Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo quân hàm xanh dạy chữ tại 'Trường Sa cạn'

Từ bỏ cơ hội làm việc ở chốn phồn hoa, Giàng A Trú chọn về làm việc tại vùng khó khăn nhất với hy vọng giúp nâng cao hiểu biết của đồng bào vùng biên cương.

Nằm chót vót giữa muôn trùng núi của đại ngàn Tây Bắc, xã Tả Gia Khâu là một trong hai địa bàn nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Giáp ranh với Trung Quốc, người ở đây chủ yếu thuộc dân tộc Mông, Dáy, Phù Lá, Thu Lao và Nùng.

“Nơi xa nhất mà chúng tôi từng đến để vận động trẻ em đi học cách Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu 17 km. Đường ở đây đi lại khó khăn nên nhiều chỗ chúng tôi phải xuống xe dắt bộ”, thượng úy Giàng A Trú, Đội trưởng vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, nói.

Người đàn ông sinh năm 1987 cho biết người dân ở đây rất ngại gặp người lạ bởi họ hay “xấu hổ”. Do đó, bộ đội biên phòng phải tiếp cận dần dần và làm thân với bà con. Đôi khi, các anh phải đến cả chục lần mới thuyết phục được người dân đi học chữ.

“Người Mông hay nói ông hiểu tôi, tôi hiểu ông và sau đó là tình cảm”, thượng úy Giàng A Trú cho hay. Do đó, tất cả phải từ từ bồi đắp, chứ trước đó không nói câu gì, đồng bào sẽ từ chối.

thay giao mang quan ham xanh anh 1
Thượng úy Giàng A Trú chọn đến với những nơi khó khăn nhất của vùng cao. Ảnh: Kim Ngân.

Mọi bài học phải gắn liền người dân

Thực tế, làm công tác tuyên truyền với những đối tượng này đã khó, để người ta đồng ý học còn khó hơn. Bởi, nhiều bà con nghĩ học xong cũng không để làm gì.

“Một lần, tôi đang dạy thì có người đứng lên nói: ‘Thầy giáo, tôi xin về’. Khi tôi hỏi người đàn ông đó về nhà để làm gì thì anh ta trả lời ‘Về nhà để uống rượu’”, thượng úy Giàng A Trú kể.

Những lần như vậy, anh lại lấy những ví dụ vô cùng gần gũi với người dân để họ tiếp tục ngồi lại.

“Tôi hỏi họ: ‘Đã xuống thành phố Lào Cai chưa? Vào thị trấn Mường Khương chưa?’. Khi họ nói chưa, tôi bảo: ‘Đấy, cần phải học để đi tới những nơi không phải xã mình nhưng là huyện mình, thành phố mình thì không phải hỏi người ta chỉ đường. Mình tự biết'. Khi ấy, bà con mới gật gù”, thầy giáo mang quân hàm xanh thông tin.

Anh cho rằng muốn đồng bào dân tộc nghe, phải đưa ra những lợi ích trực tiếp liên quan đến họ. Nếu chỉ đặt ra những lợi ích xa vời, hiệu quả sẽ không như mong muốn.

Trong quá trình dạy học, tuy có trao đổi phương pháp sư phạm với các thầy cô trong vùng nhưng Giàng A Trú vẫn phải tự tìm tòi những phương pháp mới để dạy học cũng như chinh phục người dân. Anh cho biết đồng bào ở đây có xuất phát điểm thấp, nên những phương pháp giáo dục sẵn có không phù hợp.

Những lớp học xóa mù chữ của anh và đồng đội không duy trì được 100% sĩ số nhưng cũng được 70%. Lúc đông nhất, khoảng 90% bà con mà các anh vận động đã đến lớp. Ngoài những lúc tới các điểm trường dạy bà con, các anh còn tới thăm hỏi, đôi lúc tặng quà để tăng quan hệ quân - dân.

thay giao mang quan ham xanh anh 2
Thượng úy Giàng A Trú và hai anh em Ma Seo Khoa, Ma Seo Xuyên. Ảnh: Kim Ngân.

Hành trình đưa trẻ đến trường

Bên cạnh việc mở lớp giúp người dân nơi đây xóa mù chữ, thượng úy Giàng A Trú cũng cùng các đồng chí tại đồn biên phòng tham gia chương trình "Nâng bước em đến trường". 

Sau khi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhiều trường trên địa bàn, các anh đã chọn ra 19 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng thiết tha được đến trường học cái chữ.

Hai trong số đó được Đồn Biên Phòng Tả Gia Khâu mang về nuôi. Đó là hai anh em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên. Anh trai Ma Seo Khoa khi ấy có thể nói một chút tiếng phổ thông (tiếng Kinh) trong khi em trai Ma Seo Xuyên chỉ có thể nói tiếng Mông.

Để tiếp cận với hai anh em cũng như khuyên chúng về ở với các chú bộ đội, thượng úy Giàng A Trú đã nhận là cậu và dùng tiếng dân tộc để làm thân. Anh kể lần đầu tới nhà vận động các cháu, chúng lắc đầu và nói: "Tôi không đi đâu, tôi chỉ ở nhà với mẹ thôi".

Nguyễn Hải Quân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, nhận xét trong công việc, thượng úy Giàng A Trú là cán bộ gương mẫu, có trách nghiệm cũng như rất năng nổ trong công tác dân vận. "Với đồng đội, đồng chí ấy sống rất tình cảm", anh nói.

Sau nhiều lần đến nhà làm thân, cuối cùng, hai cháu cũng đồng ý xa gia đình và bản làng để đến sống cùng các chú bộ đội. Đồn chỉ cách trường của hai em khoảng 0,5 km. Hàng ngày, các chiến sĩ thay nhau đưa các bé đến trường.

Đôi lúc, hai anh em cũng khóc vì nhớ mẹ. Lúc đó, Giàng A Trú đều an ủi và hứa sẽ đưa các em về thăm nhà vào cuối tuần.

Hơn nữa, để giúp những đứa trẻ có thể sớm hòa nhập với cuộc sống mới, thầy giáo mang quân hàm xanh thường dùng tiếng dân tộc để dạy các em học. Sau hơn một năm, hai anh em đã có những chuyển biến tích cực và gần gũi với các chú bộ đội như người thân trong nhà.

Ngoài ra, trong năm học này, các chiến sĩ thuộc Đồn biên phòng Tả Gia Khâu cũng vui mừng khi lần đầu tiên một nữ sinh thuộc diện được đồn hỗ trợ đã thi đỗ vào trường nội trú. 

Muốn gắn bó với người dân vùng cao

Sau 3 năm công tác tại Xi Ma Cai, cách đây 2 năm, anh về làm việc tại Tả Gia Khâu. Bình thường, nơi đây rất thanh bình với tiếng họa mi véo von vào mỗi sớm ban mai, 4 bên là núi rừng hùng vĩ.

Nhà cách đồn 30 km nên thượng úy Giàng A Trú cũng ít có cơ hội về thăm gia đình. Anh tâm sự trước đây, thỉnh thoảng, vợ anh giận dỗi nói: “Anh à, em về thì các con bàn giao cho ông bà nội nhé. Em đi rồi”. Tuy nhiên, sau đó, người vợ đã thông cảm và hết sức ủng hộ chồng.

Khi nói về những lựa chọn, người đàn ông chia sẻ năm 2012, anh tốt nghiệp Đại học Biên phòng với tấm bằng giỏi. Tuy có cơ hội được cử tới những nơi phồn hoa nhưng anh lại chọn về nơi vùng cao, thậm chí là nơi khó khăn nhất để công tác.

Giàng A Trú cho rằng khi công tác tại đây, anh có lợi thế lớn bởi cũng là người dân tộc. Do đó, anh có thể dễ dàng thân thiết với bà con, giúp bà con hiểu về cán bộ biên phòng, hiểu về biên giới cũng như chính quyền.

Năm 2017, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" nhằm tuyên dương gương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường cũng như xóa mù chữ ở vùng biên giới và hải đảo. Thượng úy Giàng A Trú là một trong 5 chiến sĩ được tuyên dương tại tỉnh Lào Cai. 

Sau hai năm thực hiện (năm 2015 và 2016), chương trình đã vinh danh 106 giáo viên công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo và các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo.

Nữ sinh vùng cao suýt bị chôn sống muốn học nấu ăn

Nhà nghèo, cha nhiễm chất độc màu da cam, mẹ mất khi mới chào đời, Phương Anh từng suýt bị họ hàng cho vào quan tài chôn sống.

Giáo viên kêu cứu vì phải đi dạy quá xa

Cho rằng bị đối xử bất công vì phải công tác tại điểm trường xa, bị động thai trong quá trình di chuyển, một giáo viên ở Quảng Nam kêu cứu.


Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm