Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, những năm qua ngành du lịch TP đã khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.
Giai đoạn 2010-2014, dù gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, nhưng lượng khách du lịch có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, mức tăng bình quân hơn 10%, năm 2014 đạt 15,4 triệu lượt khách nội địa, 3 triệu lượt khách quốc tế, gấp 2 lần so với năm 2010, chiếm tỷ trọng 40% so với cả nước...
Ngành cũng đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp vào nguồn thu ngân sách, đưa hình ảnh thủ đô Hà Nội - TP du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện, các sản phẩm du lịch độc đáo đậm chất văn hóa truyền thống tới đông đảo bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
HĐND TP Hà Nội biểu quyết. Ảnh: Phạm Hải. |
UBND TP cũng khẳng định việc thành lập Sở Du lịch là rất cần thiết và phù hợp với định hướng phát triển của TP về phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn.
Sở sẽ gồm Giám đốc và 3 Phó giám đốc, 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ. Trước mắt xác định biên chế hành chính gồm 69 người được tách chuyển từ biên chế công chức của Sở VH,TT&DL.
Tại báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, việc thành lập Sở Du lịch và kiện toàn Sở Văn hóa và Thể thao đảm bảo thực hiện quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2020, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Ban Pháp chế cũng đề nghị Sở Du lịch cân đối trong biên chế hành chính, sự nghiệp của TP năm 2015, đảm bảo không tăng thêm biên chế.