Zing.vn trích dịch bài đăng trên Reuters về câu chuyện của những trung tâm tập gym tại Trung Quốc vắng khách, huấn luyện viên thể dục không có thu nhập vì virus corona. Nhiều người buộc phải phát livestream, hướng dẫn tập miễn phí để giữ chân khách hàng.
“Đứng trước ghế. Thẳng lưng, ưỡn ngực”, Heidi Liu, một PT (huấn luyện viên cá nhân) làm việc tại một trung tâm tập gym ở Thượng Hải (Trung Quốc), đang hướng dẫn động tác và làm mẫu theo.
Nhưng không có học viên nào xuất hiện trước mặt cô. Trên thực tế, Liu đang phát sóng video livestream, với hàng trăm người dõi theo cô từ xa, trong ngôi nhà hay phòng ngủ của họ.
Phát livestream miễn phí là cách tạm thời của các phòng tập, trung tâm tập gym để giữ chân khách hàng khi mọi hoạt động đều chững lại vì virus corona. |
Giống hàng loạt ngành kinh doanh lao đao khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, các trung tâm gym, phòng tập thể dục trên khắp Trung Quốc đều lâm vào tình trạng vắng bóng khách hàng.
Nỗi lo virus lây lan khiến ai cũng muốn tránh xa các không gian công cộng.
Với những người dân mắc kẹt trong nhà dài ngày, các phòng tập trực tuyến thông qua hình thức livestream trở thành công cụ đắc lực để nhiều người vẫn được vận động.
Mặt khác, đó cũng là cách các phòng tập giữ chân khách hàng.
“Chúng tôi không muốn bị khách hàng quên lãng. Và nếu không làm gì cả, một số người có thể nghĩ trung tâm đã đóng cửa hoàn toàn. Chúng tôi đang cố gắng giúp mọi người giải khuây trong thời gian dài chôn chân tại nhà”, Chris Li, chủ của một phòng gym, cho hay.
Các phòng tập vắng bóng khách hàng khi ai cũng lo sợ đến những chỗ đông người. |
Phần lớn các lớp trực tuyến này được cung cấp miễn phí và được nhiều người hưởng ứng. Lớp học của Liu chỉ phát sóng vỏn vẻn 20 phút đã nhận về hơn 4.700 lượt yêu thích từ người xem.
Song, các video hướng dẫn tập luyện này đều không đem lại thu nhập cho phía trung tâm.
“Tôi không có ý định đánh cắp khách hàng ở nơi khác. Tôi chỉ muốn bảo vệ số lượng thành viên đang đăng ký ở chỗ mình”, Liu Xiaojin, người sáng lập chuỗi phòng tập có tên Gravity Plus ở Bắc Kinh, cho biết.
Hai tuần trước, Liu bắt đầu triển khai các phòng tập trực tuyến và cho thuê thiết bị tập thể dục để kiếm thêm tiền.
"Tất nhiên nếu chúng ta tìm ra một cách mang lại lợi nhuận lớn hơn trong bối cảnh hiện tại sẽ đỡ nặng đầu hơn nhiều”, Liu nói.
Người chủ sở hữu trung tâm gym thừa nhận sự hoang mang khi không biết bao giờ việc kinh doanh mới quay trở lại bình thường. Các phòng tập đã đóng cửa 3 tuần.
Với tình hình bệnh dịch hiện tại, những người chủ buộc phải chuẩn bị tâm lý việc kinh doanh sẽ còn ngưng trệ ít nhất đến cuối tháng.
"Mỗi ngày là một thử thách. Tôi phân vân nếu mọi chuyện tiến triển vào tháng 3; liệu tôi nên tiếp tục ở lại Thượng Hải, hay xin nghỉ việc và rời khỏi thành phố", Chris Li nói.