhỏ. Ừ cứ thế có khi lại hay.

Ký ức sum vầy ngày Tết cứ hiện lên mồn một trong trí nhớ của tôi, tôi nhớ lúc đấy tôi 6 tuổi, cảnh ba mẹ tôi làm bánh Tết: Nào là gói bánh tét, làm mứt gừng, mứt dừa, làm bánh thuẩn, bánh kẹp và nhất là bánh in. Tôi ngồi bên cạnh thích thú và được ba bày làm bánh, được đổ vào khuôn, gõ ra in hình chữ thọ, hoa, lá... Nhưng tôi gõ cái bánh bị nứt, vỡ, không đẹp tí nào. Ba tôi vẫn kiên nhẫn bày cho tôi mặc dù tôi làm bị hư.

Tôi còn nhớ Tết mẹ mua cho chị em tôi đôi guốc, cứ mang mãi trên chân, xúng xa xúng xính đi lại. Em tôi đòi cái đôi guốc của tôi, khóc dỗi, ba tôi phân xử nhẹ nhàng, em lại không đòi nữa. Đó là những ký ức đẹp tôi nhớ mãi trong một số ký ức mà tôi hồi tưởng lại được.

ky uc,  sum vay,  ngay Tet anh 3

Các chị em lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ.

Chỉ vài tháng sau Tết năm ấy, vào tháng 7, ba ra đi đột ngột không một lời từ biệt, cuốn vở tôi tập viết chữ chuẩn bị vào lớp 1 còn dang dở nét chữ ba tôi. Lúc đấy tôi cảm nhận được thế nào là mất mát, là trống vắng, là đau thương. Mỗi đêm nằm ngủ, tôi nhớ ba đến khóc thiếp đi mới thôi vì không có ba ngủ bên cạnh, không còn ai trò chuyện, kể chuyện cho chị em tôi.

Mỗi năm vào ngày mồng 1 Tết đến, Tôi - là chị Hai - dắt các em đi chúc Tết ông bà ngoại, dì, cậu, mợ. Tôi cảm thấy buồn khi mẹ không đi cùng tận hai ba năm, mẹ bảo ở nhà với ba tôi. Mẹ dặn dò chị em chúng tôi từng câu chúc Tết ông bà, cô dì chú bác, hàng xóm, gặp người lớn phải chào, cứ câu cửa miệng “chào ông ngoại", "chào mệ ngoại năm mới”...

Tôi đến nhà ngoại, ai cũng đông đủ, các anh chị em bạn dì có cha có mẹ, chúng tôi thì không. Hồi đấy tôi hay tủi thân lắm, mặc dù họ hàng ai cũng dành tất cả tình thương cho chúng tôi. Tôi nhớ mãi cậu tôi hay lấy máy ảnh ra chụp mỗi nhà mỗi kiểu, riêng chụp nhà tôi, mặt tôi xị ra không cười bao giờ. Giờ thì tôi chụp hình cười toe toét.

Rồi những cái Tết sau, tôi hay ngồi xem ông bà ngoại tôi gói bánh tét cho đại gia đình, ông buộc chặt lắm, đòn nào đòn nấy như nhau trông thật đẹp. Rồi những đêm các anh chị hẹn nhau canh cũi nấu bánh cùng ông, nhưng tôi có bao giờ canh được đâu, tuổi ăn tuổi ngủ mà.

Chị em tôi cứ thế mà lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, của người thân. Chúng tôi giờ đã có gia đình bé nhỏ riêng, giữa bộn về cuộc sống, nhưng ký ức sum vầy ngày Tết luôn đong đầy mãi mãi.

Rất rất nhiều ký ức đẹp về ba chắc có lẽ tôi nhớ nhiều hơn các em tôi. Có lần em tôi bảo "em chả nhớ gì về ba cả". Ừ đúng rồi, ba đi khi các em còn ngây thơ, với đôi mắt trong veo nhìn mẹ khóc thôi mà.

Một cái Tết nữa sắp đến, gia đình lại sum vầy bên nhau, ngày mùng một đầu năm mới cả nhà đi xem lễ, đi lên mộ thắp cho ba nén nhang, cầu nguyện mong một năm bình an. Và tôi cảm thấy bình an thật sự khi được trở về nhà và tôi ước mãi là một đứa trẻ muôn đời không cần lớn trong vòng tay của mẹ.

Cảm ơn mẹ đã hy sinh tuổi xuân nuôi chị em tôi khôn lớn, cảm ơn những hy sinh thầm lặng lo chúng tôi ăn học, cảm ơn vào mỗi khi Tết đến mẹ dẫn chị em tôi đi sắm, may đồ Tết, được mặc đẹp tươm tất, gọn gàng, sạch sẽ với người ta.

Nhắc đến ký ức sum vầy ngày Tết, có khi tôi viết thành tập truyện cũng không hết. 28 năm là 28 ký ức được hồi tưởng lại trong tâm trí tôi. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, tôi lại về bên ngôi nhà nhỏ, với tuổi thơ đầy hoài niệm. Tôi lại về bên mẹ ôn lại ký ức xưa, tôi lại về thì thầm bên ba vài câu chuyện, kể cho ba nghe chuyện chồng chuyện con, kể cho ba nghe hai đứa cháu ngoại, về việc tụi nó hay hỏi “Ông ngoại lên thiên đường hả mẹ?”.

Giờ đây tôi không mong những điều cao xa mà chỉ mong muốn bình yên, sức khỏe cho những người mình yêu thương nhất, mong mẹ mãi mãi vui khỏe, bớt âu lo, muộn phiền con cái, gia đình chúng ta an yên, vui vẻ. Mong dịch bệnh mau qua, chị em chúng ta dẫn mẹ đi du lịch đây đó cho khuây khỏa cuộc đời.

Cảm ơn cuộc sống tươi đẹp này cho tôi cảm giác bình an. Và bình an thật sự là khi tôi có một nơi để về, đó là ký ức là hoài niệm rất đẹp, rất hạnh phúc, và ngây ngô của tuổi trẻ. Tôi sẽ kể cho con tôi nghe những gì nơi quê mẹ lớn lên để con trẻ biết sẻ chia, biết yêu thương, biết quan tâm và tình cảm hơn.

Và “Ký ức sum vầy hạnh phúc là tài sản quý giá nhất” trong mỗi chúng ta. Chúng ta hãy lưu giữ những nét văn hoá ngày Tết. Tết là phải đoàn viên phải sum vầy, bên nhau vui vẻ, hạnh phúc đó thật sự là con người Việt Nam giàu tình cảm, giàu tình yêu quê hương, cội nguồn.

Mong muốn lan tỏa thông điệp "Ký ức sum vầy hạnh phúc là tài sản quý giá nhất”, Zing News cùng Alma đồng tổ chức cuộc thi ảnh “Ký ức sum vầy ngày Tết”. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích mỗi người nhìn lại và trân trọng những kỷ niệm ngày Tết sum vầy cũng như tận hưởng kỳ nghỉ Tết 2021 thật ý nghĩa bên những người thân yêu.

Cuộc thi có sự tham gia của ca sỹ Mỹ Linh và ông Amir Ohayon - Phó chủ tịch phụ trách Kinh doanh công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường trong vai trò thành viên Ban giám khảo.

5 độc giả có bài dự thi xuất sắc sẽ nhận được voucher nghỉ dưỡng 4 ngày 3 đêm cho 2 người (kèm 2 trẻ nhỏ dưới 12 tuổi) tại căn hộ loại A - khu nghỉ dưỡng Alma 5 sao, khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.

Độc giả có thể gửi bài dự thi tại đây và xem thêm thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây.

Độc giả Trần Thị Ngọc Châu

Bình luận

Bạn có thể quan tâm