Chữ viết của thầy Zhang được đánh giá là hoàn hảo, đạt đến chuẩn mực của thư pháp truyền thống. Ảnh: Toutiao. |
Khi đăng tải các video viết chữ Hán lên mạng, thầy giáo Zhang Shifeng ở miền Trung, Trung Quốc, đã thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi trên mạng. Ông hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, theo South China Morning Post.
Thầy Zhang là giáo viên dạy nghệ thuật và thư pháp ở tỉnh Hà Nam. Ông còn được gọi với biệt danh là "máy in sống" vì nét chữ Hán hoàn hảo. Tài năng này của thầy Zhang gây chú ý vì nó ngày càng hiếm hoi ở xã hội Trung Quốc hiện đại. Xã hội chủ yếu giao tiếp bằng kỹ thuật số và việc luyện chữ viết tay là không cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày.
Thầy Zhang, 45 tuổi, hiện có 450.000 người theo dõi và hàng triệu lượt thích trên Douyin. Các video của ông xoay quanh kỹ thuật viết Hán tự và cách viết chữ Hán. Ông chủ yếu sử dụng phấn, bảng đen và thường chọn viết các câu tục ngữ, bài thơ của Trung Quốc.
“Bất cứ khi nào tôi viết trên bảng đen, bọn trẻ đều nhìn rõ từng nét chữ đẹp, chuẩn mực. Chúng rất quan tâm, nhất là khi tôi viết bằng phông chữ như máy in hiện nay. Các em thường gọi tôi là 'giáo viên máy in' đang đến", thầy Zhang nói trong một video.
Thầy Zhang Shifeng trong một video dạy viết chữ. Ảnh: Toutiao. |
Người thầy 45 tuổi quan tâm đến thư pháp từ khi còn nhỏ và ông cố gắng truyền dạy cho học sinh hiểu được sức hấp dẫn của chữ viết Trung Quốc qua các công việc hàng ngày.
Theo 163, từ khi còn nhỏ, thầy Zhang đặc biệt thích đọc các sách về nhân vật phản diện. Năm lên 7, 8 tuổi, ông đã viết được những bức thư pháp cơ bản theo chiều ngang, chiều dọc. Thời đại học, ông theo học chuyên ngành nghệ thuật và thủ công. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên mỹ thuật.
Đến năm 2014, vị thầy giáo mới bắt đầu học thư pháp một cách bài bản, sao chép các bản khắc cổ điển với sự tập trung cao độ và học hỏi từ các bậc thầy nổi tiếng ở khắp nơi.
“Tôi hy vọng những bài viết trên bảng đen sẽ ảnh hưởng một cách tinh tế đến học sinh. Các em có thể cảm nhận được vẻ đẹp của chữ Hán và nét đẹp của văn hóa Trung Quốc. Thông qua thư pháp, chúng ta có thể tìm thấy sự bình yên, cách tốt nhất để giao tiếp với bản thân. Điều đó rất có ý nghĩa với học sinh bởi chỉ cần cẩn thận, chính xác, kiên nhẫn, các em mới có thể làm tốt", thầy Zhang nói.
Học chuyên ngành nghệ thuật ở đại học, thầy Zhang bắt đầu luyện chữ viết tay khi trở thành giáo viên cách đây 10 năm. Ông hy vọng kỹ năng này sẽ giúp các lớp học của mình trở nên hấp dẫn hơn.
Theo 163, thầy Zhang không chỉ là thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu Thư pháp Trung Quốc, ông còn là giảng viên đào tạo cấp quốc gia của Hiệp hội Thư pháp Trung Quốc, kiêm nhà thư pháp và họa sĩ xuất sắc của Học viện Hội họa Trung Nam (thuộc Hiệp hội Câu đối Trung Quốc).
Bên cạnh đó, người thầy 45 tuổi cũng là nhà thiết kế phông chữ do Người sáng lập Đại học Bắc Kinh và Hanyi của Trung Quốc cấp bằng. Các tác phẩm thư pháp của ông đoạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia. Năm 2020, phương pháp thực hành thư pháp "Zhongyuange" do thầy Zhang Shifeng phát triển cũng đã giành được bằng sáng chế quốc gia.
Năm 2014 thầy Zhang mới bắt đầu học viết thư pháp bài bản nhưng nhanh chóng trở thành bậc thầy trong bộ môn này. Ảnh: Toutiao. |
Một học sinh của ông chia sẻ với CCTV: “Em từng nghĩ rằng thư pháp chỉ là chữ viết tay. Nhưng giờ em thấy chữ Hán khá đẹp”.
Thư pháp Trung Quốc được chú trọng dạy ở các trường tiểu học và trung học trong những năm gần đây, nhưng học sinh đại học, thậm chí cả người lớn đã quên các nguyên tắc viết tay là điều phổ biến.
Theo tạp chí Charming China, khoảng 98% trong số 1.500 sinh viên đại học được khảo sát năm 2021 ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết họ đã quên mất cách cầm bút viết Hán tự ở mức độ nào đó.