Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phim về thanh xuân rực rỡ: Tại sao luôn khiến khán giả nức lòng?

Không chỉ "Tháng năm rực rỡ" (làm lại từ phim thanh xuân của Hàn Quốc "Sunny"), mà "Lady Bird" hay "Call Me By Your Name" của Oscar cũng là những bài ca tuổi trẻ không bao giờ cũ.

"Coming of age" (Đến tuổi thành niên) là tên của dòng phim đó. Những bộ phim có điểm chung là trải dài cuộc sống của nhân vật chính từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành, với điểm nhấn là những mâu thuẫn trong giai đoạn dậy thì.

Gần đây nhất, Lady Bird được coi là đại diện xuất sắc nhất trong dòng phim này, trong khi Call Me By Your Name cũng được khen ngợi không kém. Cả hai phim đều được đề cử Oscar Phim hay nhất năm nay.

Còn tại Việt Nam, "Tháng năm rực rỡ" đang trở thành câu nói cửa miệng của khán giả khi bộ phim thanh xuân cùng tên sắp ra rạp nhưng đã kịp tạo trào lưu qua những buổi chiếu sớm.

Đề tài không năm nào thiếu phim hay

Các đề tài "coming of age" thường bị coi là không đủ lớn, không đủ "vĩ đại" như những đề tài người lớn, với nhân vật người lớn. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là những bộ phim thanh xuân chất lượng luôn chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả mọi lứa tuổi. Những bộ phim này có khả năng tạo nên một trào lưu hoài niệm về tuổi trẻ.

Bởi vậy, không năm nào điện ảnh thiếu những bộ phim thanh xuân. Đó không đơn giản là phim về tuổi học trò thông thường, mà là về một "tuổi học trò đã qua", với những nhân vật chính đã hoặc đang trưởng thành và nhìn về quá khứ.

thanh xuan de tai nong trong dien anh anh 1
Lady Bird là một thanh xuân đầy "dữ dằn" nhưng không thiếu những phút xúc động. Ảnh: Scott Rudin Productions.

Xét theo từ góc nhìn của nhân vật, không phải thời đại trong phim thì đó có thể là quá khứ xa xôi nhiều năm trời như trong Tháng năm rực rỡ, Sunny, So Young... Nhưng cũng có thể là quá khứ mới ngày hôm qua như Lady BirdCall Me By Your Name, The Hunger Games, Reply 1988 (truyền hình)...

Đặc biệt, trong điện ảnh Âu Mỹ, đề tài này dường như không bao giờ thiếu phim tốt, lại theo nhiều cách khai thác khác nhau: hiền lành có, táo bạo gây tranh cãi cũng có. Nhiều phim rất quen thuộc với khán giả Việt Nam như: Blue Is the Warmest Colour, Boyhood, The Perks of Being a Wallflower, Young & Beautiful, The Fault in Our Stars, The Age of Adaline, Moonlight...

Có thể nói, không năm nào là điện ảnh không sản sinh ra vài phim thanh xuân nằm trong nhóm phim hay hoặc nổi tiếng nhất trong năm. Điều đó thể hiện ở những cơn sốt điện ảnh dành cho các bộ phim này hoặc những bảng đề cử giải thưởng điện ảnh danh giá cuối năm.

thanh xuan de tai nong trong dien anh anh 2
Cô gái đến từ hôm qua - "coming of age" ngay từ tên gọi.

Với Việt Nam, mỗi năm cũng đầy ắp phim thanh xuân như Chàng trai năm ấy, Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Em chưa 18, Cô Ba Sài Gòn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hot boy nổi loạn... 

Mặc dù các bộ phim chưa thực sự nhấn mạnh vào quá trình mâu thuẫn để trưởng thành của nhân vật, khán giả vẫn thấy rõ điều đó được lồng ghép qua những câu chuyện khác nhau, thường gắn với một tình yêu đầu đời quan trọng.

Khán giả "tìm thấy mình trong đó",
theo cách không hề sáo rỗng

Bị cuốn theo cơn sốt nhẹ về Tháng năm rực rỡ, nhiều khán giả chia sẻ hình ảnh của mình chụp với nhóm bạn thân từ thời trung học và hiện tại. Một trào lưu "ngày ấy - bây giờ" mới nhưng là về nhóm bạn thân chứ không chỉ cá nhân.

Với những người bạn không hay liên lạc, đây cũng là dịp để họ hội ngộ và cùng nhau đi xem phim để hồi tưởng thanh xuân.

Ở "Lady Bird", khán giả được sống lại trong cuộc cãi vã bất tận với mẹ khi họ mới dậy thì và "ghét cả thế giới".

Thời đi học, ai cũng nghĩ nhóm bạn của mình là hay ho và chất nhất quả đất, và đều hãnh diện nếu giữ được tình bạn đến tận bây giờ. Bộ phim đã đánh trúng vào tâm lý đó. Ai cũng thích khoe trên mạng xã hội, nhưng khoe tình thân là một điều ý nghĩa.

thanh xuan de tai nong trong dien anh anh 3

Tháng năm rực rỡ chỉ là một trong hàng triệu ví dụ về những bộ phim thanh xuân khiến khán giả tìm thấy mình trong đó. Cách nói này đã được sử dụng quá nhiều, đến thành sáo rỗng nhưng đó là điều luôn được công chúng thừa nhận ở các bộ phim thanh xuân. Khán giả thấy như chính mình xuất hiện trên màn ảnh cùng những rắc rối của thời niên thiếu niên.

Đặc biệt là Lady Bird. Bộ phim được đánh giá là chân thực nhất về thời niên thiếu năm qua đã đưa khán giả về lại chính căn phòng của mình, lớp học của mình, những buổi hẹn hò quậy phá và những cuộc cãi vã bất tận với mẹ khi họ mới dậy thì và "ghét cả thế giới".

Còn Call Me By Your Name là những rung động tình cảm đầu đời được đặt dưới kính hiển vi. Đôi khi, có cảm giác nhân vật trung tâm của bộ phim là "nội tâm của nhân vật Elio". Những biến chuyển tình cảm của chàng trai 17 tuổi lần đầu choáng ngợp trước một tình yêu lớn được mô tả kỹ càng cho thấy mối quan tâm lớn lao của nhóm sáng tạo phim với lứa tuổi này.

thanh xuan de tai nong trong dien anh anh 4
Timothee Chalamet trong Call Me By Your Name. Ảnh: Sony Pictures Classics.

Rất ít phim Việt làm được điều này vì dường như, đầu tư vào mô tả nội tâm nhân vật chưa phải là ưu tiên của các nhà làm phim thương mại, dù các nhân vật tuổi teen luôn là trung tâm trong câu chuyện. Trong Em chưa 18, một phim doanh thu cao và thuộc dạng tốt, các nhân vật yêu nhau quá nhanh.

Cả Tháng năm rực rỡ cũng vậy, cốt truyện về nhóm bạn thân chí cốt bị thời cuộc chia cắt gây nhiều xúc động, nhưng mọi chi tiết cũng được cường điệu để tạo nên chất hài, đành hy sinh độ chân thực. Cảnh 5 cô bạn trưởng thành ngồi xem lại những thước phim thời niên thiếu có thể nhiều chiêm nghiệm hơn nữa, nhưng chỉ dừng ở mức "lật lại cuốn lưu bút".

Đó vẫn là quyền lựa chọn của nhà làm phim, nhưng sự chân thực và liên hệ mật thiết với khán giả là thế mạnh của dòng phim "coming of age", rất nên tận dụng.

Dòng phim dành cho giới trẻ sắp chuyển mình ở Việt Nam?

Trả lời Zing.vn năm 2017, Dong Won Kwak - Tổng giám đốc CGV Việt Nam - nhận định khán giả Việt Nam hầu hết là thanh thiếu niên, độ tuổi trung bình rất trẻ và bộc lộ kỳ vọng đưa thị trường điện ảnh Việt Nam vào top 5 thế giới.

Với đối tượng khán giả như vậy, các nhà làm phim cũng đang nhanh chóng đưa họ và những câu chuyện của họ lên màn ảnh, biến khán giả (hoặc những nhân vật tương tự họ) trở thành nhân vật chính. Nhưng gần đây, các bộ phim thanh xuân Việt vẫn còn phải vay mượn nhiều chất liệu, trong đó có cả cốt truyện chính, chủ yếu từ phim Hàn.

Remake phim Hàn cũng là một xu hướng đáng khuyến khích nếu tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho điện ảnh Việt. Nhưng những câu chuyện của chính người Việt vẫn tạo nên giá trị riêng. Chẳng hạn, Greta Gerwig biên kịch và đạo diễn Lady Bird từ chính câu chuyện về thời niên thiếu của bản thân cùng mối quan hệ dữ dội với người mẹ nên mới chạm đến trái tim khán giả như vậy.

Không hề khó hiểu, khán giả trẻ ngày nay được xem những bộ phim như vậy trên màn ảnh Âu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... nên cũng kỳ vọng những câu chuyện của chính mình được kể trên màn ảnh Việt.

Nhạc phim 'Tháng năm rực rỡ': Rộn rã, đau đớn như thanh xuân mỗi người

Dường như hai chữ "rực rỡ" trong tên phim không đủ để nói về thời thanh xuân của mỗi người. Có lúc rộn rã như giai điệu "Kim ơi", nhưng cũng có lúc đau lòng như "Nụ hôn đánh rơi".





Mi Ly

Bạn có thể quan tâm