Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thay đổi lớn nhất trong cải tiến của PGS Bùi Hiền: X đọc thành 'khờ'

Nếu trong đề xuất lần thứ nhất, PGS Bùi Hiền chuyển đổi "Tiếng Việt" sang "Tiếq Việt" thì bản nghiên cứu hoàn chỉnh này, ông viết thành "Tiếw Việt".

Nghiên cứu mới nhất của PGS Bùi Hiền bao gồm 2 phần. Ông phân tích hệ thống nguyên âm và phụ âm bằng cách thống kê lại, sau đó lập bảng một chữ cái tương ứng với một âm vị (âm tồn tại trong ngôn ngữ).

Thay đổi về cách đọc chữ cái

Bảng chữ cái PGS Bùi Hiền lập nên là kết quả của 40 năm nghiên cứu, mang những nét thay đổi lớn nhất trong cải tiến chữ viết. Theo đó, bảng chữ cái mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c.

Những chữ cái in đậm để lưu ý rằng đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như f (phờ), j (jờ), k (chờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).

cai tien tieng viet pgs bui hien anh 1
Bảng chữ cái mới theo cải tiến của PGS Bùi Hiền. Đồ hoạ: Minh Trí.

"Với chữ hiện hành có một âm vị ch (chờ) nhưng khi viết lại có 4 chữ cái là Ch ch, Tr tr tạo nên việc rờm rà, vì thế tôi chỉ lấy một chữ c đọc là (chờ).

Tôi bỏ chữ đ, và thêm chữ j trong bảng chữ cái tiếng Việt mới để hội nhập với quốc tế.

Tôi sử dụng chữ f (phờ) thay cho ph, thay chữ g (gờ) cho gh để rút gọn ký tự", PGS Bùi Hiền lý giải.

Với chữ s (sờ) sẽ biểu thị cho chữ x và chữ s, đồng thời xóa bỏ chữ x với âm vị cũ vì rất khó để phân biệt giữ các từ như xuất sắc, sắp xếp… Thay vào đó, PGS Bùi Hiền sẽ tạo nên âm vị mới là x (khờ). Một số chữ có âm vị hoàn toàn mới là k (cờ), w (ngờ)…

Trong bản cải tiến tiếng Việt đã hoàn thiện này có sự thay đổi so với phần 1 đã công bố, theo đó chữ q (thờ) biểu thị chữ th, chữ w (ngờ) biểu thị chữ ng.

"Chữ ng thường đứng ở vị trí cuối của một từ, vì thế khi chuyển đổi trong một văn bản có quá nhiều chữ q đứng cuối thì nhìn sẽ… chướng mắt. Chính vì thế, đề xuất cải tiến chữ Tiếng Việt của tôi chuyển thành Tiếq Việt ngay lập tức bị phản ứng, sau quá trình nghiên cứu, tôi đổi thành Tiếw Việt", PGS Bùi Hiền nói.

PGS Bùi Hiền cho biết vừa qua có nhiều người e ngại rằng "lợi bất cập hại" vì sẽ phải in lại toàn bộ sách báo, ấn phẩm, sách giáo khoa, hợp đồng kinh tế, giấy tờ tuỳ thân… Tuy nhiên, thực tế xưa nay ở nước ta cũng như trên thế giới không ai làm như vậy cả. Bởi những người biết chữ quốc ngữ vẫn hoàn toàn tự do, yên tâm sử dụng những thứ đó cho đến hết đời. Người ta chỉ in bằng chữ mới các tài liệu, báo chí, giấy tờ, công văn mới.

Theo PGS Bùi Hiền, có ý kiến cho rằng cải tiến chữ viết làm mất cả vẻ đẹp, mất tính thẩm mỹ của chữ quốc ngữ. Quả thực, nếu thoạt nhìn vào một đoạn văn bản bằng cách viết cải tiến những con chữ La tinh với bố cục ngắn gọn hơn nên thấy không đẹp và tức mắt.

Nhưng đó chỉ là thói quen tạo nên các kiểu thẩm mỹ. Thói quen này thường thay đổi theo hướng thuận lợi và có lợi ích thiết thực.

Khó khả quan dù đề xuất tâm huyết

Một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết ông rất trân trọng tâm huyết của PGS.TS Bùi Hiền. Tuy nhiên, ông đánh giá rằng sự thành công của đề án không chỉ duy nhất nhờ bằng tâm huyết, nếu không được thuyết phục bằng thực tế bản thể của tiếng Việt.

Nhà nghiên cứu này nhận định những căn cứ của PGS.TS Bùi Hiền để phân chia âm tiết tiếng Việt thành những "khúc đoạn", tức âm vị (có thể cả những hiện tượng được cho là "siêu đoạn" gồm âm vị, âm tiết) không dễ thuyết phục về tính khách quan, khả tín. Cho nên không thể dựa vào đó tạo nên cuộc "hôn phối" giữa một âm vị của âm tiết với một/hai/ba chữ cái La tinh.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu này cho rằng: "Sự tương thích giữa âm với chữ (chữ La tinh) có chăng chắc khi bắt đầu xây dựng (chữ viết cho những dân tộc thiểu số chưa có chữ viết như ở Việt Nam chẳng hạn).

Khi nó tồn tại từ lâu đời và trở thành sự kiện văn hóa - xã hội - lịch sử của dân tộc, tức nó có đời sống riêng, có tư cách như mặt biểu đạt cho mặt nội dung của ký hiệu thì có nên nhìn nó bằng "con mắt ngữ âm/âm vị" để tính đến chuyện cải cách?".

PGS Bùi Hiền lý giải cải tiến chữ viết phần 2 Toàn bộ đề xuất cải tiến Tiếng Việt của PGS Bùi Hiền dài 16 trang gồm hai phần cải tiến nguyên âm và phụ âm.

PGS Bùi Hiền công bố phần 2 cải tiến 'Tiếq Việt' sau 40 năm nghiên cứu

Chiều 25/12, PGS.TS Bùi Hiền cho biết ông đã hoàn thiện nghiên cứu cải tiến chữ viết "Tiếq Việt" và quyết định công bố phần 2 sớm hơn dự định.

Quyên Quyên - Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm