“Ngoài đường, người ta tấp nập mua hoa tặng thầy cô, tôi thấy mà không thể ngăn nước mắt, thương con trai đang nằm một chỗ, tập tành những bước đi đầu tiên chẳng khác một đứa trẻ. Nó cũng là thầy giáo đấy chứ”, bà Võ Thị Liên (ở Buôn Yang Peh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) mở đầu câu chuyện.
Tai nạn bất ngờ của thầy giáo trẻ
Nỗi xót xa của bà Liên, bất cứ ai cũng cảm nhận được rõ rệt khi nhìn thấy cảnh hai mẹ con bà đang phải đơn độc sống cảnh coi viện là nhà. Tròn 10 năm, anh Đỗ Hoàng Bảo Quốc (con trai bà) sống trong bệnh viện, thay vì đứng trên bục giảng.
Bà Liên vẫn rơi nước mắt mỗi khi nói về con trai của mình. Ảnh: HQ. |
22 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Thể dục thể thao Trung ương 3 (Đà Nẵng), anh trở về Yang Reh dạy học. Ngôi trường nằm sâu trong bản, cách nhà 30 km, đường xá đi lại khó khăn nhưng thầy giáo trẻ vẫn giữ đam mê với nghề.
Vốn là một chàng trai khỏe mạnh, năng nổ, yêu thể thao từ nhỏ, Quốc nhanh chóng trở thành một thầy giáo rất năng động. Ngoài giờ lên lớp, anh hăng hái tham gia các hoạt động của huyện.
Sau đó, anh được được chuyển công tác về gần nhà. Trong một buổi tối được nhà trường phân công nhiệm vụ đi vận động học sinh đi học, anh Quốc gặp tai nạn, ngã bất tỉnh trên đường - nơi cách nhà chỉ 300 m.
Nhận tin dữ, bà Liên hốt hoảng chạy đến hiện trường vụ tai nạn nhưng không thấy ai ngoài con trai bà nằm bất tỉnh ở đó.
Anh Quốc được đưa vào bệnh viện tỉnh Đắk Lắk cấp cứu ngay sau đó. Theo các bác sĩ thì anh bị chấn thương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não nên phải tiến hành phẫu thuật để cứu lấy sự sống. Sau đó, anh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để chữa trị.
Từ một thầy giáo năng nổ, anh Quốc sống cảnh coi viện là nhà suốt 10 năm nay. Ảnh: HQ. |
Sau 20 ngày hôn mê bất tỉnh, trải qua 10 ca mổ não, anh Quốc tỉnh dậy nhưng mất hoàn toàn trí nhớ, não bị tổn thương nặng, hai chân bị liệt. Bà Liên xót xa khi người con trai vốn thông minh, khôi ngô, tương lai xán lạn của mình giờ đây chỉ nằm một chỗ trên giường với đôi mắt nhìn mọi thứ lơ đãng, không cảm xúc.
Lúc này, vợ chồng bà Liên chính thức ly dị. Người chồng vô tâm bỏ mặc đứa con đang mang trọng bệnh trong bệnh viện. Nhìn cảnh mẹ con côi cút, không một người thân, nhiều người ái ngại khuyên bà đem con trai về nhà để đỡ vất vả.
Nhưng thương con, bà Liên quyết tâm chữa đến cùng, không nỡ để người con đang là thầy giáo năng nổ trở thành một người vô dụng.
Bán cả gia tài chữa bệnh cho con
Rời Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Quốc được chuyển về Bệnh viện Y học Cổ truyền Đắk Lắk. Gần 4 năm hai mẹ con chung tay chữa bệnh nhưng sức khỏe anh Quốc vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Anh vẫn không thể đi lại. Sau đó, bà Liên được nhiều người mách nên quyết định đưa con ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chữa trị. Để có tiền đưa con ra Hà Nội bà Liên đã bán căn nhà duy nhất, rồi lần lượt là nương rẫy, xe máy, những đồ vật hàng ngày.
Cuối năm 2015, anh bắt đầu được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Đến nay, tròn 10 năm, hai mẹ con rời nhà đi chữa bệnh khắp từ nam ra bắc, từ chỗ có nhà cửa, giờ thành trắng tay.
Toàn bộ việc ăn uống, vệ sinh của anh Quốc, một tay bà Liên lo liệu. Anh mất hoàn toàn nhận thức, không nhớ ai và phải bắt đầu học lại từ đầu cách gọi tên những đồ vật xung quanh. Để khôi phục lại nhận thức cho anh đòi hỏi một quá trình gian nan và điều kiện kinh tế.
Thế nhưng, giờ điều cần thiết hơn cả là việc khôi phục lại khả năng di chuyển của anh. Bà Liên vốn bị cao huyết áp, biến chứng hở van tim. Mỗi sáng, bà phải uống thuốc hạ áp và trợ tim. Bỏ qua mọi ánh mắt ái ngại của mọi người, bà vẫn tin có một ngày, con trai bà bình phục.
Sau 2 năm điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, anh Quốc đã có thể bước đi những bước chân đầu tiên.
“Đúng lúc con cho tôi có hi vọng hồi phục, thì tôi lại hết toàn bộ tài sản. Chúng tôi không còn tiền để chữa trị. Thà như con không hồi phục, đằng này cháu đang bắt đầu tiến bộ. Là mẹ, mà không cùng con đi hết khả năng chữa trị, tôi bất lực”, bà Liên nói và không khỏi lo lắng tới những ngày tới đây, khi hết đợt điều trị của bảo hiểm y tế, hai mẹ con không biết ở đâu trong 15 ngày, trước khi bổ sung đủ giấy tờ cho đợt điều trị tiếp theo.
Bà Liên không còn họ hàng ngoại trừ người em sống sâu trong bản, hoàn cảnh khó khăn không thể cưu mang người chị. Chồng và gia đình chồng bỏ mặc mẹ con bà từ khi anh Quốc gặp nạn.
10 năm chống chọi cùng con, bà đã chứng minh niềm tin tuyệt vời của một người mẹ đối với một người con dường như không còn hi vọng.
“Mỗi tháng cả tiền thuốc men, ăn uống mẹ con tôi phải có hơn 10 triệu đồng. Tôi ước con mình có thể đi lại để sau này về già tôi có chết đi thì nó vào trung tâm bảo trợ xã hội còn có người nuôi. Chứ tôi sợ không ai nhận chăm sóc một người liệt”, bà Liên cho biết.
Dù vất vả, bà Liên vẫn cố gắng dìu con trai tập đi mỗi ngày. Ảnh: HQ. |
Tuy nhiên, sau nhiều năm nằm một chỗ khớp háng của anh Quốc hiện bị viêm. Vì vậy, khi anh tập đi chúng có biểu hiện đau nhức.
Các bác sĩ cho biết để có thể đi lại, anh Quốc phải thay khớp háng. Chi phí dự tính khoảng 60-90 triệu đồng. “Bây giờ, việc thay khớp háng là điều xa xỉ. Tôi chỉ mong tôi sẽ có tiền đóng viện phí để Quốc được ở đây thêm mấy tháng nữa, các bác sĩ tập luyện tay, chân để cháu cứng cáp hơn. Ước mơ trong suốt 10 năm của tôi sắp thành hiện thực, nhưng tôi lại đang bất lực vì không còn tiền”, bà Liên nói trong nước mắt.
Bà cũng bảo đã hết thuốc mà không dám mua vì mấy trăm nghìn bà để dành để lo tiền ăn cho hai mẹ con.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Bà: Võ Thị Liên, số điện thoại: 01686205243
Phòng 711, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội).
STK: 5220205031996, Ngân hàng Agribank chi nhánh Buôn Hồ, Đắc Lắc, chủ tài khoản Võ Thị Liên.