Sau chia sẻ của một số thầy cô cho rằng nhiều giáo viên được chọn đi thi chưa hẳn dạy giỏi, mà... diễn giỏi, câu hỏi đặt ra là thầy cô còn như vậy, học sinh sẽ học thế nào, nhất là khi thế hệ trẻ bây giờ rất chủ động, dám thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình?
Giáo viên giỏi chưa chắc thuyết phục được học sinh
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - cho rằng các cuộc thi thực chất là sân chơi, nơi kết nối giáo viên, cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ về phương pháp và mô hình dạy học. Nếu biến thành sàn diễn, cuộc thi sẽ là "bệnh thành tích", biểu hiện dối trá trong hoạt động dạy và học.
Theo cô Thảo, một bài giảng hay, tiết học tốt phải thể hiện được cảm xúc, niềm vui của thầy và trò. Bài học phải nhẹ nhàng, đảm bảo kiến thức chuẩn và là nơi học sinh thể hiện mình, cùng yêu thích môn học.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Giáo viên giỏi có khả năng dẫn dắt, đưa học sinh đến tri thức để bộc lộ trí tuệ và năng lực. Điều này không có chuẩn nhất định nào cả. Giáo viên chiếm được sự tin tưởng, làm điểm tựa để học sinh yêu môn học đó là thành công.
Cuộc thi nào cũng tốt nếu đi vào thực chất. Nếu vì bệnh thành tích, kỳ thi trở nên áp lực, lừa dối sẽ không còn ý nghĩa. Thậm chí, kết quả cuộc thi nếu do tiêu cực, giáo viên đạt danh hiệu cũng không được học trò công nhận.
“Tôi từng làm việc chung với đồng nghiệp khác trường. Họ có rất nhiều giải thưởng về các cuộc thi giáo viên giỏi và sáng tạo, thành tích nổi bật nhưng lại không thể chinh phục được học sinh của mình. Sau một học kỳ, giáo viên không có tiếng nói chung, không thể cộng tác với học sinh”, cô Thảo nói.
Cần sự thay đổi đột phá
Theo Thông tư 21 được Bộ GD&ĐT ban hành 7/2010, thi giáo viên dạy giỏi có 3 mục đích. Thứ nhất là tuyển chọn, công nhận và suy tôn những người đạt danh hiệu dạy giỏi các cấp, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học...
Thứ hai, cuộc thi góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học và sáng tạo. Qua hội thi, các cơ sở giáo dục phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và toàn ngành.
Cuối cùng, hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục.
Phụ huynh phản ánh trường Tiểu học Lê Hồng Phong là một trong 2 địa điểm thi giáo viên dạy giỏi khối tiểu học vừa qua và chỉ học sinh khá giỏi mới được đến lớp. Ảnh: Lao Động. |
Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên tại Nam Định, cho hay thực tế, Bộ GD&ĐT đã thay đổi cách thức dự giờ đánh giá tiết dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, quan sát học sinh làm việc, xử lý tình huống để đánh giá khả năng nhận thức và kỹ năng của học sinh, từ đó đưa ra điều chỉnh kế hoạch dạy học.
Tuy nhiên, để thi giáo viên dạy giỏi đi vào thực tiễn và đạt kết quả, thầy Quỳnh cho rằng cần thay đổi quan niệm coi trọng học sinh, quan tâm những ý kiến của các em hơn. Nếu chỉ áp riêng một chuẩn mực, không coi trọng sự khác biệt, sáng tạo hay ý kiến phản biện của học sinh, thầy và trò đều chỉ cố gắng diễn sao cho vừa chuẩn mực đó.
“Giáo viên chỉ nên là người tổ chức để học sinh trao đổi và thể hiện mình. Giáo dục phải mở hơn mới là điều quan trọng”, thầy Trịnh Quỳnh nói.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay nếu mạnh dạn bỏ các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, Bộ GD&ĐT cần thay đổi đồng loạt hoạt động đánh giá giáo viên.
“Hiện tại, nhiều cuộc thi hình thức, ví dụ sáng kiến kinh nghiệm. Đó là những sáng tạo bất ngờ, không thể năm nào giáo viên cũng có. Nhiều đồng nghiệp của tôi đến mùa thi gọi điện xin nghiên cứu khoa học của sinh viên để về chép, đạo văn, đạo ý tưởng”, TS Hương nói.
Nữ tiến sĩ đề xuất cần lập các đoàn thanh tra, có thể là phụ huynh, giáo viên có chuyên môn đến các trường, bốc thăm, vào bất kể lớp nào để chọn một số lượng học sinh nhất định kiểm tra, đánh giá cô giáo có làm tốt hay không, học sinh có tiến bộ về học tập, ý thức hay không.
Việc kiểm tra này chỉ nên đánh giá mỗi năm một lần, giáo viên không tốn nhiều công sức cho các hình thức đánh giá, mà sẽ dồn sức dạy trẻ sao cho tiến bộ. Việc đánh giá giáo viên nên thông qua sự tiến bộ của học sinh, chứ không phải điểm số, hình thức.
Theo phản ánh của một số phụ huynh, trong ba ngày 9-11/1, trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Chu Văn An (Ngô Quyền, Hải Phòng) diễn ra hội thi giáo viên giỏi thành phố bậc tiểu học, do sở GD&ĐT tổ chức. Nhà trường gửi tin nhắn chỉ học sinh học giỏi mới được tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi, học sinh lực học yếu được cho nghỉ.
Tối 12/1, nguồn tin từ Bộ GD&ĐT cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo lập tổ công tác kiểm tra sự việc này. Ngày 14/1, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng không có chuyện thi giáo viên dạy giỏi mà học sinh kém không được đến lớp.
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT. Theo đó, đoàn kiểm tra của bộ đã xác minh làm rõ sự việc, lấy đó làm căn cứ để sửa đổi bổ sung Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên ban hành năm 2010 theo Thông tư 21 của Bộ GD&ĐT.