Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trong đó điểm xét tốt nghiệp sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Đây là sự thay đổi lớn trong kỳ thi THPT quốc gia. Các năm trước, cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT bằng 50% điểm bài thi.
Với công thức tính điểm THPT quốc gia 2018, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay, điểm trung bình lớp 12 chiếm tỷ trọng một nửa. Thí sinh rớt tốt nghiệp THPT chủ yếu vì vướng điểm liệt (dưới 1 điểm). Thực tế rất hiếm em không bị điểm liệt mà có tổng điểm xét tuyển dưới 5,00.
Công thức tính điểm tốt nghiệp năm 2019. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
Bộ GD&ĐT cũng đã cho biết, lịch thi THPT quốc gia 2019 dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 25 đến 27/6 như năm 2018. Ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Ngày 24/6, các thí sinh sẽ đến phòng thi làm thủ tục, nghe quy chế thi.
Sáng 25/6, thí sinh có mặt tại phòng thi để bắt đầu làm bài thi môn đầu tiên là Ngữ văn trong 120 phút. Buổi chiều, thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm trong 90 phút.
Sáng 26/6, thí sinh thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) trong 150 phút. Buổi chiều, thí sinh sẽ làm bài thi Ngoại ngữ trong 60 phút.
Sáng 27/6, thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) trong 150 phút.
Đề thi có nội dung nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là lớp 12, đảm bảo cơ bản để xét tốt nghiệp và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở tuyển sinh.