Trong tuần qua, mạng xã hội đã bùng nổ với những cuộc thảo luận về Lily Phillips − một phụ nữ 23 tuổi ở London (Anh) trở thành tiêu đề cho các bài báo vì "quan hệ tình dục với 100 người đàn ông trong 24 giờ". Phillips kể từ đó đã công bố kế hoạch thực hiện một "thử thách" tương tự, nhưng lần này là với 1.000 người đàn ông.
Nhà làm phim Josh Pieters đã theo chân Phillips khi cô chuẩn bị cho "pha mạo hiểm", ghi lại những suy nghĩ của cô, cũng như hậu quả về mặt cảm xúc, trong một bộ phim tài liệu. Bộ phim đó được tải lên YouTube vào ngày 7/12, đã đạt được hơn 5 triệu lượt xem, khơi dậy những phản ứng trái chiều.
Trong cuộc trò chuyện với Pieters, Phillips cho biết cô coi mình là "người theo chủ nghĩa nữ quyền" và "muốn xóa bỏ định kiến đối với từ 'slut'".
"Tôi làm những gì tôi muốn và tôi làm vì tôi thích... Tôi chỉ cảm thấy được trao quyền bởi thực tế là tôi kiếm được tiền từ thứ mà tôi nghĩ, dù sao thì đàn ông cũng sẽ làm. Đàn ông luôn muốn tình dục hóa tôi nên tôi cũng có thể cố gắng kiếm tiền từ điều đó".
Không có gì ngạc nhiên khi quan điểm của Phillips bị chỉ trích dữ dội. Một TikToker, trong một video có 5,5 triệu lượt xem, đã mô tả hành động của Phillips là hình thức tự làm hại bản thân về mặt tình dục.
"Đây là bản cáo trạng nghiêm trọng đối với xã hội của chúng ta khi chúng ta chứng kiến một phụ nữ trẻ tham gia vào hành vi nguy hiểm và đấu tranh về mặt tinh thần trong khi tự đặt mình vào những tình huống có hại này. Sau đó, chúng ta chỉ chế giễu và tuyên bố rằng cô ấy đáng bị như vậy", một người dùng X viết trong bài đăng có 3,1 triệu lượt xem.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần mà USA Today phỏng vấn cho biết bộ phim tài liệu và những phản hồi sau đó cho thấy quan điểm phức tạp, thường mâu thuẫn của chúng ta về tình dục. Các chuyên gia nói thêm rằng bộ phim tài liệu cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về động lực thúc đẩy mọi người theo đuổi các hành vi tình dục cực đoan.
Cuộc tranh luận đi sai hướng
Phản ứng trước hành động của Phillips rất gay gắt, nhiều người chia sẻ quan điểm khác nhau về ý nghĩa của hành động cực đoan này đối với xã hội hoặc văn hóa.
"Lily Philips là nạn nhân của xã hội gia trưởng tin rằng khiêu dâm và mại dâm là trao quyền", một người dùng X đã viết. "Xin lỗi những người theo chủ nghĩa nữ quyền, #LilyPhillips không phải là nạn nhân", một người khác nhận xét. Một người nữa đã bình luận: "Những người đàn ông sử dụng OnlyFans, trả tiền để quan hệ tình dục và là người tiêu thụ nội dung khiêu dâm phải chịu trách nhiệm. Nếu bạn nghĩ những gì đã xảy ra với cô ấy là buồn và đáng lo ngại, mà thực tế là như vậy, tôi hy vọng bạn cũng đang cân nhắc rằng những lựa chọn và hành vi của mình đã tạo nên Lily Phillips".
Đối với nhà trị liệu chấn thương và mối quan hệ Jordan Pickell, một số phản ứng đã bỏ lỡ trọng tâm của vấn đề. Thay vì xem xét kỹ lưỡng nhân vật Phillips, bà Pickell muốn cuộc trò chuyện tập trung nhiều hơn vào việc các quyết định lành mạnh xung quanh tình dục nên như thế nào.
"Tôi ước rằng đây là cuộc trò chuyện về sự đồng thuận và tình dục trao quyền trông như thế nào, tình dục an toàn là như thế nào. Thay vào đó, mọi người chỉ phân tích các lựa chọn tình dục của một người phụ nữ, điều này có vẻ rất lạc hậu", bà nói.
Lily Phillips bật khóc trong phim tài liệu. Ảnh: YouTube. |
Còn nhà trị liệu tâm lý Stephanie Sarkis cho biết những phản ứng mạnh mẽ này cho thấy quan điểm căng thẳng về tình dục trong xã hội, nơi mọi người có sự bất đồng quan điểm sâu sắc về sự phù hợp và không phù hợp của quan hệ tình dục.
Những vấn đề này đã được thảo luận và tranh cãi từ rất lâu trước khi Phillips xuất hiện, nhưng bộ phim tài liệu về cô khiến mọi thứ trở nên gay gắt hơn.
"Việc biến tình dục thành hàng hóa không phải là điều mới mẻ, nhưng niềm tin của chúng ta về nó có thể rất phân cực. Xã hội có quan điểm rất khác nhau về vấn đề này, vì điều đó thể hiện quan điểm khác nhau của chúng ta về tình dục", Sarkis nói.
Sarkis nói thêm rằng, rất có thể, mục tiêu của Phillips ngay từ đầu là khơi dậy cuộc trò chuyện, vì làm như vậy sẽ nâng cao hình ảnh của cô trước công chúng và cuối cùng là thu hút thêm nhiều người đến với OnlyFans của cô. "Những thứ phân cực sẽ có nhiều lượt xem hơn. Càng có nhiều lượt xem, cô ấy càng kiếm được nhiều tiền", Sarkis nói.
Chấn thương phía sau hành vi tình dục cực đoan
Có lẽ thứ được nói đến nhiều nhất trong phim tài liệu là phần kết. Ngay sau khi quan hệ tình dục với 100 người đàn ông, Phillips đã suy ngẫm về trải nghiệm này trong cuộc trò chuyện với Pieters và bật khóc.
Cô nói rằng mình đã khiến một số người đàn ông tham gia thất vọng. Cô cũng nói mình không nhớ hầu hết cuộc gặp vì bị rối loạn phân ly - một phản ứng thường gặp khi bị chấn thương.
Nhiều người dùng mạng xã hội đã bám vào phần này của bộ phim tài liệu như bằng chứng cho thấy sự hối hận của Phillips, rằng sâu thẳm trong lòng cô tin rằng mình đã phạm sai lầm. Tuy nhiên, Phillips đã nói ngược lại.
Những người đã trải qua chấn thương cũng có thể tìm đến các hành vi tình dục cực đoan. Ảnh: The New York Times. |
Trong cuộc phỏng vấn với TMZ, Phillips cho biết cô khóc chỉ vì kiệt sức sau một ngày dài. Cô cũng nói rằng mình đã bị hỏi han quá nhiều trong thời gian này, điều đó khiến cô cảm thấy "quá sức chịu đựng". "Nó thực sự rất căng thẳng. Đó là một ngày rất căng thẳng", Phillips nói.
Pickell nói rằng không thể biết chắc chắn Phillips đang nghĩ gì hoặc điều gì khiến cô rơi nước mắt, nhưng nhìn chung, mọi người có thể bị thúc đẩy vào các hành vi tình dục cực đoan vì nhiều lý do không lành mạnh.
"Chấn thương có thể là một yếu tố thúc đẩy lớn để thực hiện hành động cực đoan", bà nói.
Những người đã trải qua chấn thương cũng có thể tìm đến các hành vi tình dục cực đoan như một cách tái hiện chấn thương nhằm cố gắng hiểu rõ nó hoặc cảm thấy có quyền lực hơn.
Và "điều đó có thể là vấn đề, vì bạn sẽ tái hiện thay vì xử lý nó", nhà trị liệu về mối quan hệ Philip Lewis nói. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy. "Những người khác chỉ thích sự phấn khích, sự bùng nổ dopamine, làm điều gì đó kỳ quặc hoặc cực đoan", ông nói thêm.
Pickell cho biết điều quan trọng là mọi người phải phân biệt được hành vi tình dục nào phù hợp với giá trị của họ. Bà nói rằng mọi người thường có thể tham gia vào những việc mà lúc đó họ cảm thấy vô hại, nhưng sau đó mới nhận ra rằng điều đó gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần.
"Trong những năm làm chuyên gia trị liệu, tôi đã làm việc với những người hành nghề mại dâm. Nhiều người đã đưa ra lựa chọn tức thì và chỉ sau nhiều năm trị liệu, khi nhìn lại và hiểu được động cơ tiềm ẩn, họ nhận ra rằng: 'Ồ, điều đó thực sự gây chấn thương'", bà nói.
Mặc dù không thể chắc chắn về suy nghĩ hay cảm xúc thực sự của Phillips, Sarkis cho biết cảm xúc của cô ở cuối phim tài liệu đã đặt ra câu hỏi quan trọng. "Đó là một phần trong mô hình kinh doanh của cô ấy, nhưng cô ấy phải trả giá như thế nào? Tôi đặt ra câu hỏi này dựa trên phản ứng của cô ấy ở cuối phim tài liệu", bà nói.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.