Áp lực công việc có thể gây hại cho sức khoẻ thể chất và tinh thần, dẫn đến tử vong. Ảnh minh hoạ: SCMP. |
Sự việc nhân viên kế toán Anna Sebastian Perayil (26 tuổi, Ấn Độ) thuộc SR Batliboi, công ty thành viên của EY Global, qua đời vì làm việc quá sức gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với thị trường lao động trên toàn thế giới.
Nhân sự của “Big 4” kiểm toán không phải trường hợp ngoại lệ. Nhiều người lao động ở khu vực châu Á, như Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan cũng từng được cho là “làm việc đến chết”.
Thậm chí, người Nhật còn sử dụng thuật ngữ “karoshi” để chỉ cái chết do kiệt sức với công việc. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environment International (2021) cũng cho biết số lượng người tử vong trong năm 2016 vì làm việc quá sức dẫn đến đột quỵ là 745.000.
Anna Sebastian Perayil qua đời vì làm việc đến kiệt sức ở EY. |
Những trường hợp điển hình
Anna Sebastian Perayil bắt đầu làm việc tại EY Pune (thành phố thuộc tiểu bang phía tây Maharashtra, Ấn Độ) vào tháng 3. Theo bức thư mà mẹ cô, bà Anita Augustine, gửi cho lãnh đạo EY Ấn Độ, khối lượng công việc lớn, môi trường mới và thời gian làm việc dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của Anna.
Bà Anita Augustine đã đưa con gái đi khám bệnh vào tháng 7 khi cô có triệu chứng co thắt ngực trong một tuần. Bác sĩ kết luận bệnh nhân không ngủ đủ giấc, ăn rất muộn và kê đơn thuốc kháng acid dạ dày.
Nhiều nhân sự tử vong vì làm việc quá sức trong thời gian dài. Ảnh minh hoạ: Pexles/Ron Lach. |
Mặc dù vậy, Anna vẫn làm việc đến tận khuya, suốt cuối tuần, không có thời gian nghỉ ngơi. Bà Augustine kết luận rằng cái chết của cô con gái 26 tuổi chính là lời cảnh tỉnh cho EY và những người trẻ làm việc quá sức ở doanh nghiệp này.
Câu chuyện người lao động qua đời do làm việc quá sức ngày càng phổ biến hơn. Nhiều trong số đó xảy ra ở châu Á.
Sarawut Srisawat (44 tuổi, Thái Lan) tử vong sau khi gục xuống bàn làm việc vì cơn đau tim tại văn phòng công ty truyền thông Thai News Network, The Independent đưa tin.
Theo đó, nhân sự truyền thông này thường xuyên làm thêm giờ, có mặt tại văn phòng 7 ngày/tuần. Srisawat buộc phải hoàn thành công việc vì không có người thay thế. Người đàn ông 44 tuổi thậm chí phải nộp báo cáo trong thời gian nghỉ ốm. Nhân sự này mắc một số bệnh nền như tiểu đường và cao huyết áp.
Văn hóa "996" (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối liên tục 6 ngày/tuần) ở Trung Quốc cũng được cho là ngọn nguồn của nhiều cái chết do làm việc quá sức.
Tháng 8/2019, một nhân viên được biết đến với bí danh Zhu Bin đã đột ngột qua đời khi đang đi làm về. Sau đó, Zhu được phát hiện đã làm việc suốt tháng 7 mà không nghỉ ngơi và đã làm thêm 130 giờ. Tòa phán quyết rằng chủ lao động của Zhu phải chịu 30% trách nhiệm cho cái chết của Zhu và yêu cầu bồi thường 360.000 nhân dân tệ (50.000 USD).
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Nhật Bản. Nhà báo Miwa Sado (31 tuổi, Nhật Bản) tử vong vì suy tim sau thời gian dài làm việc quá sức tại đài phát thanh công cộng quốc gia Nhật Bản NHK, theo The Guardian. Trước khi qua đời, cô làm thêm 159 giờ trong một tháng. Theo tờ Asahi Shimbun, nguyên nhân cái chết của cô được các cơ quan lao động xác định là làm việc đến kiệt sức.
Cuối năm 2021, gã khổng lồ ngành điện tử Nhật Bản Panasonic thừa nhận và xin lỗi vì để nhân viên làm việc quá sức dẫn đến tự tử. Cụ thể, người đàn ông 43 tuổi là phó phòng kỹ thuật, thường xuyên làm việc hơn 100 giờ/tuần - vượt 2,5 lần so với mức trung bình là 40 giờ/tuần. Anh ngủ lúc 4-5h sáng và đi làm trước 8h.
Người đàn ông dần rơi vào trầm cảm vì làm việc quá sức. Tháng 10/2019, anh tự sát sau khi để lại bức thư cho gia đình và tố cáo công ty giao quá nhiều việc, VICE News đưa tin. Hơn 2 năm sau, tập đoàn Nhật Bản mới nhận trách nhiệm về mình.
'Làm việc đến chết'
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), OT (làm thêm giờ) giết chết hàng trăm nghìn người mỗi năm. Từ năm 2000 đến năm 2016, số ca tử vong do mắc bệnh tim vì làm quá sức tăng 42%. Trong khi đó, số ca qua đời vì đột quỵ với cùng nguyên nhân tăng 19%.
Năm 2021, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, chính thức đưa ra lời kêu gọi chính phủ và các doanh nghiệp tập trung bảo vệ sức khoẻ người lao động. Ông cũng cho biết hình thức làm việc từ xa có xu hướng làm mờ ranh giới giữa công việc và gia đình, khiến nhân sự không có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Tình trạng làm thêm giờ trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Ảnh minh hoạ: Pexels/Cottonbro Studio. |
Theo một nghiên cứu, bối cảnh kinh tế suy thoái kéo theo áp lực cho doanh nghiệp, dẫn đến s phổ biến của tình trạng OT. Hành động kéo dài thời gian làm việc đặc biệt gây nguy hại cho sức khoẻ của người lao động ở độ tuổi trung niên.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng người dân ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương phải đối mặt với tình trạng căng thẳng nhất. Trong khi đó, người dân châu Âu ít đương đầu với vấn đề này hơn.
Một báo cáo năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế cho thấy Ấn Độ nằm trong số những quốc gia có người dân làm việc quá sức nhất thế giới. Tuy nhiên, mức lương của người lao động ở quốc gia này thuộc mức thấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo báo cáo Tiền lương toàn cầu 2020-2021, thời gian làm việc trung bình của một công dân Ấn Độ là 48 giờ/tuần. Người Trung Quốc làm 46 giờ/tuần, người Mỹ làm 37 giờ/tuần và người Anh làm 36 giờ/tuần.
Tại Nhật Bản, thuật ngữ “karoshi” xuất hiện liên tục trên truyền thông. Vấn đề đột tử vì làm việc quá sức trở thành tiêu điểm ở đất nước này. Trong khi đó, Thái Lan đưa ra quy định bồi thường đối với gia đình có người qua đời vì kiệt sức trong công việc.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.