Sau gần một tháng phát hành, Pacific Rim: Uprising tới nay vẫn chưa thể vượt qua cột mốc doanh thu 60 triệu USD tại Bắc Mỹ. Các thị trường quốc tế giúp dự án của Legendary và Universal thu khoảng hơn 230 triệu USD, và cho tổng thành tích là 290 triệu USD.
Song, đội ngũ nhà sản xuất khó lòng có thể hài lòng với những con số đó. Chi phí sản xuất của Pacific Rim: Uprising lên tới 150 triệu USD. Và những gì bộ phim làm được hiện mới chỉ bằng một nửa Pacific Rim (2013) - một dự án bị coi là thất bại về mặt doanh thu của Guillermo del Toro cách đây 5 năm.
Đi ngược lại nguyên tắc?
Trở lại mùa hè năm 2013, Pacific Rim có kinh phí sản xuất lên tới 190 triệu USD, nhưng chỉ thu hơn 100 triệu USD tại quê nhà Bắc Mỹ. May mắn thay, riêng Trung Quốc đem về cho bom tấn 113 triệu USD. Và giới quan sát cho rằng chính quốc gia tỷ dân là lý do khiến các nhà sản xuất theo đuổi việc kéo dài thương hiệu.
Năm nay, trong ba ngày đầu trình chiếu tại Trung Quốc, Pacific Rim: Uprising lập tức mang lại 66 triệu USD. Nhưng thành tích của bộ phim lập tức giảm sút bởi hiệu ứng truyền miệng tiêu cực. Sau gần một tháng, tập phim thứ hai của Pacific Rim mới chỉ vượt qua con số 100 triệu USD tại quốc gia tỷ dân.
Pacific Rim may mắn được Trung Quốc giải cứu hồi 2013. Universal có lẽ muốn nối dài loạt phim chỉ bởi khi ấy họ chưa có nhiều thương hiệu hái ra tiền. Ảnh: Warner Bros. |
Thông thường, một bộ phim chỉ có phần tiếp theo khi nó thực sự ăn khách. Nhưng Universal và Legendary dường như đã đi ngược lại quy tắc đó với Pacific Rim. Tập phim năm 2013 của đạo diễn Guillermo del Toro không thực sự được lòng giới phê bình, và thành tích 411 triệu USD toàn cầu chẳng phải là điều đáng tự hào.
Nguyên nhân là Pacific Rim tiêu tốn tới 190 triệu USD, tức nhà sản xuất cần thu gấp 2,5 lần như thế tại phòng vé mới có thể hòa vốn (tính cả chi phí sản xuất lẫn marketing). Mốc an toàn của bộ phim là khoảng 475 triệu USD, và các nhà sản xuất xem ra đã lỗ trên dưới 65 triệu USD với dự án đầy hoài bão.
Phòng vé nay là chiến trường vô cùng khắc nghiệt, và các dự án phần tiếp theo không phải tự nhiên mà đến. Terminator Genisys (2015) dự định mở đầu cho bộ ba Kẻ hủy diệt mới nay đã bị dẹp bỏ; John Carter (2012) khiến hãng Disney “sấp mặt” và dự án phần hai chưa bao giờ được cân nhắc; hay như Dredd (2012) của Karl Urban được lòng báo chí là vậy, nhưng bị số đông thờ ơ, nên phần tiếp theo đến nay vẫn chỉ là ước mơ của số ít.
Tương lai mịt mù
Sự ra đời của Pacific Rim: Uprising có thể đi ngược lại nguyên tắc, nhưng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thời gian cách đây 4 năm. Trên thực tế, dự án được “bật đèn xanh” từ năm 2014 khi Legendary quyết định chuyển hợp tác từ Warner Bros. sang Universal.
Thời điểm đó, nhà phát hành đang thiếu những thương hiệu dài hơi, và họ muốn tìm đến Pacific Rim. Song, chỉ đến 2015, Universal lập tức gặt hái thành công khổng lồ nhờ Fifty Shades of Grey, Fast & Furious 7, Minions, Jurassic World và Pitch Perfect 2.
Nhưng không phải thương hiệu nào của Universal cũng được khán giả đón nhận trong những năm qua, như The Huntsman: Winter’s War (2016) đã chứng minh. Từ đó, quyết định nối dài Pacific Rim của họ giống như nước cờ có phần vội vã.
Pacific Rim: Uprising thực tế được thai nghén từ 2014. Ảnh: Universal. |
“Đâm lao phải theo lao”, Universal và Legendary buộc lòng thực hiện Pacific Rim: Uprising. Nhưng khi đạo diễn Guillermo del Toro rời bỏ dự án để theo đuổiThe Shape of Water (2017), một bộ phận người hâm mộ đã bắt đầu cảm thấy “có vấn đề”.
Ngay cả khi John Boyega cố gắng thổi hồn cho bộ phim, đạo diễn Steven S. DeKnight chẳng thể khỏa lấp vị trí quá lớn mà del Toro để lại. Đến lúc giới phê bình quay lưng với Pacific Rim: Uprising, thất bại gần như là điều đã an bài. Hiệu ứng truyền miệng tiêu cực, bộ phim lập tức bị nhấn chìm bởi Ready Player One từ tuần 30/3.
Đến giờ, Universal có thể quên đi Pacific Rim: Uprising để tập trung quảng bá cho Jurassic World: Fallen Kingdom. Nhân vật Jake Pentecost của John Boyega đã gợi ý về trận chiến tiếp theo trên chính quê hương của bọn kaiju. Nhưng nó có lẽ sẽ chỉ xảy ra trong trí tưởng tượng của khán giả.