Dù không gặp nhiều áp lực về số học sinh tăng đột biến như năm học 2018 nhưng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM năm học 2019 sẽ có những thay đổi quan trọng.
Không công bố đề minh họa
Theo số liệu từ các quận, huyện, số học sinh đang học lớp 9 năm nay không có nhiều biến động theo chiều hướng tăng như năm trước. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, đầu năm sở đã phổ biến về các phòng GD&ĐT và các phòng triển khai về trường và định hướng ôn tập cho học sinh.
Thí sinh dự kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM năm 2018 ôn bài trước khi bước vào môn thi tiếng Anh. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động. |
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết khác với mọi năm, năm 2019, sở sẽ không công bố đề thi minh họa trong kỳ thi lớp 10. Theo quy định của UBND TP.HCM, thời gian dự thi của kỳ thi lớp 10 năm 2019 sẽ do giám đốc sở GD&ĐT quyết định. Thí sinh dự thi sẽ trải qua bài thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Với việc không công bố đề minh họa cộng với xu hướng đổi mới ra đề thi những năm gần đây buộc các trường phải tăng cường ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm với nhiều dạng câu hỏi.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, cho hay số lượng học sinh năm nay đang học lớp 9 giữ ổn định. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THCS tổ chức dạy và học cho học sinh theo các định hướng chuyên môn.
Nhiều thay đổi trong đề thi Văn, Toán
Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đối với môn Ngữ văn, cấu trúc đề thi năm 2019 vẫn gồm 3 phần. Phần đọc - hiểu sẽ vẫn giữ nguyên cấu trúc như cũ là chọn một văn bản để học sinh trả lời các câu hỏi.
Tuy nhiên, loại văn bản của năm nay sẽ có chọn lọc cao, dù vẫn mang tính thời sự, thực tiễn nhưng phù hợp, gần gũi với tâm lý lứa tuổi của các em chứ không phải là những văn bản mông lung, phạm vi rộng.
Một lưu ý quan trọng ở phần này là hình thức đọc văn bản cũng mở rộng đa dạng, có thể là một biểu đồ, một hình ảnh… Các câu hỏi ở phần đọc - hiểu chia thành 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, phân tích, vận dụng và đưa ra quan điểm riêng. Ở phần nghị luận xã hội sẽ có những câu hỏi có tính chất định hướng cho học sinh.
Câu số 4 là những lựa chọn quen thuộc. Phần này sẽ thay đổi cách hỏi để yêu cầu học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức với mục đích kích thích tư duy của học sinh.
Chẳng hạn như sẽ có dạng câu hỏi: "Em hãy giới thiệu một tác phẩm văn học mà em tâm đắc cho người nước ngoài" thay vì cách hỏi phân tích một tác phẩm như trước đây.
Theo ông Thành, việc thay đổi cách hỏi sẽ giúp học sinh phát huy triệt để khả năng tư duy, cảm thụ của mỗi em, thay vì cố định một tác phẩm theo chủ quan của người ra đề.
Trong khi đó, cả môn Toán và Tiếng Anh, theo Sở GD&ĐT TP.HCM, vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi như năm trước. Đề thi vẫn có những câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong thực tiễn.
Riêng ở môn Toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết số lượng các câu hỏi yêu cầu vận dụng thực tiễn vẫn giữ với các mức độ nhận biết như mọi năm. Nhưng ở phần ứng dụng thực tiễn có phần khối tròn nằm ở chương 4 của chương trình lớp 9.
Bỏ cộng điểm nghề, cạnh tranh gay gắt hơn
Bắt đầu từ năm 2019, thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh sẽ không được cộng điểm nghề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Dù thực tế lâu nay, việc học nghề ở các trường THCS có nhiều đổi mới nhưng chủ yếu vẫn chỉ nhằm mục đích lấy điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tháng 6 hàng năm.
Tùy theo xếp hạng, việc cộng điểm ưu tiên từ 0,5-1,5 điểm này gây ra chênh lệch rất lớn giữa các học sinh, vì đây là kỳ thi có tỷ lệ cạnh tranh rất gay gắt.
Việc bỏ cộng điểm nghề đồng nghĩa với một lượng lớn học sinh trông đợi vào số điểm này phải tìm cách kiếm điểm từ bài thi, đẩy tính cạnh tranh lên cao.