Thầy giáo 9X kute lập trang chia sẻ thi cử cho sĩ tử
Thầy giáo Trần Minh Tây đã lập fanpage nhằm giúp học sinh củng cố những kiến thức cơ bản về môn Ngữ văn và phương pháp làm các dạng đề.
Thầy giáo Trần Minh Tây, giáo viên dạy Ngữ Văn trường THCS - THPT Hồng Đức đã được khá nhiều bạn trẻ biết đến trong thời gian qua bởi vẻ ngoài điển trai, dễ thương và nhiệt tình. Vào thời điểm các thí sinh đang miệt mài ôn thi để chuẩn bị cho kì thi ĐH, thầy giáo trẻ đã lập một fanpage có tên: “Chia sẻ kinh nghiệm học và thi môn Ngữ văn” trên mạng xã hội dành cho các sĩ tử.
Với nội dung phong phú, bổ ích, fanpage này đã thu hút được hàng ngàn lượt thích, đồng thời nhận được những phản hồi tích cực của học sinh.
Thầy giáo 9X Trần Minh Tây. |
- Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã tới rất gần, thầy có thể chia sẻ một chút về quãng thời gian luyện thi và đi thi ĐH của mình?
- Đa số các bạn khác sau khi thi tốt nghiệp đều đến học ôn ở những trung tâm lớn ở thành phố, do điều kiện gia đình nên mình quyết định tự ôn tại nhà. Mình thường đến những nơi vắng vẻ, yên tĩnh để học bài như đồng ruộng… Vì thế mà có lần mải học quá, lúc nhìn lại thì thấy trời đã tối, mình ba chân bốn cẳng, nhắm mắt và chạy thẳng về nhà vì sợ... ma (cười).
Thật trùng hợp là khi đi thi ĐH, trong đề thi có đúng câu mà hôm đó mình đã học, nên mình… ngồi cười một lúc mới bắt đầu làm bài. Có lẽ đó là kỷ niệm mà mình nhớ mãi cho đến hôm nay.
- Vì sao trong tất cả các ngành học, thầy lại lựa chọn ngành Sư phạm, đặc biệt là sư phạm Ngữ Văn – ngành không còn được nhiều bạn trẻ “ưa chuộng”?
- Theo mình nghĩ, khái niệm ngành “hot” không cố định. Ngành nghề nào cũng có một vị trí quan trọng trong xã hội. Sự thành công hay không là tùy thuộc vào sự phấn đấu của bản thân trong quá trình theo học. Sư phạm là sự lựa chọn của mình ngay từ khi còn học cấp II. Sự yêu quý và ngưỡng mộ các thầy cô giáo đã thôi thúc mình cố gắng để sau này có thể đứng ở bục giảng.
Khi lên cấp III, mình mới phát hiện ra niềm yêu thích đặc biệt đối với môn Văn và đặc biệt là khả năng tự tin đứng nói trước đám đông. Điều này khiến mình chắc chắn hơn về ước mơ đang theo đuổi…
Fanpage của thầy giáo trẻ thu hút các sĩ tử tham gia bình luận. |
- Xuất phát từ ý tưởng nào mà thầy lập fanpage chia sẻ kinh nghiệm thi môn Văn? Các thí sinh có thể tìm thấy những thông tin gì trên trang này?
- Là người từng bước qua những kì thi tuyển sinh ĐH, mình rất hiểu tâm trạng của các em học sinh: lo lắng và hoang mang. Vì thế mình rất muốn đồng hành cùng các em trong thời điểm quan trọng này.
Ngay từ khi lên ý tưởng lập page, mình đã nhận được sự cố vấn và giúp đỡ của một số thầy cô giáo dạy Văn khác. Ngoài ra, trong các admin của page còn có một bạn sinh viên từng là thủ khoa khối C đại học Huế. Page sẽ cập nhật những dạng đề, phương pháp làm bài và một vài ví dụ minh họa để các em vận dụng. Đặc biệt, admin sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc của học sinh gửi về. Các bạn cũng có thể thoải mái thảo luận, giúp nhau trả lời câu hỏi, như vậy sẽ có thể nhớ lâu hơn...
- Đã từng thi ĐH và đang là giáo viên dạy Văn, thầy có thể chia sẻ bí quyết để làm 1 bài văn đạt điểm cao không?
- Không dám nhận là có “bí quyết” nhưng mình cũng xin chia sẻ một vài kinh nghiệm của một người “đàn anh” đã từng thi và đỗ Đại học. Để có thể làm được bài văn đạt điểm cao thì các bạn cần nắm được phương pháp làm các dạng đề cơ bản ở cả phần văn xuôi, phần thơ và phần nghị luận xã hội, sau đó vận dụng vào từng dạng đề cụ thể.
Đối với nghị luận xã hội, các bạn cần nắm chắc kỹ năng làm bài nghị luận xã hội, biết cách sắp xếp, tổ chức các luận điểm sáng tỏ, mạch lạc, khoa học và đặc biệt phải có sự sáng tạo trong việc đưa ra ý kiến mới hoặc đưa ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Đối với văn xuôi, cần nắm vững cốt truyện, nhân vật, chi tiết, nội dung nghệ thuật, những sáng tạo độc đáo trong tác phẩm. Khi bàn luận hoặc phân tích, các bạn cần đưa ra những phát hiện hay, dẫn chứng phù hợp. Phân tích cần kết hợp so sánh liên tưởng để làm phong phú vấn đề. Bên cạnh đó, các bạn cần có sự vận dụng vốn từ, câu văn phong phú và sáng tạo.
Thầy có rất nhiều kinh nghiệm chia sẻ đến các sĩ tử chuẩn bị thi ĐH. |
Với tác phẩm thơ, cần xem đối tượng đề bài là gì và xác định đề thuộc dạng gì trong những dạng thường gặp. Bởi với mỗi dạng đề sẽ có những yêu cầu về các kỹ năng và luận điểm cần có. Cụ thể như: Phân tích toàn bộ bài thơ, phân tích một đoạn thơ, phân tích một khía cạnh trong đoạn thơ, bài thơ… Học sinh cần nắm phương pháp và kiến thức liên quan để vận dụng. Bên cạnh đó, các bạn cần nắm chắc một số thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, ý nghĩa nhan đề, lời đề từ (nếu có)… Khi phân tích đoạn thơ các bạn nên đặt trong chỉnh thể tác phẩm và phải nắm được ý chủ đạo, phân tích mối quan hệ giữa đoạn thơ và nghệ thuật song song để làm nổi bật tư tưởng nội dung chính của đoạn thơ.
Ngoài ra, một bài văn đạt điểm cao thường phải có một hình thức đẹp: Chữ viết rõ ràng, sạch đẹp, đúng chính tả, dẫn chứng đúng, hay và phải đặt trong ngoặc kép…
Một lưu ý khác là các bạn cần biết phân chia thời gian làm bài hợp lí cho từng câu. Ví dụ như trong 180 phút làm bài, chúng ta sẽ dành 15 đến 20 phút cho thời gian đọc đề và xác định yêu cầu của đề bài. Còn lại 160 phút chia cho 10 điểm, 1 điểm chúng ta dành 16 phút. Như vậy, các bạn có thể nhẩm tính thời gian để làm mỗi câu hợp lí.
- Kì thi ĐH đang tới gần, thầy có nhắn nhủ gì với các sĩ tử?
- Các bạn hãy biến nỗi lo lắng và niềm hy vọng của người thân bạn bè thành động lực và ý chí để hoàn thành tốt kỳ thi. Cứ nghĩ kỳ thi đại học là một trong những thử thách mà các bạn cần vượt qua để trưởng thành hơn trong cuộc sống sau này.
Họ và tên: Trần Minh Tây
Năm sinh: 1990 Thành tích: - 4 năm liền là SV giỏi khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Huế - Giải thưởng Gương sáng SV ĐH Huế - Giải thưởng Sao tháng Giêng ĐH Huế và khen thưởng các phong trào tình nguyện, hoạt động Đoàn – Hội cấp khoa, cấp trường và cấp Tỉnh đoàn - Giải ba cuộc thi SV dạy giỏi ĐH Sư phạm Huế năm 2011 - Top 12 thí sinh miền Nam cuộc thi Gương mặt SVVN 2012 - Hiện đang là giáo viên dạy Văn trường THCS – THPT Hồng Đức |
Theo Báo Đất Việt