- Thường xuyên tiếp xúc với phụ huynh, học trò, thầy thấy mọi người năm nay chuẩn bị đón Tết thế nào?
- Mọi năm không sao, nhưng năm nay tôi thấy mọi người chú trọng nhiều hơn đến việc giải quyết những nỗi lo kinh tế, áp lực ngày Tết mà xao lãng những giá trị thực sự của ngày Tết.
Tết mang theo bao nhiều là niềm vui mà dường như ai cũng chỉ chăm chăm nhìn vào những áp lực mà Tết mang lại. Nhân viên kinh doanh lo biếu xén cho khách hàng, đối tác; người kinh doanh phải lo tiền trả nợ, rồi lương thưởng cho nhân viên ra sao; công nhân xem với đồng lương thưởng ít ỏi thì vé xe, quà cáp thế nào… Rồi tất cả phải lo mua sắm nhiều thứ cho bằng bạn bằng bè, trang trí nhà cửa, tiền lì xì cho các cháu. Nói chung, Tết đến người ta trầm tư, lo nghĩ hơn nhiều, còn đâu cái không khí hào hứng, nô nức đón Tết từng ngày.
Thầy Khắc Hiếu. |
- Gần đây, các bạn trẻ bàn tán khá nhiều về "Quà Tết" - một clip nói về sự sum họp, đoàn tụ khi mùa xuân về. Thầy có xem clip này?
- Đây có thể xem là đoạn phim ngắn rất ý nghĩa mùa Tết này vì đánh đúng tâm lý của mọi người. Dù bộ phim chọn áp lực quà Tết để thể hiện qua câu chuyện của chị Mai nhưng qua đó, mọi người có cái nhìn rộng hơn về những niềm lo lắng, những sức ép đang làm rối bời tâm trí của mọi người khiến họ quên đi ý nghĩa thực sự của ngày Tết. Chính vì thế, Mai chọn cách không ăn Tết, nói dối gia đình chỉ vì không có tiền nên không mua sắm, chẳng có quà cáp, tâm trạng gì về quê. Những lời khuyên của người cha trong thư không chỉ thức tỉnh Mai mà còn tất cả những ai xem clip. Bỏ những nỗi lo, áp lực đang xao nhãng Tết sang một bên thì Tết mới vui được.
Đối nghịch với cảnh u sầu đoạn đầu phim, sau khi biết đâu là món quà ý nghĩa thực sự của ngày Tết, chị Mai đã rạng rỡ, hạnh phúc hơn nhiều lần ở đoạn kết thúc phim. Cảnh sum vầy gia đình chắc hẳn sẽ cho chị Mai cái Tết ý nghĩa nhất.
Bức thư của ba đã giúp Mai xua tan đi những nỗi lo mà hướng về giá trị thực của ngày Tết. |
- Năm nay thầy ăn Tết thế nào?
- Đây có lẽ là câu hỏi tôi gặp nhiều trong thời gian gần đây. Năm nay, nhà tôi có bà con phương xa về đoàn tụ nên chắc sẽ vui và ăn Tết lớn.
- Thầy có thể chia sẻ một vài kỷ niệm của mình về ngày Tết?
- Tôi vẫn còn nhớ mãi cái Tết cách đây gần 10 năm, đó là lần tôi tính không ăn Tết cũng không về quê, ở lại làm thêm vì lo nghĩ qua Tết sẽ không có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, vé xe cũng quá đắt. Tết cũng là dịp kiếm được nhiều tiền hơn. Bị bố “quạt” cho một trận tôi mới tìm cách xin đi ké một người bạn về.
Về tay không cũng ngại, tôi gom góp đủ tiền mua vài cân đậu và nếp làm quà. Đi dọc đường, chiếc bì bị rách, đậu lẫn nếp rơi cả xuống đường. Tôi cuống quýt không biết làm sao. Về đến nhà mấy cân đậu, nếp lẫn lộn sạn đất. Mặt tôi méo xẹo lo cả nhà trách cứ. Nhưng cả nhà thì dường như chẳng để ý đến điều đó. Mọi người vây lấy tôi hỏi han đủ chuyện. Ba má tôi hết nắm tay nắm chân con như thể tôi vừa bị ngã xuống đường chứ chẳng phải mấy cân đậu, nếp. Anh chị tôi thì hân hoan chuẩn bị nấu bánh vì ba má đã gói xong chỉ chờ tôi về nhà là thổi lửa. Lúc này tôi nhận ra ý nghĩa thực sự của Tết. Cảm giác đầm ấm mới là cốt lõi của ngày Tết chứ không phải là những nỗi lo hay áp lực về tài chính. Từ đó, tôi luôn thấy háo hức để về nhà mỗi khi Tết đến. Gia đình luôn dõi theo động viên tôi trong những lúc mệt mỏi mưu sinh nơi đất khách quê người.
Theo thầy Khắc Hiếu, Tết là phải sum vầy bên gia đình, là dịp đoàn tụ với nhau. |
- Muốn Tết hạnh phúc, trước hết phải xua đi những nỗi lo kinh tế đang phân tâm, xao lãng bạn tận hưởng niềm vui ngày Tết. Tết là phải sum vầy bên gia đình, là dịp đoàn tụ với nhau như ý nghĩa vốn có bao đời nay của nó.