Như những người thợ thực thụ, các thầy giáo khéo léo cắt gọn tóc cho học trò. Sau đó, các em được cô giáo múc từng gáo nước, nhẹ nhàng gội đầu sạch sẽ.
Đây là hoạt động ý nghĩa được duy trì hơn hai năm nay tại trường Tiểu học Phúc Sơn, thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Hết lòng vì học trò
Trường Tiểu học Phúc Sơn có 708 học sinh. Đa phần các em là người dân tộc Thái và Mường.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ đi làm thuê xa, học sinh nơi đây phải tự chăm lo cho bản thân. Thấu hiểu hoàn cảnh thiếu thốn của các em, thầy Bùi Cảnh Đoan - giáo viên dạy Thể dục của trường - nảy ra ý tưởng tổ chức các buổi cắt tóc, gội đầu cho học trò.
Hơn hai năm nay, hoạt động đó vẫn được giáo viên tại đây duy trì đều đặn. Em nào tóc dài, luộm thuộm lại được các thầy cô gọi ra cắt tỉa gọn gàng.
Các thầy giáo cắt tóc cho học sinh. |
Cô Trần Thanh Mai - giáo viên trường Tiểu học Phúc Sơn - chia sẻ đa số học sinh đều rất nghèo, đi lại vất vả. Nhiều em ở sâu trong bản, hàng ngày phải men theo đường đồi, bờ ruộng đi bộ 7-8 km đến trường.
"Do cha mẹ đi làm ăn xa, thiếu bàn tay chăm sóc, việc vệ sinh cá nhân hàng ngày của các em còn nhiều hạn chế. Vì thế, cứ mỗi tiết trống hay nghỉ trưa, chúng tôi lại tranh thủ cắt tóc, gội đầu cho học trò", cô Mai tâm sự.
Nữ giáo viên gắn bó nửa cuộc đời với học sinh vùng cao kể em nào cũng hào hứng, xếp hàng chờ tới lượt. Nhìn thấy nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của các em khi đến trường, có quần áo ấm, đầu tóc sạch sẽ, giáo viên thấy vui.
Cũng theo cô Mai, hành động này xuất phát từ tình yêu thương, tấm lòng của người làm cha, mẹ. Các thầy cô đều tự nguyện làm, không cần được khen hay các em báo đáp.
Hành động xuất phát từ yêu thương
Thầy Bùi Cảnh Đoan có phần ngại ngùng khi tâm sự rằng trong 10 năm gắn bó nghề giáo và hai năm dạy ở ngôi trường vùng cao Phúc Sơn, đây là việc làm khiến nam giáo viên thấy ý nghĩa.
Sau khi cắt tóc, học sinh được cô giáo gội đầu ngay tại trường. |
Thầy Đinh Gia Thừa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phúc Sơn - cho hay hoạt động này được nhà trường và các thầy cô tổ chức gần ba năm.
Ban giám hiệu đưa vấn đề ra thảo luận trước hội đồng, sau đó trích quỹ của nhà trường, thầy cô cũng góp thêm tiền mua kéo, gương, lược.
Theo thầy Thừa, việc làm hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, không ai ép buộc. Thấy hoàn cảnh của học sinh vùng cao khó khăn, ai cũng muốn góp một phần công sức giúp đỡ các em.
Hiệu trưởng này nhận định qua việc cắt tóc, thầy cô có thêm thời gian nói chuyện, tâm sự cùng học trò. Qua đó, họ có thể hiểu về hoàn cảnh, suy nghĩ của các em, dễ dàng nắm bắt tâm lý, giúp đỡ những trường hợp khó khăn.
Thầy Đinh Gia Thừa bày tỏ mong muốn nhiều trường vùng sâu, vùng xa khác trên cả nước có thể áp dụng mô hình này để các em thấy mái trường là ngôi nhà thứ hai ấm áp, luôn tràn ngập tình yêu thương.