Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh Hóa mưa lớn sau bão, nhiều địa phương vùng núi chia cắt

Mưa lớn kéo dài sau bão số 10 khiến sông suối ở các vùng miền núi Thanh Hóa dâng cao. Nhiều vùng bị chia cắt, có nơi đã phải sơ tán.

Trong đêm 15 đến trưa 16/9, tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn trên diện rộng do ảnh hưởng của bão số 10. Mưa lớn khiến nước trên các con sông của nhiều huyện miền núi phía Tây như Lang Chánh, Quan Sơn, Ngọc Lặc, Thạch Thành dâng cao.

Tại huyện Lang Chánh, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chánh văn phòng UBND huyện này, cho hay vào khoảng 0h ngày 16/9, trên địa bàn xuất hiện những cơn mưa nặng hạt kéo dài khiến nước sông Âm lên nhanh.

"Chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền địa phương tiến hành sơ tán một bản làng nằm sát bờ sông", ông Sơn nói.

mua lon sau bao anh 1
Nước sông Lò ở Thanh Hóa đang tiếp tục dâng cao. Ảnh: N.D.

Theo đó, khoảng 70 người chủ yếu là người già và trẻ nhỏ tại bản Trải 2, thị trấn Lang Chánh, nằm bên bờ sông Âm đã được sơ tán đến nơi an toàn. Nhà chức trách huyện này đang tiếp tục theo dõi diễn biến mưa để có những biện pháp ứng phó.

Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết mực nước trên hai con sông Luồng và sông Lò chạy qua địa bàn đang dâng cao khiến nhiều bản làng bị chia cắt, cô lập.

Cụ thể, bản Sủa và Na Hồ (xã Sơn Điện), bản Son và Sa Ná (xã Na Mèo) bị ngăn cách bởi con sông Luồng. Bản Nầm thuộc xã Trung Tiến bị chia cắt bởi sông Lò. Tại những địa phương này, chiếc cầu tạm bắc qua sông là nơi đi lại duy nhất của bà con đã bị nước lũ cuốn trôi.

Cũng theo ông Đạt, hiện cuộc sống của bà con đang tạm ổn định với phương châm "bốn tại chỗ". 

"Trước tình hình này, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương theo sát tình hình, diễn biến để có hướng ứng phó khi cần thiết", ông Đạt nói. Trước mắt, huyện đã cử lực lượng thanh niên của chính quyền địa phương tiếp cận địa bàn các bản bằng bè xuồng để nắm tình hình.

Báo cáo nhanh từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa cho hay bão số 10 làm một người chết là ông Phạm Văn Cường (SN1973, ở thôn 1 xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia) khi đánh cá đã bị lũ cuốn trôi.

Mưa bão làm 1 tàu khai thác thủy, hải sản bị chìm, hiện vẫn chưa xác định được số hiệu và chủ tàu; 108 nhà bị ngập và 1 trường học bị ảnh hưởng. Về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản qua thống kê có 642 ha lúa, 106 ha rau màu, 5.000 cây, hơn 2.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Về thủy lợi, đê điều, bờ biển, 35.000 m3 đê bao nuôi trồng thủy sản bị cuốn; 470 m đê dưới cấp III bị sạt lở; 220 m kè bị lở; 3 cống bị hư hỏng nặng.

Mưa bão cũng làm bờ biển tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương bị sóng biển đánh sạt sâu thêm vào đất liền 6-7 m, với chiều dài 5,2 km và đường và kè khu sinh thái Hải Tiến bị sạt 3 km…

Sáng 16/9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở nhiều địa phương.

Theo đó, lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang lên. Mực nước đo được vào 7h sáng ngày 16/9 trên các trạm đo ở sông Ngàn Sâu, La, Gianh, Kiến Giang, Thạch Hãn từ báo động 1 đến báo động 2.

Dự báo, trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La… tiếp tục lên.

Cơ quan này khẳng định nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp ở tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Hàng trăm nhà tốc mái, cây gãy, cổng chào đổ trong bão số 10

Báo số 10 đổ bộ vào đất liền từ khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió có sức gió 115-150 km (cấp 12-13) đã khiến nhiều cây cối gẫy đổ, thuyền bị chìm.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở nhiều địa phương sau bão

Theo dự báo, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái và từ Thanh Hóa đến Quảng Trị do mực nước ở các sông đang lên cao.


Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm