Đó là hai trong số nhiều câu chuyện về Tết thời Facebook, Zalo của các thầy cô trẻ thời công nghệ.
Chuyên gia gỡ rối tuổi teen nhận 200 tin nhắn một ngày
TS Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP.HCM) được học trò yêu mến gọi là “chuyên gia gỡ gối”. Facebook cá nhân của thầy giáo trẻ có 144.830 người theo dõi. Mỗi ngày, vị tiến sĩ tâm lý nhận được số lượng tin nhắn rất lớn qua Facebook, đa phần của các bạn tuổi teen.
Thầy Khắc Hiếu tâm sự: “Mình nhận được kỷ lục 200 tin một ngày và chỉ trả lời được 3 - 5 tin nhắn. Các bạn trẻ tâm sự dài, đôi khi vấn đề phức tạp, mình mất 10 đến 30 phút để đưa ra lời khuyên tốt nhất”.
Bàn về mùng 3 Tết thầy, giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên chúc Tết kiểu công nghệ. Họ đăng ảnh, tranh vẽ thầy, gửi lời chúc qua Facebook, Zalo chứ không tới nhà ngồi uống trà xanh, nhấm nháp bánh mứt như ngày trước.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu. |
"Cách nào cũng quý, vì quan trọng là tình cảm gửi gắm trong đó. Tuy nhiên, nếu xét theo cảm xúc thật sự, mình thích cách truyền thống hơn. Ví dụ, có học sinh biết mình thích trồng rau má, hoa hướng dương, đã mày mò tự trồng rồi mang tặng. Với mình, không cần học trò tặng vải, tiền…, mà chỉ đơn giản mấy cọng rau má là vui cả năm rồi”, tiến sĩ trẻ nói.
Gửi lời nhắn trong năm mới, nam giáo viên chúc bạn trẻ ít dành thời gian cho thế giới ảo để sống thật nhiều hơn; thay vì mất nhiều thời gian cho Pokemon hay mạng, hãy đầu tư cho trí tuệ.
"Các bạn hãy cho qua những gì cần cho qua, giữ lại những gì cần giữ lại. Có một bản kế hoạch năm mới thật kích thích để rồ ga bứt phá bản thân, bạn nhé!”, thầy Hiếu gửi lời chúc.
'Cô giáo Facebook': Hai tuần để đọc hết tin nhắn
Giáo viên trẻ Vũ Mai Phương được học trò gọi bằng cái tên “cô giáo Facebook”. Trang cá nhân của nữ giáo viên tiếng Anh có hơn 200.000 lượt theo dõi.
Cô giáo trẻ cho rằng Facebook chỉ là kênh công cụ giao tiếp, thực tế còn rất nhiều cách khác để trao đổi với học sinh như gặp trực tiếp, điện thoại.
Tuy nhiên, do lượng học sinh dùng mạng xã hội quá đông, việc đăng tài liệu qua Facebook, Zalo sẽ hiệu quả. Những mạng xã hội này cũng cho phép chia sẻ video, bài giảng miễn phí.
Cô giáo dạy tiếng Anh Mai Phương. |
Không chỉ thế, qua các status viết trên “tường” nhà mình, giáo viên có thể trao đổi với học sinh phương pháp học, cuộc sống và những trải nghiệm của bản thân. Chẳng hạn, làm thế nào để các em kiên trì hơn trong việc học tiếng Anh...
“Tôi luôn bị 'lụt' inbox vào những ngày lễ dành cho giáo viên, phụ nữ và có thời điểm phải mất 2 tuần để đọc hết các tin nhắn của học sinh. Nhiều lần, tôi phải quệt nước mắt vì những tình cảm sâu đậm của học trò. Ngày Tết, học sinh thường làm bưu thiếp rồi đăng lên Facebook, Zalo gắn tên tôi chúc mừng", cô Mai Phương tâm sự.
Nữ giáo viên cũng mong muốn học sinh sẽ giành được nhiều thành công hơn trong con đường học tập của mình trong năm mới.
Thầy giáo Tiến Minh: Mạng xã hội khiến Tết thú vị hơn
Được học trò đặt cho biệt hiệu thầy giáo “hot boy”, giáo viên trẻ Lại Tiến Minh (giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh và giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội) có hơn 31.000 người theo dõi trên mạng.
Thầy Minh cho rằng không ai bắt buộc sử dụng mạng xã hội để phục vụ giảng dạy nhưng cách này mang lại hiệu quả khá tốt, nhất là khi công nghệ phát triển như hiện nay.
Thầy giáo trẻ thường đăng tải những video hướng dẫn phương pháp học tập hay trò chuyện, giải đáp thắc mắc… lên mạng.
“Facebook, Zalo mang đến cho mình cái Tết thú vị hơn với nhiều lời chúc bằng các cách khác nhau. Dù là lời chúc trực tiếp hay dòng trạng thái, đó đều là sự quan tâm và tình cảm của các em nên mình rất trân trọng”, thầy Minh nói.
Cô giáo 'Dự báo thời tiết': Mạng ảo nhưng tình thầy trò rất thật
Cô Nguyễn Lan Phương nổi tiếng không chỉ là giáo viên xinh đẹp, tài năng, nhiều thành tích của trường THCS Đoàn Kết (Hà Nội). Cô từng là MC của chương trình Dự báo thời tiết, Đài Truyền hình Việt Nam.
Cô giáo Nguyễn Lan Phương. |
Nữ giáo viên kể hàng ngày, cô nhận được khá nhiều inbox của học trò, người hâm mộ. Cô Phương cho rằng thầy cô sử dụng Facebook, Zalo để tương tác với học trò là xu hướng tất yếu.
Cô giáo nhớ lại có lần thấy một học sinh đăng lên Facebook tâm trạng chán nản vì chuyện gia đình, kết quả học tập giảm sút. Nhờ mạng xã hội, cô hiểu rõ nguyên nhân, từ đó đưa những lời khuyên giúp em vượt qua cú sốc.
Dù vậy, nữ giáo viên cho rằng mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái, thầy cô khi sử dụng để tương tác với học trò cũng nên cẩn trọng.
Nói về Tết thời Facebook, Zalo, cô bày tỏ: “Bây giờ, trò thường chỉ nhắn vài câu chúc mừng qua mạng. Dù trong thâm tâm các thầy cô vẫn luyến tiếc nét văn hoá truyền thống mùng 3 đến chúc Tết thầy, chúng ta cũng nên nghĩ thoáng hơn để phù hợp thời công nghệ hiện đại".