Thầy giáo vụ ép nữ sinh chuyển trường vì mặc nhầm quần nói gì?
Hiệu trưởng trường chuyên Lê Quý Đôn cho rằng việc đề nghị gia đình chuyển trường cho Th vì không muốn em bị ghi hạnh kiểm yếu trong học bạ như quy định của Bộ GD-ĐT.
Buổi làm việc giữa gia đình em Th., Ban giám hiệu trường chuyên Lê Quý Đôn và lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa hôm 1/8. |
Chiều 2/8, ông Trương Văn Điềm – Hiệu trưởng trường chuyên Lê Quý Đôn (TP.Nha Trang) đã trả lời phỏng vấn xung quanh sự việc em T.T.N.Th (nguyên là học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) phải rời trường về học ở trường huyện chỉ vì mặc nhầm quần đồng phục của bạn cùng nội trú.
Ông Điềm cho biết: "Trong bản tường trình do em Th. tự viết, em có nói là ăn ở luộm thuộm, cư xử bạn bè không tốt, có hành vi sai. Khi đưa ra hội đồng, chúng tôi đã cân nhắc và tôi quyết định là kiểm điểm trước lớp, trước trường vì em Th. có “hành vi sai”.
Sau khi cô Nhã - Hiệu phó Phụ trách nội trú, nhận được phản ánh của học sinh rằng em Th. lấy quần của bạn, cô đã mời em ra làm việc, lôi trong vali em Th. có một quần của em Vân và một quần của em khác.
Sau đó, cô Nhã có tiếp xúc với phụ huynh, rồi trường họp để xem xét mức độ. Chúng tôi phân tích, nhẹ nhàng thôi. Thấy mấy cháu hay xì xào ở lớp, ảnh hưởng tâm lý cháu Th.. Chúng tôi họp nói nhẹ nhàng đồng viên cho cháu chuyển trường. Học đâu cũng được nhưng tạo môi trường tâm lý thoái mái tốt hơn. Hơn nữa, về nhà có bố mẹ chăm sóc vỗ về hay hơn chứ. Nội trú cả trăm học sinh sao bằng ở nhà bố mẹ được, tôi phấn tích như vậy. Phụ huynh làm đơn chuyển trường, chúng tôi không phải ghi hạnh kiểm Yếu trong học bạ của cháu Th."
- Trong trường hợp em Th., tại sao cầm nhầm quần mà bị xếp hạnh kiểm yếu, thưa thầy?
- Theo quy chế nhà trường, học sinh đã bị kỷ luật, kiểm điểm trước lớp, trước trường thì bị xếp hạnh kiểm Yếu. Nội quy của khu nội trú là không được dùng đồ của bạn nếu không được bạn cho phép.
Theo quy chế của Bộ Giáo dục về trường chuyên thì nếu hạnh kiểm yếu, học sinh phải chuyển trường. Nếu vậy thì tội cho cháu. Tôi lường trước như vậy…
- Ông có thể cho xem bản quy chế về xếp loại hạnh kiểm học sinh của nhà trường không?
- Đây là thống nhất chung, thỏa thuận… (ông Điềm trả lời sau một hồi suy nghĩ)
- Tức là nhà trường không ban hành văn bản quy chế?
- Cái này để tôi xem lại, giờ không nhớ ra. Nhưng những trường hợp này đã từng xảy ra từ trước và đã thành như quy tắc xử lý như vậy.
- Gia đình có phản ánh trong suốt quá trình tìm hiểu sự việc, cô hiệu phó liên tục gọi em Th. lên hỏi cả trong giờ học, thậm chí có lần gọi hỏi tới 19h không cho nghỉ để ăn tối. Em Th. là vị thành niên, việc xét hỏi em khi không có người dám hộ là sai. Ông nói sao về sự phản ánh này của gia đình em Th.?
- Sáng nay, khi Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa đến làm việc, tôi đã gọi cô Thu (hiệu phó quản lý học sinh) lên hỏi về phản ánh này. Cô Thu nói chỉ gọi em Th. ra hỏi trong giờ học 1-2 lần, mỗi lần khoảng 1-2 tiếng. Còn cô Nhã cũng 1-2 lần gọi em Th., yêu cầu em viết tường trình, chứ không có ép buộc gì hết.
- Ông có trực tiếp gặp em Th. không?
- Chủ yếu là 2 người làm việc (2 hiệu phó). Còn tôi nghe các thầy cô báo cáo lại.
- Trường là môi trường giáo dục. Như vậy, việc giáo - dạy học sinh là nhiệm vụ hàng đầu. Học sinh là con trẻ dù có sai thì nhiệm vụ của người lớn và ngành giáo dục là phải dạy dỗ, điều chỉnh hành vi, chứ không phải các em lỡ mắc lỗi gì thì làm cho ra tội rồi xếp hạnh kiểm yếu buộc phải chuyển trường. Ông có nghĩ như vậy không?
- Trước đây ở trường cũng có học sinh như vậy, xếp theo quy chế. Nhưng lúc đó theo quy chế cũ của Bộ, trường hợp này được ở lại rèn luyện trong trường, nếu tiến bộ thì xóa hạnh kiểm yếu. Ở trường cũng đã có trường hợp được xóa hạnh kiểm. Nhưng theo quy chế mới thì không được, chúng tôi không muốn trong học bạ của em Th. có hạnh kiểm yếu như vậy.
- Giả sử nếu được xử lý lại vụ việc ông sẽ xử lý như thế nào?
- Tôi sẽ lấy ý kiến cả hội đồng sư phạm. Các trường hợp trước đều đưa ra hội đồng sư phạm xét nhưng trường hợp này không đưa ra hội đồng là không công bằng. Phải đưa ra hội đồng để đảm bảo có ý kiến của tất cả thầy cô.
Nhưng lúc tôi phân tích, phụ huynh đã đồng ý cho em chuyển trường với lý do sức khỏe yếu. Tôi thấy quy chế của Bộ về trường chuyên quá khắt khe từ khâu tuyển sinh đến khâu bản lý học sinh, tôi đã gửi kiến nghị ra Bộ.
Hôm qua nghe thông tin em Th. có kết quả học sinh giỏi, có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi của trường mới. Tôi rất mừng, nếu em tham gia thi đội tuyển Hóa được thì em là học sinh có nghị lực quá tốt, quá mừng, em đã vượt qua được khó khăn.
- Nếu em Th. muốn quay lại trường chuyên, ông nghĩ sao?
- Nếu Sở cho phép, tôi đồng ý nhận, lâu nay riêng chuyện chuyển tới trường chuyên là phải có ý kiến của Sở.
- Được biết vụ việc này do cô chủ nhiệm của em Th. báo lên Sở. Ngoài ra cô cũng có đơn khiếu nại về nhiều điều, trong đó có việc liên tục bị thanh tra đột xuất giữa giờ dạy mà không được báo trước như quy định?
- Sáng nay, tôi có làm việc với Sở và nhận được quyết định thanh tra của Sở xác minh khiếu nại của cô Thủy (giáo viên chủ nhiệm của em Th.) về việc bị “đối xử thiếu tôn trọng, không công bằng trong giảng dạy”. Riêng chuyện này, tôi chưa trả lời báo chí, chờ kết luận thanh tra.
- Cô Thủy đã từng viết lên mạng xã hội về những chuyện có liên quan đến ông?
- Chuyện này không phải tôi ngại không trả lời nhưng sau này có kết luận của thanh tra Sở, tôi sẽ trả lời. Sau khi có thông tin trên mạng, nhà trường có họp hội đồng sư phạm, có lập biên bản, trong đó các thầy cô được phát biểu thoải mái…
- Vậy ông có muốn công khai biên bản làm việc không?
- Tôi muốn, nhưng nếu công khai thì cần phải xin phép Sở Giáo dục đào tạo đã.
Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường trung học phố thông chuyên ban hành kèm theo thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT: Điều 26. Chuyển học sinh ra khỏi lớp chuyên. Hàng năm, sau mỗi học kỳ trường chuyên tổ chức sàng lọc học sinh chuyên lớp 10, lớp 11 và chuyển sang trường THPT không chuyên hoặc lớp không chuyên của trường những học sinh thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Phải lưu ban. 2. Xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở xuống. |
Theo Dân Việt