Ngày 21/6, TAND TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử 7 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ, cùng hai bị cáo khác cùng về hành vi Nhận hối lộ.
Đường dây "bảo kê tiền tỷ" ở miền Tây
Những người này, gồm: Dương Minh Tâm (nguyên Phó chánh TTGT), Đoàn Vũ Duy (nguyên Đội trưởng Đội TTGT số 11, phụ trách quận Bình Thủy), Võ Hoàng Anh (nguyên đội trưởng TTGT), Lý Hoàng Minh (nguyên Đội phó Đội TTGT số 3, phụ trách quận Ninh Kiều), Nguyễn Trần Lưu (nguyên Đội trưởng Đội TTGT quận Thốt Nốt), Hồ Công Thiện (nguyên Đội phó Đội TTGT huyện Phong Điền) và Trần Lập Pháp (nguyên cán bộ Đội TTGT quận Cái Răng) cùng Nguyễn Văn Cần (30 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) và Trần Tường An (38 tuổi, ngụ TP Cần Thơ).
Cần và An là hai đối tượng ngoài xã hội, có vai trò đồng phạm, móc nối với các TTGT để nhận hối lộ, nhằm “bảo kê” cho các DN, nhà xe trên địa bàn trong và ngoài TP Cần Thơ.
Trong buổi sáng, HĐXX đã tiến hành làm thủ tục chung. Tại phiên toà, HĐXX đã triệu tập 120 tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên chỉ có 34 tổ chức, cá nhân có mặt phiên toà và 13 tổ chức, cá nhân có đơn xin xét xử vắng mặt.
Giữ quyền công tố tại toà, đại diện Viện KSND đã công bố cáo trạng dài 44 trang. Theo cáo trạng, Từ năm 2013, đến năm 2016, cả 9 bị cáo đã buộc các doanh nghiệp (DN), nhà xe hoạt động vận tải phải "chung chi" để nhận hối lộ. Cần và An có vai trò đồng phạm, móc nối với các TTGT để nhận hối lộ.
Bị cáo Dương Minh Tâm, nguyên Phó Chánh TTGT. Ảnh Minh Anh. |
Bảy cán bộ TTGT đã cấu kết với Cần, An thoả thuận, ép buộc một số DN, nhà xe trên địa bàn trong và ngoài TP Cần Thơ để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông.
Đổi lại, hàng tháng hoặc từng lần vi phạm, các DN, cá nhân phải giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các bị can nói trên, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, các bị cáo đã nhận hối lộ trong 135 vụ (của 135 tổ chức, cá nhân) và nhận hối lộ từ hơn 260 người thuộc các tỉnh, thành như: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu... với tổng số tiền khoảng 4 tỷ.
Tâm nhận hối lộ gần 500 triệu đồng, Anh nhận hơn 536 triệu đồng…. Riêng Cần đã nhận hơn 2,7 tỷ đồng để giao lại cho các TTGT, còn An đã môi giới cho Duy nhận 350 triệu đồng.
Trong thời gian làm Đội trưởng Đội cơ động đường bộ TP Cần Thơ (có quyền kiểm tra trên toàn địa bàn thành phố), Duy yêu cầu Cần và An nhận tiền giúp.
Cả hai thường xuyên đi tuần tra cùng với Duy, làm cho các tổ chức, cá nhân nhầm tưởng 2 người này là cán bộ TTGT. Khi kiểm tra xe, có lúc Duy trực tiếp thỏa thuận với chủ xe để chi tiền, có lúc cho số đỉện thoại của Cần và An hoặc chỉ đạo Cần và An liên hệ với chủ xe để nhận tiền.
Ngoài việc nhận tiền của các chủ xe, Cần còn giúp Duy đôn đốc các doanh nghiệp, cá nhân nộp tiền đúng hạn, đúng số lượng và thỏa thuận thu tiền. Ai không chi tiền hoặc trễ hạn thì thông báo cho Duy đến kiểm tra, xử lý để buộc chi tiền. Tổng cộng, Cần đã giúp Duy nhận tiền của 50 doanh nghiệp, cá nhân, với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, Cần được hưởng lợi 71 triệu đồng, An giúp Duy nhận tiền của 5 doanh nghiệp, cá nhân, với số tiền 53 triệu đồng...
Logo "A Di Đà Phật" cũng khó thoát
Theo Viện KSND Cần Thơ, hành vi của các bị can đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động và uy tín của cơ quan nhà nước, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.
VKSND Cần Thơ truy tố, Duy, Tâm, Anh, Cần và An theo điểm a khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, hành vi đưa hối lộ và người có liên quan đến hành vi đưa hối lộ có liên quan đến nhiều người và tổ chức, đồng thời có dấu hiện của phạm tội khác, sẽ được Cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tại phiên toà, sau khi nghe Viện KSND công bố cáo trạng, các bị cáo đều thừa nhận, chỉ có bị cáo Duy là không thừa nhận cáo trạng và cho rằng mình không có hành vi nhận hối lộ và đề nghị tòa xem xét.
Trong phần thẩm vấn vào buổi chiều, bị cáo Pháp thừa nhận, thời gian trực trạm cân lưu động và tuần tra tuyến quốc lộ qua địa bàn quận Cái Răng đã nhận tiền chung chi của 10 DN, cá nhân với số tiền 47,5 triệu đồng. Pháp thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho biết việc nhận tiền nhằm “giúp đỡ” các nhà xe không bị xử phạt. Các nhà xe ở xe đã xin số điện thoại của Pháp và được cung cấp để họ chuyển tiền định kỳ.
9 bị cáo (đứng) tại phiên toà. Ảnh Minh Anh. |
Bị cáo Lưu thừa nhận đã nhận tiền của ông Nguyễn Bá Kiệt (chủ DNTN Minh Khang) 2 triệu đồng không xử phạt xe của DN này. Ngoài ra, bị cáo còn nhận tiền của bà Phạm Thị Nương 24 triệu đồng. Kiểm sát viên đã công bố bút lục lời khai của Lưu tại cơ quan điều tra và lời khai của những người đã đưa tiền cho Lưu. Mỗi khi chưa nhận được tiền, Lưu đã gọi điện “nhắc nhở” chủ phương tiện phải chung tiền...
Cũng tại phần xét hỏi, một số bị cáo khai đã có lần chuyển tiền cho Duy nhưng khi đối chất thì bị cáo này phủ nhận và không nói gì thêm. Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã công bố lời khai của các bị cáo và những người có liên quan.
Nhiều lời khai của các DN, chủ xe thể hiện có những trường hợp họ bị TTGT “hỏi thăm” với những lý do rất vô lý nhưng không cãi lại được như: biển số mờ, vỏ xe mòn… Đặc biệt, có trường hợp xe treo logo có dòng chữ “A Di Đà Phật” cũng bị kiểm tra vì cho rằng dòng chữ này chỉ được treo trên xe từ thiện...
Phiên tòa lần này dự kiến diễn ra trong 3 ngày.