Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thập kỷ chuyển mình của phim Việt trên sóng giờ vàng VTV

Thập kỷ vừa qua đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của phim Việt trên sóng giờ vàng, từ bị khán giả quay lưng đến được yêu thích và thu quảng cáo hàng trăm tỷ đồng.

10 năm trước, phim truyền hình Việt Nam rơi vào giai đoạn bế tắc, thậm chí cùng đường. Những cuộc xâm lăng ồ ạt của phim Trung Quốc, Hàn Quốc và sau đó là cả phim Ấn Độ đã từng đánh bại phim truyền hình nội địa suốt một thời gian dài.

Phim truyền hình Trung Quốc và Hàn Quốc từng nằm ở thế “thượng phong” trên màn ảnh Việt, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khán giả. Có thời kỳ, mở tivi ra là những phim cổ trang Hoa ngữ hoặc câu chuyện tình cảm lãng mạn của xứ sở kim chi.

Phim Viet chuyen minh anh 1

Phim Việt đã lấy lại khán giả sau thời gian tê liệt.

Phim Việt từng tê liệt như thế nào?

Nhằm cân bằng lại thực trạng này, Luật Điện ảnh sửa đổi ngày 18/6/2009, có hiệu lực từ ngày 7/7/2010 quy định tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim.

Quy định mới này được đánh giá là có ý nghĩa mang tính bước ngoặt. Từ đây, các nhà đài bắt đầu chủ trương xã hội hóa phim truyền hình.

Thời gian đầu, các đơn vị phim tư nhân, các công ty truyền thông tích cực tham gia vào việc sản xuất phim để đáp ứng những đòi hỏi của khán giả.

Thị trường phim truyền hình trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Phim tăng lên về mặt số lượng, vừa đáp ứng được nhu cầu của nhà đài vừa mang lại nguồn quảng cáo không nhỏ.

Sự vào cuộc của những đơn vị tư nhân cũng kéo theo trào lưu đóng phim của người nổi tiếng “tay trái” như ca sĩ, MC, người mẫu. Mục đích là để lôi kéo người xem, tăng lượng rating. Nhiều ngôi sao ca nhạc đã tham gia đóng phim như Mỹ Tâm, Lam Trường, Tuấn Hưng, Thủy Tiên, Jenifer Phạm, Mai Phương Thúy.

Nhưng xu hướng này không mang lại hiệu quả lâu dài. Không ít ngôi sao bị coi là “bình hoa di động” trên màn ảnh, cả diễn xuất và đài từ đều không thuyết phục.

Cùng với đó là sự xuống cấp trầm trọng của chất lượng. Không chỉ với phim tư nhân mà còn với chính phim do đài truyền hình sản xuất. Điểm gây thất vọng là những kịch bản cũ kỹ, câu chuyện không mới, cảnh dựng thô vụng và công nghệ làm phim lạc hậu.

Từ những năm cuối của thập kỷ 2000 đến khoảng năm 2013, phim Việt hoàn toàn tê liệt trên sóng giờ vàng.

Các công ty truyền thông tư nhân cũng bắt đầu từ bỏ sản xuất phim truyền hình chuyển hướng sang mua hàng loạt format nước ngoài để làm game show, truyền hình thực tế, hình thành sự bùng nổ của loại hình này trên sóng giờ vàng.

Phim Viet chuyen minh anh 2

Người phán xử góp phần thay đổi định kiến của khán giả về phim Việt.

Sự chuyển mình mạnh mẽ

Khán giả vẫn trung thành với màn ảnh nhỏ nhưng phần lớn tìm đến game show, chương trình giải trí, phim nước ngoài thay vì phim Việt. Trước thực trạng này cùng với sự buông tay của các đơn vị xã hội hóa, buộc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của VTV thay đổi tư duy và cách làm phim nhằm kéo lại khán giả.

Những bộ phim đầu tiên cho thấy dấu hiệu của sự chuyển mình là Khi đàn ông góa vợ bật khóc, Hôn nhân trong ngõ hẹp và đặc biệt là Tuổi thanh xuân năm 2015.

Là bộ phim truyền hình đầu tiên đánh dấu sự hợp tác sản xuất giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, Tuổi thanh xuân được chú ý nhờ kịch bản hấp dẫn, gần gũi với giới trẻ và bối cảnh phim lãng mạn. Trong thời gian phát sóng, phim được khán giả chờ đón từng tập và thực sự đánh dấu bước chuyển mình của phim truyền hình trong nước.

Sau thành công của Tuổi thanh xuân, VFC tiếp tục có một vài dự án được chú ý như Zippo, Mù tạt và em năm 2016 cũng về đề tài tình yêu, thanh xuân.

Đến năm 2017, màn ảnh thực sự bùng nổ với tác phẩm là Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử. Cả hai phim đều thu hút khán giả, gây bão mạng xã hội và góp phần thay đổi định kiến đối với phim Việt.

Hai tác phẩm cũng mang lại mức giá đỉnh điểm của quảng cáo giờ vàng, lên tới 360 triệu đồng mỗi phút. Với 10 phút quảng cáo trong thời gian phát sóng mỗi tập phim, nhà đài đã thu về 3,6 tỷ đồng.

Năm 2017 được coi là dấu mốc của phim truyền hình Việt. Kể từ đó, năm nào VFC cũng có các dự án gây chú ý. Năm 2018 là Quỳnh búp bê, Cả một đời ân oán. Năm 2019 là Về nhà đi con.

Khép lại sau 85 tập, bộ phim Về nhà đi con đã đạt trung bình rating 14,1% tại thị trường Hà Nội và 1,39% tại TP.HCM (tức trung bình mỗi tập phát sóng có 14,13% dân số Hà Nội xem phim và 1,39% dân số TP.HCM xem phim). Tập có rating cao nhất đạt 21,68% tại thị trường Hà Nội, cao hơn cả bộ phim Người phán xử từng làm mưa làm gió năm 2017.

Phim đạt 839 TVC quảng cáo và thu về 77,5 tỷ đồng (theo báo giá quảng cáo TVAD).

Tuy nhiên, ngoài hình thức quảng cáo chính thống. Về nhà đi con cũng như nhiều phim truyền hình hiện nay còn được cho là thu tiền khủng từ hình thức quảng cáo bằng chính nội dung phim. Những thương hiệu, nhãn hàng xuất hiện trong phim mang lại cho nhà đài nguồn thu không nhỏ.

Phim Viet chuyen minh anh 3

Về nhà đi con là phim gây bão mạng xã hội năm 2019.

Thành quả đến từ đâu?

Diễn viên Việt Anh chia sẻ với Zing.vn rằng để có được thành quả hôm nay của phim truyền hình, VFC đã phải mất cả một thập kỷ chuẩn bị. Giải quyết vấn đề lồng tiếng là một trong những sự chuẩn bị ấy.

Thu tiếng đồng bộ từng là nỗi trăn trở của phim Việt. Những từ theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả phim truyền hình được VFC sản xuất 2 năm qua đều được thu âm trực tiếp tại hiện trường như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Ngày ấy mình đã yêu, Cả một đời ân oán, Quỳnh búp bê, Những cô gái trong thành phố, Mê cung và gần nhất là Về nhà đi con, Sinh tử.

Thu tiếng đồng bộ đã không còn là một xu thế tất yếu mà trở thành một thực tế hiển nhiên của đời sống phim truyền hình.

Cùng với thu tiếng đồng bộ, VFC - đơn vị sản xuất phim truyền hình lớn nhất hiện nay - cũng đã làm một cuộc cách mạng về kịch bản. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng nhiều lần khẳng định việc nâng cao chất lượng nội dung kịch bản là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Những nhà làm phim đã làm nhiều cách để giải quyết vấn đề kịch bản. Đầu tiên là mua bản quyền từ kịch bản nước ngoài với những đại diện tiêu biểu như Người phán xử, Cả một đời ân oán, Ngày ấy mình đã yêu, Sống chung với mẹ chồng

Cùng với đó là sự đa dạng hóa, phong phú hóa về đề tài. Nhiều đề tài mới mẻ đã được thực hiện, không gian câu chuyện cũng được mở rộng đến các vùng miền… Nhiều đề tài chưa từng xuất hiện trên màn ảnh đã lần đầu được khai thác như thế giới ngầm (Người phán xử), cave và vấn nạn bảo kê (Quỳnh búp bê), mối quan hệ lợi ích giữa giới quan chức và doanh nhân (Sinh tử)…

Với những đề tài cũ như tình yêu, gia đình nhà sản xuất sử dụng cách khai thác khác sao cho chân thực hơn. Đó là trường hợp của Sống chung với mẹ chồngVề nhà đi con. Phim xây dựng những điển hình nhân vật nhưng mỗi khán giả đều thấy gần gũi.

Bên cạnh đó, các biên kịch cũng không ngại “nằm vùng” trên mạng để có những câu thoại gần gũi với dân mạng, và dễ tạo “trend” khi lên sóng.

Việc chọn lựa diễn viên hiện nay cũng tương đối khắt khe. Những diễn viên có lợi thế về diễn xuất, đài từ được ưu ái hơn những "bình hoa di động".

Ngoài diễn viên miền Bắc, nhiều phim của VTV hiện nay quy tụ diễn viên miền Nam tham gia, thậm chí quay luôn tại miền Nam như Ngày ấy mình đã yêu.

Ngoài ra, công nghệ làm phim truyền hình hiện nay cũng được chú trọng. Mê cung thậm chí được khen như một tác phẩm điện ảnh vì có nhiều cảnh quay sáng tạo, trau chuốt.

Cùng với đó, khoảng 2 năm trở lại đây, thiết bị làm phim truyền hình đã được đầu tư hơn. Nhiều yếu tố thay đổi dễ nhận biết, ví dụ như hình ảnh, từ chất lượng SD trước đây, các bộ phim hiện nay đã đạt được chất lượng full HD, thậm chí một số bộ phim gần đây của VFC còn đạt chất lượng 4K như Người phán xử, Mê cung.

Ngoài yếu tố công nghệ, truyền thông mạng xã hội (social media) cũng được các nhà làm phim truyền hình đẩy mạnh. Mục tiêu của truyền thông mạng xã hội là đạt được sự chú ý của công chúng. Về điều này, VTV đang ra sức tận dụng.

Nhà đài luôn lập fanpage riêng cho từng phim. Khi phim kết thúc, fanpage này vẫn được sử dụng để quảng bá cho phim mới hoặc phim đang lên sóng, vốn chưa có nhiều khán giả biết đến.

Trong một phim, VTV cũng luôn biết cách khơi gợi tò mò, tung trailer của từng tập và tiết lộ tình tiết kịch tính nhất của tập mới. Điều này khơi gợi sự tò mò, tăng tính lan truyền, tương tác và mang lại hiệu quả trên mạng xã hội cho bộ phim.

Cùng với những đổi mới về công nghệ, chất lượng làm phim, không thể không kể đến việc VTV ngày càng dành nhiều ưu ái cho phim Việt trên sóng giờ vàng, nhất là trong bối cảnh game show đã bão hòa và phim kiếm được tiền từ quảng cáo.

Từ năm 2018, VTV có chủ trương phim Việt chất lượng cao trên sóng giờ vàng. Theo đó, phim truyền hình thương hiệu Việt được phát sóng từ thứ 2 đến thứ 6 trong khung giờ 20h45-21h45 trên VTV1, và từ thứ 2 đến thứ 5 trong khung giờ 21h45-22h45 trên VTV3.

Phim Việt thực sự chiếm lĩnh sóng giờ vàng các ngày trong tuần, ở cả hai kênh sóng quan trọng nhất của VTV là VTV1 và VTV3. Quan trọng, thương hiệu phim "made in Vietnam" giờ đã được đông đảo khán giả đón nhận, thậm chí được ví như vũ trụ phim trên sóng VTV.


10 nữ diễn viên truyền hình ấn tượng nhất màn ảnh VTV thập kỷ qua

Trong 10 năm, từ 2010-2019, Thu Quỳnh, Phương Oanh, Nhã Phương hay Bảo Thanh đã nổi lên như những ngôi sao nữ của phim truyền hình Việt.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm