Những chia sẻ xúc động của thầy cô trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông (Kon Tum) chia sẻ trong chương trình “Thay lời tri ân” chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.
183 thầy cô giáo tiêu biểu, có nhiều cống hiến, sáng tạo trong sự nghiệp “trồng người” được lựa chọn từ khắp mọi miền Tổ quốc về dự. Các thầy cô đã chia sẻ những câu chuyện vượt khó, đồng hành, yêu thương và dìu dắt học sinh đầy cảm động.
Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông (Kon Tum) là người khởi xướng ý tưởng nấu bữa cơm “tình thương” cho học sinh ở trường chia sẻ, điều khó khăn khi dạy học ở vùng khó là duy trì sĩ số. Nhiều em buổi sáng đến trường, buổi chiều lại nghỉ. Có em đến trường bị “ngất xỉu”, ban đầu thầy cô không hiểu vì sao.
Đại biểu xúc động vì câu chuyện thầy cô góp tiền nấu ăn cứu đói cho học sinh. |
Sau này tìm hiểu mới biết, bố mẹ các em bận làm nương rẫy, đi học về không có người nấu cơm, em ôm bụng đói đến trường và “ngất xỉu”. Thương học trò, cô Vân kêu gọi giáo viên trong trường hàng tháng trích đồng lương ít ỏi của mình để nấu cơm trưa cho học sinh có sức bám lớp, bám trường.
Nhiều năm nay, thầy A Phiên, giáo viên trong trường xung phong phụ trách luôn phần đứng bếp, lo bữa ăn cho các con. Hàng ngày, thầy ngược đường vượt 7 cây số mua thực phẩm rồi quay về trường vào bếp, chế biến bữa ăn.
“Bữa ăn chỉ có giá từ 8.000 - 10.000 đồng nhưng được ăn no, học sinh không còn bỏ học nữa”, cô Vân nói.
Cũng theo cô Vân, trước đây, chỉ có khoảng 20 học sinh ăn trưa tiền quyên góp của thầy cô tạm thời “co kéo” được. Đến nay, có đến 80 học sinh cùng ăn bán trú, để đủ suất ăn cho học sinh, thầy cô đã mua nợ thực phẩm để nấu cho học sinh ăn đã. Tương lai, chính cô Vân cũng chưa biết tính thế nào nhưng sẽ phải nghĩ cách xoay xở, không vì khó khăn đó mà nhà trường dừng bữa ăn của học sinh.
Kết bè chuối, vượt lũ chở lương thực "cứu đói" học sinh
Thầy Hoàng Đức Hoà, Hiệu trưởng trường PTDT Nội trú Bố Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) chia sẻ, trong trận lũ lịch sử vừa qua, nước ngập, trường bị cô lập nhiều ngày. Trường học bán trú với gần 300 học sinh và hơn 30 giáo viên, dù đã chủ động tích trữ lương thực và những ngày này phải nấu ăn “cầm chừng” chỉ có cơm, cá khô, muối lạc nhưng cũng dần cạn kiệt.
Đứng trước nguy cơ học trò bị đói, thầy Hòa và các giáo viên nam đã quyết định mạo hiểm, kết bè chuối, bơi một chặng đường rất xa, đến nơi có thực phẩm để vận chuyển về cho trường. Trên đường đi, một số thầy kêu: “Bơi mệt quá”. Thầy Hòa động viên, phải đạp nhẹ chân, giữ sức vì quảng đường còn rất dài.
“Sau này khi nhìn lại chặng đường thấy cũng nguy hiểm, nhất là gia đình lo lắng, nếu có chuyện gì vợ con sẽ ra sao nhưng khi đó trong đầu chỉ có ý nghĩ, làm sao đưa được thực phẩm về cứu đói học sinh”, thầy Hòa nói.
Cũng theo thầy Hòa, giáo viên ở những vùng thường xuyên bị lũ lụt, sạt lở chia cắt như trường thầy, việc kết bè chuối đã trở thành kỹ năng. Có bè chuối có thể chở được xe máy hoặc 2-3 người. Đóng càng nhiều lớp, nhiều chuối càng chở được nhiều người.
“Có năm đang lũ lụt, nước ngập tứ bề thì có giáo viên được báo tin bố mất. Trường cử các thầy có sức khoẻ hộ tống giáo viên này về chịu tang bố. Trên đường đi đường bị chia cắt, các thầy phải ngủ lại trong rừng 1 đêm. Bè chuối là phương tiện chính đưa giáo viên về nhà khi đó”, thầy Hòa kể.
Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên trường THPT Hương Cần, đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 giải thưởng Giáo viên Toàn cầu 2020, người vừa được trao tặng bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ làm gì để học sinh hạnh phúc. Với cô Phượng, hạnh phúc là được học sinh gửi gắm niềm tin. Niềm tin chính là cơ sở để thầy , trò hoàn thành nhiệm vụ và hạnh phúc trong dạy học.
Theo cô Phượng, hạnh phúc của thầy trò không phải là vấn đề to tát. Đơn giản chỉ được là chính mình, được phát huy phẩm chất, năng lực. Vì thế, rất mong xã hội, phụ huynh tin vào trường, tin vào thầy giáo, cô giáo.
Mong thầy cô luôn yêu nghề, giữ niềm tin
Dự chương trình, Trưởng ban Dân vận Trung ương bà Trương Thị Mai phát biểu, năm 2020, đất nước chịu tác động rất lớn của dịch Covid-19, các thầy cô giáo đã nỗ lực hoàn thành chương trình năm học và nhiều hoạt động giáo dục được xã hội ghi nhận.
Theo bà Mai, mỗi người trong cuộc sống có thể lựa chọn cho mình những quan điểm khác nhau về hạnh phúc. Đối với người thầy, hạnh phúc đó chính là dìu dắt học sinh trưởng thành. Dù ở thành phố hay nông thôn, vùng cao hay vùng núi đều có hình ảnh của thầy cô tận tụy vì học sinh.
Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, trong đó có việc chăm lo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người.
Bà Mai mong, các thầy, cô giáo sẽ luôn yêu nghề, giữ vững niềm tin, luôn có được niềm tin yêu từ học sinh, nỗ lực không ngừng cho thế hệ trẻ Việt Nam, các cấp, các ngành tiếp tục dành tình cảm, sự ủng hộ đối với giáo dục, góp phần chăm lo cho thế hệ trẻ.
Bà Mai cũng cho biết, Ban dân vận Trung Ương sẽ gửi tặng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông (Kon Tum) số tiền 200 triệu đồng để hỗ trợ các thầy cô có thêm kinh phí nấu cơm trưa cho học sinh.
Tri ân, gửi lời chúc mừng tới toàn thể giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng, năm học qua, dịch bệnh còn tiềm ẩn lại đến thiên tai, lũ lụt. Ở miền Trung, có thầy cô mất hết nhà cửa nhưng vẫn cố giữ cho học sinh từng cuốn sách, dọn dẹp trường học để học sinh được sớm quay lại nhà trường.
“Hạnh phúc đối với nghề giáo có vất vả gian truân nhưng được đền đáp bằng sự trưởng thành của học sinh”, Bộ trưởng nói.