7h30 phút sáng, khi tiếng trống vào học vang lên, bốn nam sinh lớp 11A3, trường THPT Mê Linh (Hà Nội) cùng nhau khênh xe lăn của thầy Chu Quang Đức (32 tuổi) lên lớp thực hành tin học ở tầng hai. Bốn nam sinh giữ bốn góc của chiếc xe, bước cẩn thận lên từng bậc thang.
Đưa thầy Đức đến cửa phòng thực hành, em Nguyễn Huy Tuấn Anh chạy vù ra hành lang chơi đùa cùng các bạn. Tuấn Anh cho biết em đã giúp thầy Đức lên lớp gần 2 năm nay.
"Em rất thương thầy bị khuyết tật nên không thể đi lại trên đôi chân của mình. Vì vậy, em rất vui khi có thể góp phần thay thế đôi chân, giúp thầy lên lớp", nam sinh cười nói.
Người thầy đặc biệt
Thầy giáo cao chưa đầy 1,2 m, nặng 25 kg, trông bé nhỏ như học sinh tiểu học. Ngoài việc giúp thầy lên lớp, các em thay phiên nhau đẩy xe lăn của giáo viên này qua các phòng dọc hành lang khi có việc cần.
Trong lớp học, thầy Đức khẽ nhón đôi chân bị cứng khớp của mình, kéo từng bước để di chuyển xe lăn. Vì không thể đứng viết bảng như những giáo viên khác, thầy Đức sử dụng bảng vẽ điện tử để viết lên màn hình máy chiếu.
Thầy giáo này chịu di chứng nặng nề của chất độc da cam, khiến cơ thể không phát triển, tay, chân bị co cứng, không đi lại được. Dù vậy, người có nhiều năm gắn bó học trò luôn nỗ lực hết mình, chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ làm giáo viên ấp ủ từ thuở bé.
Trái ngược vóc dáng nhỏ bé, nam giáo viên có giọng nói to, cương quyết và nghiêm khắc. Người thầy chia sẻ ngoài những kiến thức của môn học, thầy thường trò chuyện với các em những vấn đề khác trong cuộc sống.
Hành trình khó khăn
Thầy Đức là con thứ ba trong gia đình sáu người con, tất cả đều chịu ảnh hưởng chất độc da cam di truyền từ bố từng là bộ đội.
Trong đó, hai em sinh sau thầy Đức mất từ khi còn bé, thầy là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số những anh chị em còn sống.
Ông Chu Quang Chiến – bố thầy Đức – chia sẻ trong chiến tranh, ông bị nhiễm chất độc hóa học mà không hay biết. Đến khi những đứa con ra đời mang dị tật hay chết yểu, ông đi xét nghiệm mới hay mình nhiễm chất độc da cam 81%.
Người cựu chiến binh kể khi sinh ra, con trai ông cũng lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng lên 2 tuổi, cơ thể có những biểu hiện bất thường như tay, chân co cứng, các khớp xương bị gồ lên. Về sau, đôi tay kém linh hoạt, chân không thể đi lại, phải phụ thuộc xe lăn.
Ông Chiến nhớ lại lên 10 tuổi, con trai ông mới học lớp 1. Khi đó, ông chỉ mong con biết đọc, viết. Không ngờ, cậu bé Đức ham học, nuôi dưỡng ước mơ làm thầy giáo.
Từ đó, người cha luôn đồng hành cùng con trên con đường thực hiện ước mơ. Ông Chiến chia sẻ mọi công việc trong gia đình đều do vợ gánh vác, còn ông tập trung chăm lo cho sinh hoạt và học hành của con trai.
Học sinh thường đưa thầy Đức vào lớp. Ảnh: Hoàng Như. |
Quãng thời gian con trai học đại học và cao học, ông Chiến cùng con thuê trọ ở gần ĐH Sư Phạm Hà Nội 2.
Hàng ngày, sau khi bạn bè đến đón con đến lớp, ông Chiến tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Khách đi xe của ông Chiến chủ yếu là những sinh viên quanh khu trọ của hai bố con.
Cùng theo sát con trai trên con đường học tập, người cựu chiến binh luôn tự hào về thành quả hôm nay. Ông cho rằng nếu không có bản lĩnh được tôi rèn của người lính, có lẽ ông không trụ lại được trước những khó khăn dồn dập của cuộc sống.
“Trong hành trình đi đến thành công hôm nay của con, vợ chồng tôi và các thành viên trong gia đình đã cùng góp sức, vượt qua chuỗi thời gian không ai tưởng tượng được. Nhưng điều quan trọng nhất chính nhờ nghị lực, ý chí và sự quyết tâm vượt lên chính mình của Đức”, ông Chiến tự hào nói
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Nam giáo viên tâm sự những khó khăn do bệnh tật chưa bao giờ khiến thầy lùi bước hay có ý nghĩ từ bỏ ước mơ.
“Trong cuộc sống, ai cũng gặp khó khăn, vấn đề là xử lý khó khăn đó như thế nào. Tôi coi mỗi khó khăn là một thử thách để có thêm động lực, nỗ lực đến gần hơn với con đường mình lựa chọn. Bây giờ, khi đã đạt được ước mơ làm thầy giáo, tôi mong mình có đủ sức khỏe để có thể trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, truyền đạt tốt hơn đến học sinh của mình”, thầy Đức bày tỏ.
Thầy Đức nhận quà 20/11 của các em học sinh. Ảnh: Hoàng Như. |
Người thầy cho biết thêm nơi mình đang giảng dạy cũng chính là trường từng học phổ thông. Vì vậy, đây như là mái nhà thứ hai, các thầy cô luôn chào đón người học trò cũ.
Mỗi ngày đến trường với thầy Đức là một ngày vui khi thầy giáo đặc biệt được học sinh yêu quý.
“Khi được gặp gỡ thầy cô, bạn bè, hòa nhập cuộc sống và dạy học, tôi quên đi mặc cảm hình thể. Tôi chỉ quan tâm trí óc của mình như thế nào, làm và cống hiến được gì cho tương lai”, nam giáo viên nói.
Bên cạnh đó, các thầy cô giáo trong trường cũng dành cho thầy Đức sự yêu mến, quý trọng.
Cô Nguyễn Thị Hằng – Phó hiệu trưởng trường THPT Mê Linh nói: “Tôi là giáo viên chủ nhiệm, cùng đồng hành với thầy Đức trong suốt ba năm phổ thông. Thầy là người có nghị lực, vượt qua mọi trở ngại về sức khỏe để theo đuổi ước mơ trên bục giảng".
> Chủ đề: Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 |