Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được đánh giá có nhiều thay đổi. Tháng 9/2016, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi với nhiều điểm mới. Theo đó, trừ Ngữ văn, tất cả các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi cũng được gộp thành các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Như vậy, phương án thi, môn thi, hình thức thi, thời gian thi đều thay đổi. Một loạt điều mới mẻ khiến nhiều học sinh, giáo viên không biết sẽ dạy và học như thế nào khi năm học mới đã bắt đầu được một tháng.
Đến giữa tháng 12/2016, Bộ GD&ĐT công bố trong dự thảo thi rằng sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường đại học và được thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi THPT quốc gia.
Thí sinh mệt mỏi trước giờ thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. |
Thông tin này khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Nếu dự thảo được thông qua, việc bỏ điểm sàn đại học sẽ ảnh hưởng chất lượng đầu vào, nhất là với các trường ngoài công lập.
Hơn một tháng sau đó, Bộ GD&ĐT lại sửa đổi quy định, tức là vẫn giữ điểm sàn. Điểm sàn do bộ quy định, các trường sẽ xây dựng phương án xét tuyển.
Cũng trong tháng đầu năm 2017, một thông tin khác khiến nhiều thí sinh bất ngờ: Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi, đáp án môn thi trắc nghiệm. Lại một lần nữa dư luận lo lắng về kỳ thi không công bằng, minh bạch. Nhiều chuyên gia, học sinh cho rằng Bộ GD&ĐT đã đặt lợi ích của mình trên cả thí sinh.
Theo lý giải của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay, Bộ GD&ĐT đã huy động nhiều đội ngũ làm đề. Các câu hỏi thô cũng phải trải qua nhiều khâu xử lý, biên soạn, thử nghiệm mới có thể đem vào ngân hàng đề để sử dụng. Do đó, việc không công bố đề thi các môn trắc nghiệm nhằm giữ bí mật câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng cho các kỳ thi tiếp theo.
Thế nhưng, đầu tháng 2, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lại khẳng định sẽ công bố đề thi và đáp án. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết năm 2017 lần đầu tiên triển khai hình thức thi này nên công bố để thí sinh và xã hội tham khảo.
Như vậy, sau mọi ồn ào tranh luận, một tháng sau, Bộ GD&ĐT lại tiếp tục thay đổi. Chính vì những thay đổi nêu trên khiến cụm từ “đổi mới giáo dục” trở nên nhạy cảm với nhiều người. Học sinh không chỉ năm nay mà những năm tiếp theo sẽ thi như thế nào khi lộ trình đổi mới vẫn chưa kết thúc?
Về điều này, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - nêu quan điểm: Trước khi đưa ra quyết định, Bộ GD&ĐT nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, sau đó chính thức công bố một lần. Những ý kiến đưa ra phải được bàn bạc kỹ lưỡng sao cho xã hội đồng tình. Nếu có ý kiến phản biện, các chuyên gia giáo dục sẽ có nhiệm vụ giải thích cho dư luận hiểu.
Ví dụ, ngay từ đầu, Bộ GD&ĐT hiểu thi cử phải minh bạch, nghiêm túc, chặt chẽ thì không nên có phát ngôn không công bố đề thi, đáp án gây bức xúc. Nếu Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều quyết định gây phản ứng của dư luận sẽ tạo thành tiền lệ “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Niềm tin của xã hội với giáo dục cũng vì thế mà thuyên giảm.
Còn PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra hay rút lại quy định vẫn không giải thích rõ ràng, thuyết phục.
Theo PGS Cương, sự “đổi mới” của Bộ GD&ĐT thật ra là “đổi khác”, hoặc đó là đổi mới không có tính bền vững. Điều này đặc biệt nghiêm trọng, bởi ngành giáo dục trực tiếp ảnh hưởng con người, xã hội.
PGS Văn Như Cương - người nhiều năm tâm huyết với giáo dục - khẳng định Bộ GD&ĐT là cơ quan đứng đầu của ngành, nên nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng về chiến lược lâu dài, sau đó lựa chọn người góp ý sao cho phù hợp. Xin đừng đưa ra quyết định rồi “chữa cháy” vội vàng.