Bỡ ngỡ nơi đất khách
Tiếp phóng viên trong một căn phòng nhỏ trên phố cổ, PGS.TSKH Nguyễn Thế Khôi vui vẻ tâm sự về những câu chuyện thú vị xung quanh những lần ông dẫn đoàn học sinh Olympic Vật lý đi dự thi kỳ thi quốc tế và khu vực.
Trước mỗi kỳ thi, đoàn học sinh Olympic Vật lý Việt Nam thường phải họp lại với nhau để cùng thống nhất những quy tắc ứng xử, sinh hoạt khi sang nước bạn. Ở mỗi đất nước khác nhau, các em học sinh sẽ phải biết những nét văn hóa tiêu biểu của quốc gia đó.
Thầy Nguyễn Thế Khôi cùng học trò năm 2012. |
“Ví dụ như trước khi sang Ấn Độ - một đất nước ăn rất nhiều cà ri cay và nóng nên hầu hết các học sinh Việt Nam có thể không quen. Tôi đã dặn các em học sinh chuẩn bị một ít lương khô và mỳ tôm để ăn “chống đói” khi cần thiết", PGS Nguyễn Thế Khôi vui vẻ chia sẻ.
Ở các nước châu Âu, người ta rất hạn chế việc nói to, gọi nhau to tiếng trên đường phố hay ở những nơi công cộng. Nhiều học sinh Việt Nam lần đầu ra nước ngoài nên chưa biết những quy tắc này, vì vậy các thầy cô trong đoàn thường phải nhắc nhở.
PGS Khôi cũng thường lưu ý các em học sinh: “Ra nước ngoài, việc ăn uống ở những chỗ đông người cũng cần phải ý tứ, tế nhị. Đa số các bữa ăn đều là buffet, nên khi ăn các em học sinh chỉ nên lấy vừa phải, đủ ăn, tránh bỏ thừa, lãng phí. Ở các nước phương Tây, việc để thừa đồ ăn thể hiện sự thiếu văn hóa”.
Bên cạnh đó, PGS Khôi cũng nhận xét rằng đa số các em học sinh Việt Nam vốn rụt rè, giao tiếp kém hơn học sinh các nước khác. Vì vậy, trong các buổi liên hoan, các em thường đứng gọn vào một góc nhỏ, ít chịu giao lưu cùng bạn bè các nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình này đã được cải thiện khá nhiều. Để tránh tình trạng này, khi chuẩn bị lên đường, vị trưởng đoàn học sinh Việt Nam thường phải nhắc nhở các học sinh trong đội tuyển chuẩn bị các tiết mục văn nghệ và các món quà nhỏ để tặng các bạn học sinh nước ngoài.
Đến nơi, thầy trò phải cách ly hoàn toàn. Các em học sinh phải tự quản. Các em học sinh cũng thường phải mang một ít thuốc đề phòng các bệnh cảm sốt nhẹ.
“Trong hàng chục lần dẫn đoàn đi thi, chưa có sự cố nào đặc biệt xảy ra đối với sức khỏe của các thành viên trong đoàn”, thầy Khôi thông tin.
Đấu tranh đổi màu huy chương
Sau khi các em học sinh làm bài thi xong, bài làm sẽ được photo đưa cho ban giám khảo nước chủ nhà chấm và phát cho lãnh đạo các đoàn chấm để kiểm tra đối chiếu. Sau đó, có buổi thảo luận về điểm các bài thi giữa ban giám khảo và trưởng phó đoàn.
Phần lớn các bài thi được ban giám khảo chấm rất cẩn thận, tuy nhiên cũng có những lần, cách làm bài sáng tạo của học sinh khiến giám khảo có chút nhầm lẫn khi chấm.
Những lúc đó, trưởng phó đoàn phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho học sinh, giành lại cho học sinh số điểm xứng đáng với kết quả mà các em đạt được trong bài thi.
Cùng những chàng trai vàng Vật lý tại Indonesia năm 2013. |
Nhiều lần, qua việc trao đổi giữa lãnh đạo đoàn và giám khảo mà học sinh Việt Nam đã đổi màu huy chương.
Năm 2002, cuộc thi Vật lý Olympic Vật lý Quốc tế được tổ chức tại Bali (Indonesia). Khi đó cậu học sinh Việt Nam là Đặng Ngọc Dương đã đạt điểm khá cao và giành Huy chương Vàng. Tuy nhiên khi chấm lại bài làm của học sinh, thầy Đàm Trung Đồn, khi đó là trưởng đoàn, và thầy Khôi, khi đó là phó đoàn, nhận thấy rằng Dương đáng đạt điểm cao hơn thế.
Sau khi lãnh đạo đoàn trình bày cách làm sáng tạo của Dương ra trước hội đồng chấm thi của nước chủ nhà, em học sinh này đã được cộng thêm gần 4 điểm và trở thành thí sinh có điểm số cao nhất cuộc thi. Lúc đó, thành tích của Dương cao hơn thành tích của học sinh đạt Huy chương Vàng cao nhất của đoàn Trung Quốc tới 2 điểm.
Dương trở thành thí sinh Nhất tuyệt đối của cuộc thi, đồng thời còn được nhận thêm giải đặc biệt về bài thi thí nghiệm có điểm số cao nhất.
Năm 2005, cuộc thi được tổ chức ở Tây Ban Nha và một lần nữa thầy Khôi cùng các thành viên trong đoàn lại giúp cho học trò mang “vàng” về cho Tổ quốc.
Khi đó, cô học sinh Nguyễn Thị Phương Dung (Vĩnh Phúc) đủ điểm đạt Huy chương Bạc, theo kết quả chấm của giám khảo. Tuy nhiên, sau khi chấm bài làm của Dung, thầy Khôi nhận thấy bài làm của cô học sinh bị chấm thiếu.
Sau buổi thảo luận điểm, Phương Dung đã xuất sắc giành được Huy chương Vàng một cách xứng đáng.
Đến bây giờ, Phương Dung vẫn là nữ sinh duy nhất của Việt Nam giành Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế.
“Tôi vẫn còn nhớ lúc đó Phương Dung mặc áo dài Việt Nam trong lễ trao giải. Khi Dung bước lên nhận giải, cả hội trường đứng dậy vỗ tay rào rào rất lâu”, thầy Khôi xúc động nhớ lại.
Bên cạnh Đặng Ngọc Dương, Nguyễn Thị Phương Dung, “Cậu bé vàng” Ngô Phi Long là một trong những học sinh để lại nhiều ấn tượng với thầy Khôi. Theo nhận xét của thầy Khôi, Ngô Phi Long là học sinh có năng lực, tinh thần học tập tốt. “Khi lần đầu tham gia đội tuyển, lúc đó chuẩn bị đi tham gia Olympic Vật li Châu Á ở Ấn Độ, Long là học sinh có trình độ lý thuyết tương đối tốt. Trong khi đó, phần thực nghiệm chưa được tốt lắm. Tuy nhiên, Long đã quyết tâm rèn luyện, dành nhiều thời gian hơn cho việc học thực nghiệm. Qua các đợt huấn luyện đội tuyển, Long đã có những tiến bộ rõ rệt và đã thu được kết quả tốt trong các bài thi thí nghiệm” thầy Khôi chia sẻ.
Chính nhờ bản lĩnh và khả năng của mình nên Long thường xuyên được bầu làm lớp trưởng lớp huấn luyện đội tuyển Olympic Vật lý.
Vị trưởng đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Vật lý nhận xét: “Tôi rất quý những học sinh có tinh thần tự học như Ngô Phi Long”.
Trong 5 lần PGS.TSKH Nguyễn Thế Khôi cùng Ngô Phi Long tham dự các kỳ thi Olympic Vât lý Quốc tế, châu Á và Thế giới, chàng trai Vàng này đã 3 lần đạt Huy chương Vàng và 2 lần đạt Huy chương Bạc.