Thực trạng chung của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc sau khi nhóm nhạc họ góp mặt tan rã là chật vật đối mặt với “thế giới thực” khắc nghiệt. Theo Korean Times, thành công từ quá sớm cùng sự nghiệp biểu diễn ngắn ngủi đẩy họ đến chỗ phải vắt óc tìm kiếm hướng đi khác cho sự nghiệp khi mới ở độ tuổi cuối 20, đầu 30.
“Lời nguyền 7 năm”
Theo thống kê của Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc, bảy năm là thời hạn dài nhất mà một công ty giải trí có thể ký hợp đồng quản lý với nghệ sĩ. Sau đó, hai bên cần tiến hành gia hạn hợp đồng để tiếp tục quan hệ hợp tác. Nhưng đa số trường hợp, phương án này sẽ bị bỏ qua.
Ba năm sau ngày 2NE1 ran rã, cựu trưởng nhóm 2NE1 - CL - đã ra mắt album solo đầu tay với tựa đề In the Name of Love (2019). Ảnh: Naver. |
Lý do vô cùng đa dạng: có thể nhóm nhạc không mang về cho công ty đủ lợi nhuận hoặc một trong các thành viên muốn tách nhóm để phát triển sự nghiệp cá nhân… Ngay cả những nhóm nhạc nữ nổi tiếng hàng đầu như Sistar, Girls’ Day hay 2NE1 cũng không thể thoát khỏi “lời nguyền bảy năm”.
Sau khi nhóm tan rã, nhiều ngôi sao như Youngjae của B.A.P, Hyuna của 4Minutes, CL của 2NE1 hay Hyolyn của Sistar… đều theo đuổi sự nghiệp ca sĩ solo. Họ cũng có thể chuyển hướng sang diễn xuất như Bora của Sistar hay Sohee của Wonder Girls.
“Không có ca sĩ nào giống nhau bởi họ đa tài và ấp ủ vô số dự định. Nhưng về cơ bản, sẽ ít rủi ro hơn nếu họ lựa chọn tiếp tục ca hát hoặc diễn xuất. Bởi ít nhiều nền công nghiệp giải trí là môi trường họ đã biết rõ”, Jung Min Jae - nhà phê bình của tạp chí âm nhạc IZM - nhận xét.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều ngôi sao lựa chọn phát triển bản thân trên các nền tảng khác như sản xuất nội dung và vận hành kênh cá nhân trên mạng xã hội.
Những năm gần đây, nhiều ca sĩ tên tuổi đã lựa chọn sử dụng mạng xã hội như cách đầu tư cho tương lai. Mir (Bang Cheol Yong) của nhóm nhạc MBLAQ là một ví dụ.
MBLAQ thành lập năm 2009 và tan rã hồi 2015. Tới 2017, Mir khai trương kênh cá nhân Mir Bang chuyên chia sẻ các câu chuyện về đời tư bản thân.
Mir (MBLAQ) chuyển hướng trở thành người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Ảnh: CMH. |
Sau khi nổi tiếng nhờ các video hài hước cùng thành viên trong gia đình, nam ca sĩ đổi tên kênh thành Bang Family và tập trung xây dựng nội dung theo hướng này. Hiện, Bang Family có 640.000 lượt theo dõi.
Way, cựu thành viên của nhóm nhạc Crayon Pop, trở thành ngôi sao trên mạng xã hội. Kênh của Way thành lập năm 2017, chủ yếu chia sẻ chuyện hậu trường của các nhóm nhạc nữ Hàn Quốc. Cựu thần tượng khai thác nhiều chủ đề, từ những khó khăn cô từng đối mặt cho tới các mẹo làm đẹp. Kênh của Way đang có 290.000 lượt theo dõi.
“Một khi các ngôi sao Kpop mất vị trí hàng đầu, họ cũng đồng thời đánh mất các kênh hữu hiệu để giao lưu với người hâm mộ”, nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng Kim Hern Sik nói. “Mạng xã hội là nền tảng giúp họ duy trì tương tác với người hâm mộ cũng như tầm ảnh hưởng của một ngôi sao”.
Nhưng điều này tiềm ẩn không ít rủi ro. Kim Hern Sik tiếp tục: “Họ không thuộc cơ cấu của mạng xã hội. Không có công ty giải trí đứng đằng sau quản lý hay định hướng nội dung, rất khó để các nghệ sĩ duy trì được chất lượng nội dung của các sản phẩm mới. Cạn kiệt ý tưởng hay mất đi nhiệt huyết ban đầu là những rủi ro nhãn tiền”.
Một vài ca sĩ, như Yubin của Wonder Girls, đã bắt đầu việc kinh doanh riêng. Wonder Girls từng gặt hái thành công rực rỡ sau khi ra mắt năm 2007, nhưng không tránh được kết cục tan rã vào năm 2017.
Yubin thành lập công ty quản lý nghệ sĩ có tên RRR Entertainment hồi tháng 2. Nữ ca sĩ cho biết cô muốn thử thách bản thân trong hai vai trò CEO và nghệ sĩ. Đồng nghiệp cũ của cô, Hyerim, cũng gia nhập công ty vào tháng 3.
Sinh kế lâu dài cho nghệ sĩ
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những ngoại lệ như TVXQ hay Super Junior. Các nhóm nhạc nam đã hoạt động trên 15 năm và vẫn duy trì được sức ảnh hưởng quốc tế.
Lý giải về các trường hợp này, Jung nói: “Ca sĩ Kpop ngày nay có điều kiện tương tác với người hâm mộ và công chúng thường xuyên hơn nhờ mạng xã hội và các chương trình truyền hình. Họ cũng thường xuyên phát hành các album nhạc, thường dưới dạng đĩa đơn, bởi các công ty quản lý muốn tận dụng triệt để nghệ sĩ của họ trong thời gian bảy năm của hợp đồng. Trên hết, những nhóm nhạc như Super Junior sở hữu cộng đồng fan quốc tế đông đảo và trung thành”.
Super Junior là một trong các nhóm nhạc thần tượng "cao tuổi" so với mặt bằng chung của ngành giải trí Hàn Quốc. Ảnh: SM Entertainment. |
Nhóm chuyên gia cũng đồng thuận việc các ngôi sao nên nhắm tới kế hoạch phát triển lâu dài thay vì cách làm chộp giật. “Tôi nghĩ các ngôi sao nên có chiến thuật tiếp cận hai chiều. Cuộc đời, và sự nghiệp của họ cũng sẽ lắm thăng trầm như bất cứ ai. Họ cần những mục tiêu và kế hoạch phát triển lâu dài. Có lẽ họ nên thử công việc kinh doanh liên quan tới âm nhạc hay vận dụng tài năng cùng kinh nghiệm của mình một cách sáng suốt", Kim Hern Sik nói.
Nhà phê bình văn hóa tin rằng các công ty quản lý, đơn vị đào tạo nghệ sĩ từ thuở thiếu thời nên chịu trách nhiệm trong việc giúp đỡ họ xây dựng kế hoạch cuộc đời sau khi sự nghiệp âm nhạc khép lại.
Có quan điểm cho rằng các công ty quản lý không cần thiết phải chịu trách nhiệm với tương lai nghệ sĩ sau khi hợp đồng kết thúc. Nhưng Jung Min Jae tin rằng công ty nên hỗ trợ ca sĩ phát triển theo hướng nhạc sĩ sáng tác, giúp họ có thêm sinh kế để phát triển trong ngành công nghiệp giải trí.
“Các công ty nên có sự đào tạo chuyên sâu về sáng tác âm nhạc cho ca sĩ có tiềm năng. Sau khi danh tiếng của nhóm nhạc nữ giảm sút, công ty quản lý thường không giao cho họ các tác phẩm hay hoặc giới thiệu nhóm với những nhạc sĩ chắc tay”, ông nói.