Theo cảnh sát, nữ blogger và chồng đang cắm trại qua đêm ở quận Dumka, (Jharkhand, miền Đông Ấn Độ) thì bị 7 người đàn ông tấn công. Người phụ nữ bị thay phiên hiếp dâm trong khi chồng cô bị nhóm đàn ông khống chế và đánh đập.
Ngày 5/3, cảnh sát cho biết đã bắt giữ 8 người đàn ông, trong độ tuổi 18-25, được cho là liên quan đến vụ án này. Cảnh sát trưởng Dumka Pitamber Singh Kherwar nói thêm rằng chính quyền có "nhiều bằng chứng" và sẽ nộp đơn tố cáo.
Khi tin tức về vụ việc lan rộng, nhiều phụ nữ là người Ấn Độ và cả người nước ngoài đã lên tiếng về trải nghiệm bị quấy rối và cưỡng hiếp, đồng thời tố cáo nền văn hóa đang tiếp tục dung túng cho những tội ác như vậy.
Nhiều người cho rằng bạo lực tình dục vẫn tràn lan ở Ấn Độ bất chấp những cải cách pháp lý trước đó. Tần suất của những tội ác tương tự, cùng với việc luật pháp thiếu hiệu quả cho thấy sự thất bại mang tính hệ thống trong việc bảo vệ phụ nữ.
"Mọi phụ nữ tôi biết đều bị quấy rối ở Ấn Độ"
Audrey Truschke, nhà sử học Nam Á và phó giáo sư tại Đại học Rutgers (Mỹ), cho biết: "Tôi bị quấy rối tình dục nhiều lần ở Ấn Độ, giống như mọi phụ nữ sống ở đó mà tôi quen biết. Báo chí truyền thông bị thu hút hơn cả khi nạn nhân là người nước ngoài. Nhưng phụ nữ Ấn Độ mới là những người đối mặt với vấn nạn này nhiều hơn bất kỳ ai".
Shonali Verma, nhà tư vấn tại một công ty tư nhân ở New Delhi, nói với This Week in Asia rằng nỗi sợ bị quấy rối hoặc tấn công "luôn hiện hữu, ngay cả khi ở cùng với những người đàn ông quen thuộc". Verma nói thêm rằng "bị lạm dụng tình dục bởi những người quen biết" không phải hiếm.
Bức ảnh do cảnh sát Dumka công bố cho thấy ba trong số 8 người đàn ông đã bị bắt vì cáo buộc cưỡng hiếp và hành hung một cặp đôi nước ngoài đi du lịch ở Ấn Độ. Ảnh: Cảnh sát Dumka/X. |
Madhura Rao, học giả về hệ thống thực phẩm tại Viện Athena của Đại học Vrije Amsterdam, cho biết: "Phủ nhận rằng Ấn Độ tồn tại vấn đề này là phủ nhận tất cả trải nghiệm sống của chúng ta".
Sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ đã khiến Rao "không thể tin tưởng nhiều vào đàn ông ở nơi công cộng", đến mức cô không thể tận hưởng các hoạt động như cắm trại hay đi xem hòa nhạc.
Sohni Chakrabarti, phó giảng viên tại Đại học St Andrews ở Scotland, viết trên X (Twitter): "Mọi phụ nữ tôi quen đều từng đối mặt với một số hình thức quấy rối hoặc điều tệ hơn khi ở Ấn Độ".
Không có gì thay đổi
Đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ vụ một nữ sinh viên bị hãm hiếp tập thể trên chuyến xe buýt ở Delhi vào năm 2012. Vụ việc bi thảm châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc, lên án sự bất cập của luật pháp và cơ quan thực thi pháp luật của đất nước.
Chính phủ Ấn Độ sau đó đã thực hiện những cải cách đáng kể để giải quyết bạo lực tình dục, bao gồm cả việc tăng án tù cho tội hiếp dâm. Ban đầu, nó được ca ngợi là một bước ngoặt tiềm năng đối với Ấn Độ, nhưng các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nói rằng thực tế nghiệt ngã là tình hình được cải thiện rất ít và các vụ cưỡng hiếp, bạo lực tình dục không suy giảm.
Phụ nữ Ấn Độ vẫn thường xuyên là nạn nhân của bạo lực tình dục, bất chấp những cuộc đấu tranh. Ảnh: CNN. |
Verma cho biết: "Chúng tôi có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Sự thống trị của nam giới trong xã hội dẫn đến việc phớt lờ hoặc gạt bỏ các vấn đề của phụ nữ. Chúng tôi kiệt sức vì đấu tranh cho quyền lợi và bảo vệ chính mình".
Nayreen Daruwalla, giám đốc chương trình Phòng chống Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em tại SNEHA (một tổ chức phi lợi nhuận ở Mumbai) nói với This Week in Asia rằng câu chuyện của nữ blogger Tây Ban Nha thực sự khủng khiếp.
"Thật đáng thất vọng khi bất chấp các cuộc thảo luận về trao quyền cho phụ nữ, chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến những trường hợp cưỡng hiếp và tấn công tình dục kinh hoàng như vậy", bà nói.
Nhà hoạt động này nhấn mạnh việc thủ phạm được hưởng quyền miễn trừ rõ ràng, đặc biệt là những người ở vị trí có ảnh hưởng chính trị, đã gửi "một tín hiệu rõ ràng khiến nhiều người trong xã hội tin rằng sẽ không có gì thay đổi".
Daruwalla cho biết xã hội Ấn Độ vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự tồn tại của vấn nạn này. Bạo lực trên cơ sở giới thường được coi là vấn đề riêng của phụ nữ hơn là mối quan tâm rộng lớn hơn của xã hội, khiến các biện pháp ngăn chặn không hiệu quả.
"Chúng tôi đã thấy một số thay đổi tích cực. Tuy nhiên, đảm bảo an toàn cho phụ nữ vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là ở những cộng đồng nơi các chuẩn mực văn hóa hạn chế khả năng di chuyển của phụ nữ", bà nhấn mạnh.
Các nhà hoạt động cho rằng việc thiếu dữ liệu toàn diện rõ ràng là một trở ngại đáng kể, khiến các nhà chức trách do dự hoặc không muốn thừa nhận toàn bộ phạm vi của vấn đề.
Bức tranh nghiệt ngã
Các số liệu có sẵn vẽ nên một bức tranh nghiệt ngã. Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia đã báo cáo có 31.677 vụ hiếp dâm trên toàn quốc vào năm 2021. Trung bình có gần 90 vụ hiếp dâm được báo cáo mỗi ngày, tương đương với cứ 18 phút lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp.
Theo Khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia năm 2016 (bộ dữ liệu gần đây nhất hiện có), hơn 99% vụ cưỡng hiếp ở Ấn Độ không được báo cáo, gần một nửa (47%) bé gái Ấn Độ trải qua một số hình thức lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu.
Những số liệu thống kê này nhấn mạnh sự phổ biến lâu dài của bạo lực tình dục đối với phụ nữ ở Ấn Độ, đồng thời nêu bật nhu cầu cấp thiết về những nỗ lực toàn diện và bền vững để giải quyết vấn đề.
"Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị bạo lực tình dục ở Ấn Độ, và trẻ em thường bị lạm dụng trong gia đình và người xung quanh. Công dân nước ngoài cũng dễ bị tổn thương trước những tội ác như vậy", Flavia Agnes, một luật sư nổi tiếng về quyền phụ nữ của Ấn Độ, nói.
Luật sư thừa nhận việc nhà nước bồi thường kịp thời cho các nạn nhân Tây Ban Nha là một bước đi tích cực, nhưng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các biện pháp thực thi pháp luật chặt chẽ hơn.
Trong một vụ án khác, 11 người đàn ông bị kết án cưỡng hiếp phụ nữ Hồi giáo Bilkis Bano trong cuộc bạo loạn năm 2002 ở Gujarat đã được thả theo lệnh của chính quyền bang Gujarat, với lý do chính sách tha bổng của bang này.
Các nhà hoạt động xã hội tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ người phụ nữ Hồi giáo Bilkis Bano, ở Kolkata vào ngày 24/8/2022. Ảnh: IANS. |
Quyết định này đã gây ra làn sóng lên án rộng rãi, nhiều người cho rằng đây là một sự bất công trắng trợn đối với phụ nữ. Đến tháng 1/2024, Tòa án Tối cao đã khôi phục án chung thân cho 11 người.
Những vụ hiếp dâm rúng động đã khiến một số quốc gia bao gồm Anh, Mỹ và Pháp gần đây ban hành khuyến cáo du lịch đặc biệt, cảnh báo phụ nữ nước họ không nên đến Ấn Độ.
Shabnum Hashimi, một nhà hoạt động xã hội, nói với This Week in Asia rằng bầu không khí bạo lực và hận thù lan tràn khi nạn hiếp dâm bị bình thường hóa trong thập kỷ qua.
"Chúng tôi đã thấy những trường hợp kẻ phạm tội được một số phe phái trong xã hội tôn vinh và nhận được sự đối xử khoan dung từ cơ quan tư pháp. Điều này gửi đi một thông điệp nguy hiểm, khuyến khích thủ phạm ra tay và khiến nạn nhân dễ bị tổn thương", Hashimi nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Adfer Shah, một nhà xã hội học ở Delhi, bạo lực trên cơ sở giới có nguồn gốc từ cách đàn ông Ấn Độ được nuôi dưỡng trong một xã hội phụ hệ, phân biệt đẳng cấp, bất bình đẳng dẫn đến sự phân biệt đối xử và bạo lực tình dục đối với phụ nữ.
Luật sư Agnes nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết án như một biện pháp ngăn chặn những kẻ phạm tội. Cô ghi nhận nỗi sợ hãi sâu sắc mà những người sống sót và gia đình họ phải trải qua.
"Nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ, cảm thấy dễ bị tổn thương và sợ hãi. Các vụ bạo lực tình dục ngăn cản phụ nữ theo đuổi các hoạt động độc lập, chẳng hạn như du lịch một mình. Điều bắt buộc là xã hội phải giải quyết những vấn đề này một cách toàn diện", cô nói.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.