Theo Bộ GD&ĐT, thời gian điều chỉnh trực tuyến từ ngày 15/7 đến 21/7, điều chỉnh bằng phiếu từ ngày 15/7 đến 23/7.
PGS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ và đừng bỏ qua cơ hội này.
Chọn thí sinh như thế nào khi điểm thi bằng nhau?
Theo PGS Trần Văn Nghĩa, năm nay, các trường sẽ tuyển sinh bình đẳng giữa các nguyện vọng, xét từ trên xuống đến ngưỡng điểm trúng tuyển.
Về nguyên tắc, nếu không có điều kiện khác, trường phải lấy hết số thí sinh bằng điểm nhau. Tuy nhiên, thí sinh trúng tuyển có thể vượt chỉ tiêu cho phép nên các trường đại học lớn thường đưa ra tiêu chí phụ làm căn cứ lọc thí sinh. Những tiêu chí phụ để xét tuyển đã được công khai trong phương án tuyển sinh.
Sau khi các trường xét hết tiêu chí phụ, số lượng thí sinh vượt quá chỉ tiêu, thì sẽ ưu tiên thí sinh đăng ký vào ngành, trường bằng nguyện vọng cao hơn. Bộ GD&ĐT quy định việc này để ưu tiên những em có sở thích, đam mê với ngành nghề và có định hướng lựa chọn từ đầu.
Ông Nghĩa cho rằng phần mềm của Bộ GD&ĐT xét tuyển một cách chính xác, tạo kết quả công bằng nên thí sinh hoàn toàn không cần lo lắng.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Quy trình thay đổi nguyện vọng
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thông tin thí sinh có thể thay đổi ngành, tổ hợp, trường trong đợt điều chỉnh nguyện vọng bắt đầu từ ngày 15/7.
Thí sinh thay đổi trong phạm vi số lượng nguyện vọng đã đăng ký, có thể thực hiện trực tiếp bằng tài khoản cá nhân qua điện thoại, máy tính, không cần đến điểm tiếp nhận hồ sơ.
“Năm nay, phần mềm của Bộ GD&ĐT được thiết kế thân thiện, đưa ra câu hỏi: ‘Bạn chắc chắn muốn thay đổi nguyện vọng?' để thí sinh không lỡ tay ấn nhầm”, bà Phụng nói.
Những thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng theo chiều hướng tăng số lượng (ví dụ tăng từ 5 lên 7 nguyện vọng), sẽ trực tiếp đến điểm tiếp nhận hồ sơ, điền thông tin, nộp cho cán bộ.
Trước khi đưa thông tin lên mạng, người tiếp nhận sẽ in phần thông tin cho thí sinh ký xác nhận trong thời gian 24 tiếng. Sau đó, thí sinh kiểm tra thông tin hiển thị trên mạng bằng tài khoản cá nhân của mình.
“Việc thay đổi nguyện vọng, thí sinh cần làm rất cẩn thận, các khâu cần kiểm tra kỹ để tránh nhầm lẫn. Điều này liên quan việc đỗ hay trượt của các em”, bà Phụng nhấn mạnh.
Không nên đỗ đại học bằng mọi giá
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay việc thay đổi nguyện vọng phụ thuộc lớn vào năng lực, sở trường, điểm thi của thí sinh.
“Bộ GD&ĐT không giới hạn việc đăng ký số lượng nguyện vọng nên học sinh không cần quá lăn tăn việc mình sẽ chọn trường nào, mà nên đặt nguyện vọng theo các ngành đúng sở trường, sắp xếp thứ tự ưu tiên. Nếu thí sinh không trúng nguyện vọng một, danh sách sẽ tự chuyển sang nguyện vọng 2”, bà Phụng cho biết.
TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (người nhiều năm tham gia tư vấn tuyển sinh) - khuyên: “Một số thí sinh băn khoăn đã đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng không biết ngành nào có cơ hội cao. Tôi khuyên các em không nên vào đại học bằng mọi giá”.
Theo TS Mạnh Hà, cơ hội càng nhiều, lựa chọn sẽ càng khó vì thí sinh sẽ rất dễ chạy theo những cơ hội "dễ đỗ" mà xem nhẹ yếu tố phù hợp của ngành, trường so với sở trường, sở thích của mình.
Chọn đại học bằng mọi cách chưa chắc đã là lựa chọn sáng suốt. Thay vào đó, thí sinh nên cân nhắc đến tố chất bản thân, những yếu tố mong muốn để lựa chọn ngành phù hợp.