Về phường Điện Phương (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), hỏi vợ chồng nhà giáo Nguyễn Văn Lại (63 tuổi) và cô Võ Thị Yến (59 tuổi), từ già đến trẻ ai cũng biết và quý mến.
Dù đã về hưu, bằng lòng yêu nghề, 2 năm nay, vợ chồng thầy Lại đã mở lớp học miễn phí, tiếp thêm tinh thần hiếu học cho biết bao lớp trẻ ở vùng quê còn nghèo khó này.
Thầy Lại vốn dạy môn Văn tại trường THCS Lý Tự Trọng, còn cô Yến là giáo viên của trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ. Đầu năm 2023, vợ chồng thầy Lại cùng rời bục giảng sau gần 40 năm đứng lớp.
“Về hưu nhưng nhớ nghề, thấy nhiều học sinh trong làng có hoàn cảnh khó khăn, sức học còn yếu nên tôi nghĩ mình cần làm gì đó. Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định mở lớp dạy thêm miễn phí để giúp tụi nhỏ có thể bắt kịp kiến thức ở trường”, thầy Lại bộc bạch.
Trường mẫu giáo bỏ hoang được vợ chồng thầy giáo “biến” thành lớp học tình thương. |
Rất thuận lợi là ý tưởng này được lãnh đạo phường Điện Phương và người dân trong làng nhiệt tình ủng hộ. Thế là ngôi trường mẫu giáo bỏ hoang hơn 10 năm đã nhanh chóng được người dân và các nhà hảo tâm chung tay dọn dẹp, sửa chữa để sẵn sàng đón học sinh đến lớp.
Tháng 10/2023, lớp học tình thương chính thức mở cửa với 90 học sinh, được phân thành 5 lớp (1, 2, 3 và 8, 9). Học sinh của lớp đều là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi… tại địa phương.
Lớp học miễn phí đã duy trì 2 năm nay. |
Các cháu nhỏ rất hào hứng vào tiết học của cô Yến. |
“Vợ dạy lớp 1, 2, 3, còn tôi dạy môn Văn lớp 8, 9. Lớp mở cửa mỗi tuần 6 buổi, từ 9h đến 22h, tùy theo lịch học ở trường”, thầy Lại kể.
Kể từ khi có lớp học này, các em nhỏ ở đây tiến bộ rõ rệt. Không chỉ học chữ, các em còn được dạy những điều hay lẽ phải. Vợ chồng thầy Lại cũng thường xuyên trích tiền lương hưu mua phần thưởng để khích lệ học trò.
Nhiều em nhỏ được cô Yến tận tình dạy bảo. |
Thấy việc làm ý nghĩa, nhiều bạn bè, học trò cũ của thầy Lại, cô Yến cũng thay nhau tặng tivi, máy lọc nước và nhiều đồ dùng học tập, giúp lớp học ngày càng tiện nghi hơn.
“Học trò nào đến lớp mà không có bút vở thì sẽ được phát miễn phí. Tôi thương các em như con cháu của mình vậy. Vợ chồng tôi lớn tuổi nên nhu cầu chi tiêu cũng chẳng cần nhiều, mỗi ngày thấy các em tiến bộ là mãn nguyện rồi”, cô Yến trải lòng.
Tại lớp học có kệ để sẵn sách, bảng con, bút,… cho học trò sử dụng miễn phí. |
Đặc biệt, năm nay, đồng hành cùng vợ chồng thầy Lại còn có thầy Bùi Nguyễn Xuân Tuấn (27 tuổi), giáo viên trường THCS Lý Tự Trọng và cô Nguyễn Thị Thu Thảo (31 tuổi), giáo viên trường THCS Đinh Châu.
“Thầy Tuấn phụ đạo môn Toán cho lớp 8 và 9, còn cô Thảo phụ trách dạy lớp 2”, thầy Lại chia sẻ.
Dù bản thân đang là giáo viên hợp đồng, chồng làm công nhân, con nhỏ mới 3 tuổi phải gửi cho ông bà chăm, nhưng vì thương lũ trẻ nghèo nơi đây, cô Thảo tự nguyện xin đứng lớp 2 buổi mỗi tuần.
Cô Thảo tận tình chỉ bài cho học sinh. |
“Bận bịu thế nào thì tôi vẫn cố gắng sắp xếp để đến lớp đúng giờ. Vì các em ở đây vốn đã phải chịu thua thiệt rồi, nếu mình không giúp thì sợ các em sẽ không theo kịp bạn bè, tội nghiệp lắm”, cô Thảo trải lòng.
Dù dạy học không lương, các thầy cô đều rất nhiệt huyết. Bất kể mưa nắng, họ vẫn đến lớp đúng giờ và chưa bỏ một tiết nào. Vì hết lòng, tận tâm với học trò nghèo nên thầy Lại, cô Yến, thầy Tuấn, cô Thảo rất được học sinh quý mến.
Em Mai Phương Linh, 14 tuổi, mồ côi cha lúc 1 tuổi, một mình mẹ làm công nhân nuôi em ăn học nên gia đình rất khó khăn. |
“Đây là năm thứ 2 em được học tại lớp tình thương này. Các thầy cô giảng bài rất dễ hiểu, nhờ vậy mà môn Toán và Văn của em tiến bộ rõ rệt. Em còn thường xuyên được tặng sách, vở nữa. Em rất biết ơn vợ chồng thầy Lại, cô Yến”, em Phương Linh, một học sinh trong lớp, nói.
Bà Dương Thị Hồng (70 tuổi) vui mừng vì dù đến lớp chưa lâu nhưng cháu nội đã viết chữ thẳng lối, rõ ràng. |
Chia sẻ về dự định tương lai, thầy Lại hi vọng sẽ có thêm các giáo viên môn Tiếng Anh, Lý, Hoá,… sẽ đồng hành cùng lớp học. Tiếp lời chồng, cô Yến nói chắc nịch: “Chúng tôi sẽ duy trì lớp học cho đến khi nào không còn sức khoẻ nữa mới thôi!”.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.