Thay BGK Vietnam Next Top Model vì bất đồng với nhà sản xuất
Người mẫu, ca sĩ Nathan Lee, nhà thiết kế Hoàng Ngân không đồng tình với cách tổ chức của nhà sản xuất khi xây dựng một chương trình truyền hình thực tế cứng nhắc.
>>Nathan Lee 'choáng váng' với các chân dài
>>Nathan Lee bận rộn nhiều dự án mới
Chỉ trong vài tuần đầu xuất hiện, chương trình truyền hình thực tế Vietnam Next Top Model đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm của công chúng, không chỉ bởi tiếng tăm của những phiên bản Mỹ, Úc, Canada,… mà còn bởi sự xuất hiện của các thành viên ban giám khảo gồm cựu người mẫu - ca sĩ Nathan Lee, nhà thiết kế thời trang Hoàng Ngân và người mẫu quốc tế Elizabeth Thủy Tiên. Tuy nhiên, tối qua lại là tập cuối cùng ba vị giám khảo này xuất hiện. Trong những tập tiếp theo, Vietnam Next Top Model sẽ có một ê kíp giám khảo hoàn toàn mới là siêu mẫu Hà Anh, nghệ sĩ Đức Hải và nhà thiết kế Huy Võ.
NTK Hoàng Ngân và Nathan Lee |
Cùng nghe một vài tâm sự của Nathan Lee và Hoàng Ngân trước lúc rời ghế nóng.
Nathan Lee
- Được biết, đêm qua chính là tập cuối cùng xuất hiện của anh ở tư cách giám khảo của Vietnam Next Top Model. Anh có lời giải thích về sự thay đổi thành phần BGK đột ngột này?
- Bất cứ chương trình truyền hình thực tế nào khi mới phát hành đương nhiên đều gặp những trở ngại nhất định, đặc biệt nếu đó là reality show nổi tiếng như Next Top Model. Sự nhạy cảm về hình ảnh, độ khắc nghiệt và tính thực tế đến trần trụi vốn là những yếu tố khiến chương trình này thu hút một lượng người xem khổng lồ tại mọi quốc gia mà nó có mặt. Và tôi đã lường trước điều này khi nhận lời làm người dẫn và giám khảo cho chương trình này.
Tôi đã có những tuần lễ thật sự căng thẳng, mệt, nhưng hào hứng! Không phải dễ dàng cho tôi để lại nhìn thấy chính mình phấn khích và hào hứng trong một dự án truyền hình như vậy. Nhưng đáng tiếc, diễn tiến của công việc đã khiến tôi nhận thấy những bất nhất về quan điểm chuyên môn lẫn tập quán hành xử giữa mình và nhà sản xuất. Và tôi cho rằng quyết định chấm dứt cộng tác là một động thái cần thiết một khi đó là cách hóa giải tốt cho những gì không thể thỏa hiệp được.
Vốn dĩ bản chất của một chương trình truyền hình thực tế là tính thực tế, dĩ nhiên. Và nên để khán giả quan tâm đến thực tế của nghề người mẫu như một ngành nghề đòi hỏi trau rèn và chuyên môn thật sự, thậm chí ngay cả những xung đột tâm lí, hành xử giữa các thí sinh mà giám khảo là người đóng vai trò định hướng lẫn quyết định, hơn là một chương trình đầy tính dàn dựng vốn đã nhàm mòn và khiến nghề người mẫu trở thành một kỹ năng giải trí sơ đẳng.
- Có những nhận xét cho rằng anh đã không hoàn thiện vai trò giám khảo của mình một cách nghiêm túc và có thái độ bỡn cợt trong quá trình chấm vòng loại?
- Lại một lần nữa bàn về bản chất tinh thần của format chương trình và bản chất của một reality show đúng nghĩa. Next Top Model không thể coi là một cuộc thi tay nghề, càng không phải là một cuộc thi sắc đẹp đơn thuần. Tính thi đấu chỉ là một phương tiện để đưa đến khán giả truyền hình những mảnh hậu đài rất thật của thực tế nghề người mẫu, những kỹ năng, sự khổ luyện, v.v… Nhưng bên cạnh đó, Next Top Model đã không thành công và nổi tiếng đến vậy nếu không nhờ vào tính giải trí vô cùng hiệu quả của chương trình này. Trên thực tế, xin nhắc lại, đây là một chương trình thực tế, tôi là người hay cười. Đặc biệt khi đối diện với những thí sinh hoàn toàn chưa có lấy một chút kinh nghiệm catwalk, dưới ống kính đài quốc gia, không gì có thể động viên và xoa dịu tinh thần họ tốt hơn thái độ thân thiện và rất “đời thường” của chính những người thường bị cho là “giám khảo mặt sắt”. Và cuối cùng, tôi không cho rằng khán giả nên phải chịu đựng sự trầm trọng của một ban giám khảo đeo nặng suốt thời lượng một chương trình nhiều tập.
Vậy, cân chỉnh giữa tư cách một đàn anh đi trước và sự thông cảm đối với áp lực của thí sinh, cộng với tư cách là người hoạt động trong ngành truyền thông đủ để hiểu hiệu quả, giá trị cũng như tính chất của một reality show, tôi cho rằng sự hài hước thân thiện sẽ có vai trò tích cực nhiều mặt, hơn là cười nhạo thí sinh hay tuyệt vọng vào vai một Simon Cowell.
- Theo như những đoạn chương trình được phát sóng, có vẻ như anh không phát biểu quan điểm chuyên môn nhiều, hoặc có những lý giải cụ thể với thí sinh?
- Qua hai câu trả lời trên, chị có cho rằng tôi là người…nói ít? Những nhận xét môn, và cả những lí giải cho các quyết định của cả ba giám khảo, không chỉ riêng tôi, đều đã được biên tập, và điều còn lại được phát sóng là một nụ cười hay cử chỉ, nét mặt vào cuối câu nói. Điều này, hẳn nhiên, nằm ngoài sự kiểm soát của tôi.
- Ai sẽ thay thế anh trong vai trò giám khảo chính của Vietnam Next Top Model?
- Tôn trọng dụng ý, mà bản thân tôi không được biết đến, của phía nhà sản xuất, ở đây là công ty truyền thông MultiMedia. Tôi xin phép không nêu tên ba vị giám khảo mới của chương trình, như một động thái thiện chí khơi gợi sự quan tâm của công chúng đến những tập tiếp theo.
Dẫu là bất cứ ai đứng vào vai trò này, tôi tin tưởng một cách rất chân thành rằng họ sẽ phải là những người đầy đủ kiến thức chuyên môn và bản lãnh ứng xử đủ để lần ra mắt đầu tiên của Next Top Model phiên bản Việt sẽ không là một nỗi thất vọng quá lớn.
- Anh nhận xét ra sao về chương trình sau thời gian cộng tác?
- Tôi thật sự muốn cám ơn đài truyền hình VTV3 về sự tin tưởng và những ghi nhận đối với cá nhân tôi và những người đóng góp cho chương trình ngay từ đầu. Hẳn nhiên, tính nhạy cảm của một chương trình thực tế xuất thân từ một nền công nghệ thời trang-giải trí phát triển sẽ va phải những sự khác biệt về quan niệm chuyên môn, tâm lí phản xạ lẫn tính khác biệt của bối cảnh thời trang tại Việt Nam. Nhưng sự có mặt của một chương trình có tiếng như vậy trên sóng truyền hình quốc gia sẽ đóng một vai trò tích cực không thể phủ nhận đối với ngành thời trang lẫn truyền thông Việt Nam.
Mọi bất trắc đều chờ đợi người tiên phong, nhưng mọi thứ đều cần có điểm bắt đầu, dù là một sự bắt đầu khó khăn.
Nhà thiết kế thời trang Hoàng Ngân
- Với tư cách là một nhà thiết kế thời trang, chị nghĩ gì về mô hình chương trình Next Top Model tại Việt Nam?
- Sự có mặt của một chương trình truyền hình như vậy là hoàn toàn tích cực và cần thiết để kịp định hình quan niệm phổ biến của công chúng hiện thời về công nghệ biểu diễn thời trang.
Cho đến nay, hầu như phần lớn các chương trình nghiêng hơn về tính giải trí, và cũng không thể phủ nhận thực tế rằng trong không ít chương trình, khán giả đã đến để “coi người mẫu”, mà trong đó, bộ sưu tập hay các thiết kế chỉ đóng vai trò “phục trang”. Một chương trình truyền hình thực tế đúng nghĩa về nghề người mẫu như Next Top Model, nếu được thấu hiểu từ các nhà sản xuất, sẽ hoàn toàn có thể là một chương trình có tính giải trí cao và mở giúp khán giả cánh cửa để nhìn vào bản chất chuyên môn của nghề người mẫu, tính khắc nghiệt và sự khổ luyện cần có để có thể làm nên một người mẫu chuyên nghiệp thật sự, dẫn đến một ngành công nghệ biểu diễn thời trang chuyên nghiệp thật sự với mối tương quan cộng sinh hợp lý hơn với công nghệ thời trang, mà cụ thể ở đây là tác phẩm – sản phẩm của các nhà thiết kế, mà tôi, ở vai trò giám khảo, là đại diện.
- Với một nền công nghệ thời trang còn non trẻ, việc cho ra đời những thế hệ người mẫu mới có thật sự cần thiết?
- Theo tôi thì hoàn toàn cần thiết, và bởi chính sự non trẻ này. Tuy không hoàn toàn khẳng định reality show Vietnam Next Top Model có thể ngay lập tức “cho ra đời những thế hệ người mẫu mới”, nhưng đó là một sự đóng góp mang tính nhận thức hướng về công chúng nhiều hơn là vai trò “bổ sung nhân sự” cho ngành thời trang.
- Chị là vị giám khảo thứ hai bước chân ra khỏi chương trình cùng lúc với giám khảo Nathan Lee, phải chăng có một sự liên hệ giữa hai việc này?
- Thoạt tiên, Nathan Lee đã là người đề cử tôi với phía công ty MultiMedia vào vai trò giám khảo. Việc này không chỉ dựa trên mối quan hệ bạn bè quen biết, mà tôi tin là dựa trên sự nhìn nhận của Nathan Lee về vai trò chuyên môn của tôi, cũng như sự tin tưởng vào những kinh nghiệm chuyên môn về thời trang quốc tế của tôi.
Nói một cách khác, sự hiện diện của Nathan Lee trong bộ ba giám khảo đã khiến tôi có thể yên tâm về uy tín chuyên môn của chương trình và nhận lời cộng tác.
Cùng ở vai trò giám khảo, những bất đồng của Nathan Lee với phía công ty MultiMedia vô hình chung cũng chính là những vấn đề của cá nhân tôi với đơn vị sản xuất này. Điều này giải thích cho quyết định ngưng cộng tác với chương trình Vietnam Next Top Model của tôi.
- Việc đột ngột thay đổi thành phần BGK khi đã chính thức lên sóng là một hiện tượng chưa từng có đối với chương trình truyền hình thực tế. Chị nghĩ sao về điều này?
- Thật lòng tôi phải lấy làm tiếc phải đi đến quyết định này. Vào thời điểm hiện tại, tôi không muốn đề cập cụ thể về những bất đồng này, ngoài việc đó đơn thuần là yếu tố văn hóa kinh doanh, điều vẫn nên được xem trọng trong ngành công nghệ giải trí hay truyền thông, đặc biệt hơn cả vì mọi biến cố đều chịu sự soi rọi của công luận một cách ồn ào và rõ nét.
Next Top Model phiên bản Việt chắc chắn sẽ gặp những khó khăn do tính khác biệt về ý thức và tầm phát triển của ngành công nghệ thời trang – truyền thông – giải trí. Và tôi cho rằng việc quyết định ngưng cộng tác của mình là việc nên làm, đặc biệt là một khi chương trình đã lên sóng, sự bất nhất và thiếu hiệp thông của ê kíp thực hiện sẽ khiến chương trình không thể đạt đến hiệu quả tối thiểu, và như vậy, việc tôi tiếp tục xuất hiện trong một chương trình như vậy sẽ là vô nghĩa và thậm chí sẽ tiếp tục gây phương hại trực tiếp đến uy tín cá nhân và thương hiệu của tôi.
- Việc chấm dứt cộng tác giữa chị và đơn vị tổ chức liệu sẽ "cống hiến" cho thị trường một scandal kiện tụng mới?
- Tôi không cho rằng con đường sự nghiệp, uy tín chuyên môn và quan niệm nhân cách của mình đòi hỏi cần có một vụ scandal để phát triển hay tỏa sáng. Và như vậy, việc khiếu kiện sẽ là điều cuối cùng mà tôi muốn xảy ra, nếu không thật sự cần thiết.
Quỳnh anh
Theo Bưu điện Việt Nam