Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có phát ban, nổi bóng nước. Ảnh minh hoạ: Shutterstock. |
Ngày 25/6, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, đây là ca bệnh đầu tiên tại huyện Trảng Bom và cũng là trường hợp thứ 4 trên toàn tỉnh.
Nam bệnh nhân tên là N.V.L., 28 tuổi, có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ vào ngày 23/6. Trước đó, ngày 19/6, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) trong tình trạng sốt cao, xuất hiện các nốt mụn mủ rộng khoảng 1 cm ở hai cẳng chân, lòng bàn tay, bàn chân, sau lưng, mặt và cơ quan sinh dục.
Ngoài ra, trên người bệnh nhân còn có các nốt giang mai. Bệnh nhân có tiền sử nhiễm HIV vào khoảng cuối năm 2021, đã bỏ điều trị. Bệnh nhân sống cùng nhà với cha mẹ, hiện người nhà vẫn chưa ghi nhận biểu hiện bệnh giống với bệnh nhân.
Sau khi nhận thông tin ca bệnh, CDC Đồng Nai đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom thực hiện xử lý ca bệnh và tăng cường giám sát cộng đồng.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Thuý Hoa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh đậu mùa khỉ lây qua nhiều đường, trong đó có tiếp xúc gần kéo dài như hôn, quan hệ tình dục, hít phải giọt bắn của người mắc bệnh. Đồng thời, mọi người có thể nhiễm bệnh từ nguồn động vật hoang dã.
Đa số người bệnh mắc đậu mùa khỉ có phát ban, bóng nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục do liên quan đến đường lây là quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su bảo vệ.
Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.