Thông tin này vừa được ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), chia sẻ tại buổi giao ban trực tuyến với Bộ Y tế cùng lãnh đạo sở y tế 63 tỉnh, thành phố, sáng 2/8.
Hai trường hợp được trả phí
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho hay bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tạm thời thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong hai trường hợp.
Cụ thể, người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly y tế và trường hợp mắc Covid-19 đang khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế sẽ được bảo hiểm thanh toán chi phí xét nghiệm.
Các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng được trả chi phí này.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế). Ảnh: Đình Nam/VGP. |
Hai loại dịch vụ sẽ được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí là xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR (734.000 đồng/mẫu) và test nhanh (238.000 đồng/mẫu).
Ông Nguyễn Nam Liên lưu ý trường hợp được chỉ định xét nghiệm nhưng cơ sở y tế không thực hiện được, cơ sở này phải chuyển bệnh phẩm đến nơi khác đủ điều kiện để làm xét nghiệm.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết các địa phương cần thống kê những cơ sở y tế đủ năng lực xét nghiệm cả RT-PCR và test nhanh. Trên tinh thần này, cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương sẽ chủ động phối hợp thực hiện.
“Bảo hiểm xã hội tạm thời có mã thanh toán cho hai chi phí xét nghiệm này. Hai mã này đã cập nhật trên hệ thống giám định để có thể thanh toán tạm ứng cho cơ sở y tế”, ông Phạm Lương Sơn thông tin.
Về vấn đề chênh lệch giá khi đấu thầu, ông Liên đề nghị các địa phương chủ động báo cáo chính quyền địa phương để hỗ trợ một phần chỗ dư đó.
Các địa phương tăng tốc xét nghiệm
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, cho biết trong một tháng qua (1-29/7), khoảng 1,4 triệu người đã đến Đà Nẵng, riêng khu vực 3 bệnh viện có khoảng 800.000 lượt người đến đây.
“Đợt dịch này có tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế hành động quyết liệt như vậy. Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế. Người dân có yếu tố nguy cơ khi đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm. Bảo hiểm y tế sẽ trả chi phí này. Chúng ta phát hiện càng sớm thì ổ dịch càng nhanh được kiểm soát”, GS Long cho hay.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, chủ trì hội nghị. Ảnh: MOH. |
Hiện cả nước có khoảng 2.500 đơn vị khám, chữa bệnh có hợp đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong ngày hôm qua (1/8), số lượng xét nghiệm được ghi nhận cao hơn đỉnh điểm trong tháng 4 (giai đoạn có số lượng xét nghiệm rất cao). Tuy nhiên, tốc độ này cần đẩy nhanh hơn.
GS Long đề nghị các cơ sở y tế có hợp đồng bảo hiểm xã hội phải thực hiện xét nghiệm dưới nhiều hình thức. Những cơ sở này có thể là nhà nước, tư nhân, khối y tế dự phòng, quân đội, thú y…
Tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị TP.HCM lập danh sách tất cả bệnh viện được tiếp nhận bệnh nhân, có khả năng làm xét nghiệm SARS-CoV-2 đến thời điểm này. Thành phố không để tình trạng người dân gọi điện phản ánh việc phải đợi 3-4 ngày mới được xét nghiệm.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay địa phương này có 600 cơ sở y tế ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội, 10 đơn vị có khả năng xét nghiệm RT-PCR. Các đơn vị có công suất tối đa khoảng 3.000 xét nghiệm/ngày. Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để tiếp tục thực hiện cho hơn 19.000 người đã đăng ký.
Trước những kiến nghị của Hà Nội, quyền Bộ trưởng Y tế khẳng định trung ương không cấp test nhanh mà khuyến khích làm xét nghiệm RT-PCR. Tất cả đơn vị ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này.
Quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị các địa phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi. Các cơ sở đủ điều kiện có thể là nhà nước, tư nhân, khối y tế dự phòng, quân đội... mở rộng ngay việc xét nghiệm.
"Về chi phí xét nghiệm Covid-19, trước kia chỉ có nhà nước, giờ có thêm ngân sách bảo hiểm y tế phục vụ cho việc này", GS Long nhấn mạnh.