Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo dạy Văn thích đu dây, trèo tường

Vương Thành Trung, sinh năm 1975, là thí sinh đặc biệt của Sasuke. Bởi anh là người cao tuổi nhất vào chung kết bằng điểm số của mình, không phải bằng vé đặc cách.

Câu chuyện ngoài thể thao của thí sinh Vương Thành Trung cũng khá đặc biệt: Anh là giáo viên dạy Văn với thâm niên 19 năm ở trường THPT Minh Khai (Quốc Oai - Hà Nội).

Thích làm thầy giáo làng

Vương Thành Trung là sinh viên khoa Văn khóa 41, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Thành Trung là một trong những sinh viên nhiều tuổi nhất lớp khi đó. Anh đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Binh chủng Đặc công Quân khu Thủ đô, sau đó mới trở lại giảng đường.

Tôi hỏi: “Tại sao anh không thi đại học để tạm hoãn nghĩa vụ quân sự như không ít bạn trẻ vẫn lựa chọn?”. Câu trả lời nhanh chóng của anh khiến người nghe bất ngờ: “Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của đời trai”.

thay giao me the thao anh 1
Thầy giáo làng tự rèn thể lự.c ở quê nhà. Ảnh: Tiền Phong.

Cách đây 19 năm, Thành Trung là chàng trai có vẻ ngoài thư sinh, da trắng, tóc gợn sóng. Mới vào lớp, anh đã được bạn bè tín nhiệm bầu làm lớp trưởng lớp Văn. Suốt 4 năm học, anh không để lại điều tiếng gì.

Học hành không quá xuất sắc song vẫn đều đều vượt qua các môn và ôm tấm bằng cử nhân về thẳng quê nhà, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), chẳng lưu luyến gì đô thành. Không như đám bạn anh khi ấy loay loay tìm đủ mọi cách để bám trụ lại thủ đô.

Đến nay, Vương Thành Trung vẫn không hối hận với quyết định của mình, cho dù trong đám bạn học của anh ở lại thủ đô, có người đã thành tiến sĩ, phó giáo sư, thành lãnh đạo viện nọ, viện kia: “Tôi là người hướng nội, thích cuộc sống bình yên, không cạnh tranh”.

Vốn say mê thể thao từ bé, Vương Thành Trung chưa từng có ý định thi vào Đại học Thể dục Thể thao. Anh chọn khoa Văn học, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), vì muốn nối nghiệp cha mẹ: “Tôi thích làm thầy giáo làng như bố mẹ. Gia đình tôi có truyền thống dạy học và toàn dạy môn Văn”.

19 năm trong nghề, bao nhiêu thế hệ học sinh đã trưởng thành, Vương Thành Trung vẫn miệt mài chèo đò và luôn cho đó là công việc quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Nhiều người vẫn than phiền và ái ngại vì người trẻ hôm nay dần xa rời văn học để chạy theo những môn học có tính “thực tế” cao hơn, song thầy giáo làng khẳng định: “Các em rất yêu văn học. Học sinh luôn mong đến tiết của tôi”.

Bởi, không chỉ dạy kiến thức văn học, anh còn lồng vào bài học rèn luyện kỹ năng sống cho trò. Học sinh của thầy Trung thích thầy giảng tác phẩm “Chí phèo” của Nam Cao, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.

Khi nói về bi kịch của Chí, thầy đã liên hệ với cuộc sống của các em học sinh hôm nay: “Tôi muốn các em nhìn vào quá khứ để trân trọng hiện tại”, Vương Thành Trung nói.

Hay như khi dạy “Vợ chồng A Phủ”, anh nhấn mạnh nghị lực vượt qua nghịch cảnh của cặp đôi. Có lẽ nhờ vậy, 19 năm trong nghề, Vương Thành Trung chưa từng chứng kiến cảnh đau lòng nào của học trò do thiếu ý chí.

Mỗi khi xem thông tin không hay xảy ra trong xã hội , như chuyện người trẻ viết thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình vì gặp sự cố trong tình cảm, trong học tập… thầy giáo làng không khỏi rầu lòng và cảm thấy cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc “trồng người”.

thay giao me the thao anh 2
Thầy giáo Vương Thành Trung trên bục giảng. Ảnh: Tiền Phong.

Học trò của Vương Thành Trung rất yêu qúy và tin tưởng thầy giáo dạy Văn. Có những bạn gặp hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ chia tay nhau, chỉ sống trong sự đùm bọc của bà. Cuối cấp ba, trò bối rối không biết chọn hướng đi nào cho cuộc đời của mình. 2h sáng, trò nhắn tin hỏi thầy giáo. Thầy giáo cũng sẵn sàng thức dậy “chat” cùng trò, tư vấn nghề nghiệp giúp em.

Rèn luyện thể lực trong sự cổ vũ của trò

Dù cuộc sống bận rộn, thầy giáo dạy Văn luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe. Vương Thành Trung tự thấy mình “được” hai thứ: Sức khỏe và bản lĩnh.

Từ khi còn trẻ, anh đã có thức rèn luyện sức khỏe bằng tập luyện. Song 3 năm trở lại đây, anh rèn luyện một cách bài bản. Anh đã tham gia gameshow Sasuke trên VTV3. Nghe đồn đây là gameshow có giá trị giải thưởng “hoành tráng” nhất, nhì hiện nay.

Ngay từ buổi họp báo hồi tháng 4 năm 2015, VTV đã tiết lộ, đầu tư trường quay riêng tại Bình Dương với diện tích 20.000 m2, cùng hệ thống cơ sở vật chất lên tới 16 tỷ đồng. Người vô địch sẽ nhận giải thưởng 800 triệu đồng.

Vương Thành Trung cười: “Tôi không quan tâm đến giải thưởng, vì rất khó để đoạt giải. Tôi tham gia Sasuke vì tình yêu của mình với thể thao”.

Thầy giáo làng so sánh: Có một tấm vé vào Bình Dương khó hơn thi đại học. Theo Vương Thành Trung chia sẻ, Sasuke có sự tham gia của 127 người, trong đó có gần 30 thí sinh nước ngoài, một số thí sinh nữ và khách mời.

Thực tế cả nước chỉ có khoảng 60 thí sinh. Và Vương Thành Trụng đã giành được tấm vé vào chung kết ở Bình Dương, trở thành thí sinh cao tuổi nhất vào chung kết bằng điểm số của mình. Không như một số thí sinh cao tuổi vào bằng vé đặc cách.

thay giao me the thao anh 3
Thí sinh Vương Thành Trung (phải) với một thí sinh Sasuke nước ngoài. Ảnh: Tiền Phong.

Những thử thách ở Sasuke quá khó với hầu hết thí sinh: “Phải có mô hình tập và có kinh nghiệm mới qua được”, Thành Trung nói. Nhưng anh không có điều kiện để rèn luyện như người ta.

Thầy giáo làng rèn thể lực ngay trong trường hay bãi đất bên bờ ao. Học trò và bà con cổ vũ nồng nhiệt. Vừa rồi, VTV3 làm một đoạn phim ngắn giới thiệu về chân dung thí sinh Sasuke đặc biệt, thầy giáo dạy Văn có thâm niên 19 năm đam mê thể thao, học trò của anh tích cực tham gia “diễn” phụ thầy.

Khi xem clip trên trang cá nhân của Vương Thầy Trung, các học trò nhiều thế hệ trầm trồ, khích lệ Vương Thành Trung: “Em xin chúc mừng thầy giáo. Thầy giáo thật tuyệt”; “Văn võ song toàn rồi thầy ạ”, “Ước có sức khỏe như thầy giáo”…

Một học trò nữ không khen sức khỏe mà vô tư khen giọng nói của thầy trong clip: “Thầy nói nhẹ nhàng 'dã man'". Vào chung kết thi ở Bình Dương, anh thường xuyên có 3 đến 5 học trò đến cổ vũ và hỗ trợ: “Các em vào đó lập nghiệp, giờ thành đạt hơn thầy giáo nhiều”, Vương Thành Trung khoe.

Sau những màn trình diễn thể lực của Thành Trung trong Sasuke, nhiều người gợi ý, anh nên kiêm luôn giáo viên dạy môn thể chất. Nhưng Vương Thành Trung chỉ muốn làm giáo viên dạy Văn. Sau Sasuke, biết đâu thầy giáo trường làng nổi tiếng, lại nhận được nhiều lời mời từ các trường thành thị? Liệu thầy có về chốn phồn hoa, nếu có cơ hội? Tôi hỏi. Anh đáp quả quyết: “Tôi chỉ muốn làm thầy giáo làng”.

Người hy sinh tuổi thanh xuân vì trẻ em huyện nghèo nhất nước

Có những thầy cô chấp nhận ở vùng cao 10-20 năm, đi khắp các bản khó khăn nhất của Mường Lát, nhiều lần suýt bỏ mạng sống, chôn vùi cả tuổi thanh xuân, chỉ để gieo chữ cho trẻ nhỏ.



https://www.tienphong.vn/giao-duc/thay-giao-day-van-thich-du-day-treo-tuong-1453846.tpo

Theo Đào Nguyên / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm