Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Thấy gì từ vụ Châu Bùi bị quay lén trong nhà vệ sinh

Cách các thiết bị quay lén được mua bán, thái độ xã hội, nhận thức về giới và quy định pháp luật liên quan là những vấn đề cần bàn đến khi nói về tội phạm quay lén phụ nữ.

"Có lần con bé gọi điện vào lúc rạng sáng, sau khi gặp ác mộng với khuôn mặt của thủ phạm. Nó cứ mơ thế suốt".

"Lúc đầu con gái tôi dùng thuốc chống trầm cảm nhưng cháu vẫn gặp khó khăn".

"Nỗi sợ rằng ai đó quen biết có thể đã xem đoạn video... Con bé cứ thế suy sụp bởi suy nghĩ đó".

Đó là cách tội phạm tình dục liên quan đến quay lén gây đau khổ, đe dọa đến cuộc sống của nhiều nạn nhân là phụ nữ.

Chủ đề này tiếp tục được quan tâm khi tối 24/6, Châu Bùi, fashionista, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chia sẻ việc cô bị quay lén tại nhà vệ sinh của một studio ở quận 3, TP.HCM.

Máy quay lén - một số chỉ nhỏ như đầu kim - được gắn vào trong đồng hồ, nút áo, gương, cửa, ổ điện... và sử dụng để quay phim bí mật các nạn nhân trong phòng ngủ, nhà vệ sinh và không gian công cộng.

Tại Hàn Quốc, "đại dịch molka" thể hiện sự phổ biến của tội phạm quay lén, với 30.768 vụ việc được báo cáo từ năm 2018 đến năm 2022, tức trung bình mỗi ngày có 17 vụ quay lén được trình báo.

Ở Singapore, các nhà vận động vì quyền phụ nữ cho rằng bạo lực tình dục kỹ thuật số đối với phụ nữ đã "lan rộng" từ năm 2019, kêu gọi cải cách luật liên quan.

Còn tại Nhật Bản, chỉ trong năm 2021, có hơn 5.000 vụ bắt giữ liên quan đến tội phạm quay lén. Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đã được áp dụng đối với người phạm tội khi luật mới được thông qua vào năm ngoái.

Nỗi đau của nạn nhân

Trong bộ phim tài liệu của BBC, Stacey Dooley Investigates: Spycam Sex Criminals, nhà sản xuất Stacey đã xem xét chi tiết đại dịch molka ở Hàn Quốc và nói chuyện với một gia đình, những người yêu cầu giữ kín tên, về việc con gái của họ tự kết liễu đời mình sau khi bị quay lén.

Năm 2019, bác sĩ tại một bệnh viện ở Hàn Quốc đã bị bắt vì quay lén phụ nữ trong siêu thị. Cảnh sát đã tịch thu điện thoại của người này và tìm thấy cả những video anh ta quay lén một số đồng nghiệp.

chau bui bi quay len anh 1

Phim tài liệu về đại dịch quay lén phụ nữ ở Hàn Quốc trên BBC.

Cha của nạn nhân nói: "Con gái tôi làm việc tại bệnh viện gọi điện cho tôi và kể về vụ quay lén. Thủ phạm đã đặt camera trong phòng thay đồ nữ. Con gái tôi cũng bị quay phim nhưng nó không thể nói cho chúng tôi biết vì lúc đó đang đi cùng bạn trai".

Người bố cho biết con gái ông thường xuyên gặp ác mộng và được kê đơn thuốc chống trầm cảm.

Chồng chưa cưới đã chuyển đến sống cùng để tiện chăm sóc cô. Nhưng vài tuần sau, gia đình nhận được tin dữ giữa đêm khuya.

"Tôi lái xe suốt hai giờ sau cuộc gọi. Ban đầu tôi nghĩ rằng con bị thương nặng, nhưng gần như phát điên khi biết con bé nhảy từ tầng 17. Tôi không thể chịu nổi khi nghĩ về điều đó. Bạn trai của con bé đã chứng kiến và phải chịu đựng tổn thương nặng nề", người cha kể lại.

Tại phiên tòa xét xử thủ phạm, người mẹ đau lòng nói: "Sử dụng hung khí có phải là hình thức giết người duy nhất? Thủ phạm đã tận hưởng thú vui bệnh hoạn của mình trong bóng tối, trong khi con gái tôi bị dày vò trong đau khổ, phải lựa chọn ra đi và để lại những người thân yêu ở phía sau".

Cuối cùng, thủ phạm nhận bản án 10 tháng tù.

Nhận thức về giới

Trong những năm qua, khi tội phạm tình dục kỹ thuật số có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, nhiều nước đã phải cải cách luật, trừng trị mạnh tay hơn với loại tội phạm này.

Pháp cấm quay lén dưới váy vào năm 2018. Anh và Đức cũng đã ban hành luật tương tự trong những năm tiếp theo.

Năm ngoái, luật cấm ảnh thị dâm đã được thông qua tại Nhật Bản nhằm ngăn chặn các cá nhân chụp những bức ảnh lén lút mang tính chất bóc lột tình dục. Đây được coi là luật đầu tiên của đất nước chống lại việc chụp ảnh và quay video khiêu dâm, là một phần trong cuộc cải tổ tội phạm tình dục của Nhật Bản, đồng thời mở rộng định nghĩa về hiếp dâm.

Người phạm tội phải đối mặt với án tù 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 3 triệu yen.

Hàn Quốc cũng ban hành luật chống bạo lực tình dục chặt chẽ hơn vào tháng 5/2020 để ứng phó với vụ việc gây rúng động "Phòng chat thứ N", nơi phụ nữ và trẻ em gái bị ép quay phim và chia sẻ nội dung bóc lột tình dục trên Telegram.

chau bui bi quay len anh 2

Các thiết bị quay lén được bày bán công khai trên nhiều nền tảng.

Đạo luật sửa đổi đã tăng hình phạt đối với việc quay phim các cá nhân mà không có sự đồng ý để thỏa mãn tình dục, với mức phạt tối đa là 7 năm tù và số tiền phạt lên tới 50 triệu won. Ngoài ra, những người bị phát hiện sở hữu, chia sẻ hoặc xem nội dung như vậy phải đối mặt với án tù 3 năm và phạt tiền 30 triệu won.

Tuy nhiên, bất chấp các hình phạt nghiêm khắc hơn, tội phạm quay lén vẫn tăng 20% từ năm 2019 đến năm 2022 ở Hàn Quốc. Các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân của vấn đề này.

Thứ nhất, dù luật nghiêm ngặt hơn nhưng ít khi được áp dụng trong thực tế. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tội phạm học Hàn Quốc cho thấy 61% bị cáo trong phiên tòa đầu tiên nhận án treo. Trong khi đó, chỉ có khoảng 24% trường hợp bị phạt tiền và 15% bị phạt tù.

Thứ hai, các thiết bị quay lén được công khai bày bán. Việc tiếp cận và mua những chiếc đồng hồ, bút hay cúc áo có gắn camera giấu kín quá dễ dàng. Những lời kêu gọi thắt chặt kiểm soát mua bán các thiết bị này đã gia tăng, nhưng nỗ lực thông qua luật liên quan liên tục bị đình trệ.

Nguyên nhân được xem là quan trọng nhất chính là thái độ xã hội. Mặc dù ban hành luật nghiêm ngặt hơn chống quay phim bất hợp pháp, việc xác định liệu một hành động có cấu thành tội phạm hay không vẫn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phơi bày cơ thể trong cảnh quay.

Theo Lee Hyo-rin, nhà hoạt động từ Trung tâm ứng phó bạo lực tình dục trên mạng Hàn Quốc, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nạn nhân của tội phạm tình dục kỹ thuật số kể từ năm 2017, điều này thường ngăn cản việc đưa ra hình phạt thực sự.

"Tác hại cần được đánh giá trong bối cảnh của từng trường hợp, nghĩa là điều quan trọng là phải xác định xem nạn nhân trong đoạn phim có bị bóc lột về mặt tình dục hay không, bất kể mức độ bộc lộ cơ thể của nạn nhân. Nhưng trên thực tế, mọi người chỉ xem xét liệu nội dung quay phim bất hợp pháp có bao gồm bộ phận riêng tư của nạn nhân hay không", Lee giải thích.

Kwack Dae-gyung, giáo sư tại Trường Cao đẳng Quản lý Cảnh sát và Tư pháp Hình sự thuộc Đại học Dongguk, nói: "Mọi người vẫn không coi đây là một loại tội phạm nghiêm trọng. Những hình ảnh quay lén thường được coi là tài liệu giải trí hoặc thư giãn, bắt nguồn từ việc tình dục hóa, vật thể hóa phụ nữ một cách cố hữu".

Nhà hoạt động Lee đồng tình với quan điểm này, lưu ý những vấn đề cơ bản liên quan đến nhận thức về giới.

"Trong một số nhóm nam giới, việc tạo, chia sẻ nội dung bất hợp pháp được coi là cách thức khẳng định sự thống trị và tìm kiếm sự chấp thuận, biến những hành vi này thành một hình thức giải trí. Hành vi này đang duy trì nhận thức có vấn đề về việc phụ nữ là thấp kém hoặc chỉ phục vụ cho nhu cầu của nam giới", Lee nói.

‘Tôi phẫn nộ khi xem kênh TikTok quay lén phụ nữ trên bãi biển’

Không chỉ vi phạm pháp luật, hành vi quay lén phụ nữ, đăng lên mạng xã hội của TikToker L.T.T. còn gây bức xúc vì trái đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nạn nhân.


Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm