Hơn 6 tháng kể từ ngày nhạc sĩ Thuận Yến rời xa cõi tạm, nhưng âm nhạc của ông vẫn luôn neo đậu trong trái tim người hâm mộ. Mặc cho cái giá lạnh của Hà Nội những ngày đầu đông, nhiều khán giả vẫn tới Cung Hữu nghị vào tối 8/11 để thưởng thức đêm nhạc Bản tình ca cha viết tưởng nhớ Thuận Yến.
Tứ ca Trọng Tấn, Thanh Lam, Anh Thơ, Tùng Dương mở màn chương trình. |
Những chương hồi ký bằng âm nhạc của Thuận Yến bắt đầu bằng ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la do tứ ca Thanh Lam, Trọng Tấn, Tùng Dương, Anh Thơ thể hiện. Đương thời, chàng trai Đoàn Hữu Công (tên thật của Thuận Yến) tự nhận mình là người có may mắn đặc biệt khi được hát cho Bác nghe, được nhận phần thưởng từ Bác, được nghe Bác dặn dò... trong những ngày chiến tranh gian khổ. Có lẽ vì thế mà Thuận Yến dành nhiều tình cảm cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với 26 ca khúc viết về Bác.
Không chỉ Thanh Lam hiểu thấu tình cảm đó, mà một người bạn với gia đình của chị - ca sĩ Tùng Dương - cũng rất rõ điều này. "Tôi nhớ có một lần tới nhà bác Thuận Yến ăn cơm, khi đấy, bác không còn minh mẫn nữa. Có lẽ, với nhạc sĩ Thuận Yến, hình ảnh Bác luôn khắc sâu trong tâm khảm". Nối tiếp mạch cảm xúc này, Tùng Dương hát Miền Trung nhớ Bác. Nam ca sĩ đã ép chất ma quái thường thấy, để dung hòa được cảm xúc trong bài hát cùng với bản phối mới hiện đại hơn.
Bên cạnh Bác Hồ, hình ảnh người lính cũng là một trong những cảm hứng để Thuận Yến viết những sáng tác để đời, trong số đó, nổi bật là bài hát Màu hoa đỏ. Từng hát ca khúc này nhiều lần, nhưng với Thanh Lam lần này, nó mang lại nhiều cảm xúc. Là hoài niệm của những ngày đôi mươi, Thanh Lam được nhạc sĩ Thuận Yến dẫn đến phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam để thu thanh lần đầu bài hát Màu hoa đỏ, là cảm xúc thổn thức, bồi hồi khi người khi người cha thân yêu đã không còn ở bên cô. Nén nỗi đau vào trong, người đàn bà hát cho thấy sự dày dặn trong giọng ca, và vẫn "cháy" cùng xúc cảm vẹn nguyên như ngày nào.
Thanh Lam thỏa sức vẫy vùng trong các bản tình ca của cha. |
Trong khi đó, cặp song ca Trọng Tấn - Tùng Dương lại mang tới một không gian âm nhạc khác sôi nổi và mạnh mẽ hơn với Mỗi bước ta đi. Hai giọng nam hàng đầu Việt Nam, hòa với tiếng đàn accordion đã tạo nên một tiết mục ấn tượng. Thiện Thanh lại cho thấy sự đáng yêu trong ca khúc Con gái mẹ đã thành chiến sĩ. So với những ngày đầu bước lên sân khấu trong liveshow Yêu vào năm 2012, Thiện Thanh giờ đã trưởng thành hơn và được mẹ nâng đỡ trên những sân khấu lớn. Dù vậy, cháu ngoại của nhạc sĩ Thuận Yến tâm sự, cô vẫn chưa hết bỡ ngỡ, rụt rè mỗi lần trình diễn trên sân khấu.
Những sáng tác của Thuận Yến cũng trải dài theo dáng hình đất nước. Từ biên giới phía Bắc đầu nguồn sông Hồng (Gửi em ở cuối sông Hồng) đến miền Tây, đất mũi (Đi trong hương tràm). Cảm xúc về tình mẹ thiêng liêng cũng được nhạc sĩ khắc họa từ cái ta (Mẹ Việt Nam mặt trời trong tim con) đến cái tôi (Lắng nghe con mẹ ru mẹ hát) như được viết riêng dành tặng mẹ của Thanh Lam - nghệ sĩ đàn thập lục Hồ Thanh Hương.
Phần nhiều ca khúc của Thuận Yến đều là những bản tình ca đôi lứa, mà không ít bài hát trong đó đã làm nên thành công của diva Thanh Lam. Những Chia tay hoàng hôn, Thành phố vắng anh, Tình yêu không lời, Khát vọng... lần lượt được chị cất lên trong tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của khán giả. Dù tuổi đã ngoài 40, nhưng với các sáng tác của cha, chị lại được mặc sức vẫy vùng, thả mình vào trong đó với những phút sôi nổi, lắc tóc, nhún nhảy.
Hai mẹ con Thanh Lam - Thanh Hương song ca trong tiết mục Tiếng đàn thập lục. |
Còn nghệ sĩ Thanh Hương - vợ của nhạc sĩ Thuận Yến - lại cảm thấy hài lòng khi chứng kiến thành công của chồng và con gái. Bà tự hào vì là người đã đứng sau những thành công của chồng, là cảm hứng để ông viết nên các bản tình ca đi cùng năm tháng: Chia tay hoàng hôn, Tiếng đàn thập lục... Nghệ sĩ Thanh Hương cũng hồi tưởng lại những câu chuyện về tình yêu với nhạc sĩ Thuận Yến. Dù đã được bà nhắc nhiều trên nhiều phương tiện truyền thông, nhưng khán giả vẫn thấy trong đó sự tự hào về người chồng "vừa đen vừa xấu" nhưng lại rất chân thành, mộc mạc và yêu thương gia đình hết mực.
Trong suốt hơn 40 năm chung sống dưới một mái nhà, cả hai mới có duy nhất một lần cãi vã khi Thanh Lam được 10 tháng tuổi. Những kỷ niệm đầy ăm ắp được nghệ sĩ Thanh Hương chia sẻ với khán giả đã mang tới phút giây vui vẻ, gợi cho khán giả những cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống gia đình của nhạc sĩ Thuận Yến. Xuất hiện trên sân khấu lần này, bà cũng mang tới các khúc ngâm thơ Tiếng đàn thập lục, Con yêu để làm chương trình thêm phong phú.
Đêm nhạc Bản tình ca cha viết không mang nhiều không khí buồn thương, nuối tiếc, mà phần lớn các ca khúc trong chương trình đều được phối mới hiện đại, sôi nổi. Giống như cách nghệ sĩ Thanh Hương nhận xét dí dỏm về đêm nhạc: "Tôi chưa thấy buồn mà ngược lại, rất vui. Cái vui đầu tiên là được khán giả đến ủng hộ, tiếp theo là chương trình này tập trung toàn ngôi sao". Có lẽ, trong khuôn khổ đêm nhạc gia đình, Thanh Lam và Trí Minh - người con trai lặng tiếng của Thuận Yến - muốn khán giả ra về với những kỷ niệm vui vẻ về người cha đã khuất, muốn nhạc sĩ dù rời xa cõi trần có thể yên lòng mỉm cười ở thế giới bên kia.