Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thay toàn bộ xương, giữ cánh tay cho chàng trai 18 tuổi

Các bác sĩ của Vinmec sử dụng kết hợp vật liệu hợp kim titan và PEEK, dựa trên công nghệ in 3D để phẫu thuật phục hồi thành công cánh tay cho một bệnh nhân ung thư xương.

Bệnh nhân V.T.Đ. (18 tuổi, Hà Nội) đau cánh tay phải khi đang học lớp 12, đúng thời điểm cần tập trung ôn thi tốt nghiệp. Cơn đau dai dẳng khiến Đ. mất ngủ nhiều đêm. Em đã đi khám ở một số cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra bệnh.

Khi cánh tay sưng lên, em đến khám chuyên khoa về u xương và được chẩn đoán là bệnh ung thư xương hiếm gặp. Sau một thời gian tìm kiếm nhiều nơi, được khuyên cắt bỏ cánh tay để điều trị triệt để, nhưng Đ. vẫn tin có “phép màu” nào đó sẽ giữ lại cánh tay của mình. May mắn đến với em khi gặp gỡ nhóm chuyên gia của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (CTCH&YHTT) Vinmec.

Hành trình giữ lại cánh tay

GS.TS.BS Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm - cho biết đây là trường hợp tổn thương ung thư xương cánh tay hiếm gặp. “Khối u đã xâm lấn rộng toàn bộ ống tủy và phần mềm xung quanh, không còn khả năng cắt và bảo tồn một phần xương được nữa, nên chúng tôi phải đưa ra một quyết định táo bạo là thực hiện phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ xương cánh tay và khối u, đồng thời thay thế toàn bộ xương cánh tay bằng vật liệu nhân tạo dạng kết hợp, để khắc phục nhược điểm của vật liệu kim loại” - GS Dũng chia sẻ.

Nhóm phẫu thuật đã lên kế hoạch sử dụng các công nghệ trong tái tạo xương hiện đại, gồm tái tạo lại cấu trúc khớp vai, cấu trúc khớp khuỷu bằng vật liệu hợp kim titan. Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ của trung tâm đã có quyết định định táo bạo: Không sử dụng hoàn toàn vật liệu kim loại mà chế tạo phần thân xương cánh tay công nghệ in 3D vật liệu polyme sinh học (PEEK).

Vật liệu này do phòng nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D của Đại học VinUni sản xuất, giúp kết nối phần khớp vai và khớp khuỷu với nhau, đồng thời phục hồi lại điểm bám của các gân cơ quanh cánh tay. Đây được coi là một quyết định đầy sáng tạo, dựa trên những nghiên cứu và thử nghiệm chuyên sâu từ nhiều ca bệnh đã thành công của ê-kíp phẫu thuật.

Đặc biệt, công nghệ in 3D được coi là công nghệ duy nhất hiện nay mang lại khả năng cá thể hóa các chi tiết cấy ghép. Nhờ công nghệ này, cả 3 phần của xương cánh tay nhân tạo đều được “thiết kế riêng” theo đúng kích thước cánh tay thật của bệnh nhân, đồng thời có các điểm cố định giúp khôi phục lại hệ thống gân cơ bám xương.

Trước khi sản xuất, tất cả thiết kế này đều được thử nghiệm mô phỏng khả năng vận động, chịu lực trên máy tính. Nhờ vậy, xương nhân tạo sau ghép sẽ tương thích tối đa, vừa vặn với cơ thể người bệnh. Thời gian phục hồi chức năng vận động của cánh tay được rút ngắn đáng kể.

Vinmec anh 3

Sau phẫu thuật, Đ. đã có thể trở lại các hoạt động bình thường, dễ dàng cử động khớp vai, đưa lên cao, đưa sang ngang

Công nghệ kết hợp vật liệu độc đáo

Ca phẫu thuật phục hồi cánh tay cho bệnh nhân V.T.Đ là một trong những ca bệnh đầu tiên trên thế giới sử dụng kết hợp vật liệu giữa hợp kim titan và vật liệu y sinh PEEK, do các bác sĩ của Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec thực hiện.

Việc sử dụng kết hợp 2 loại vật liệu trên cùng một xương nhân tạo giúp tận dụng được ưu điểm tối đa: Tính vận động chính xác, linh hoạt của hợp kim titanium tại vùng khớp; và đặc tính nhẹ, bền, tương thích với cơ thể của vật liệu PEEK. Nhờ vậy, trọng lượng cánh tay nhân tạo có thể giảm xuống còn một nửa, chi phí giảm hơn 1/3 so với việc chỉ dùng vật liệu kim loại như trước đây.

Vinmec anh 4

Sau phẫu thuật, em Đ. (đội mũ) đã có thể viết, đánh máy bằng tay phải để tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

Sau 5 tháng phẫu thuật, bệnh nhân Đ. đã có thể vận động vai linh hoạt, trở về sinh hoạt hàng ngày. Em có thể tự tin viết bài, làm những việc nhẹ nhàng hàng ngày bằng đôi tay của mình, tiếp tục theo đuổi ước mơ từ giảng đường đại học.

Đây là những cải tiến mới được đưa ra bởi chính các chuyên gia Việt Nam, được coi là trường hợp thay xương nhân tạo bằng vật liệu kết hợp thứ hai nhưng đột phá hơn hẳn ca đầu tiên (kết hợp giữa hợp kim titan và xi măng thường dùng trong xương nhân tạo).

Đồng thời, quá trình nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật cải tiến này đã được các bác sĩ gửi tới tạp chí khoa học uy tín về chuyên ngành ung thư tại châu Âu để công bố quốc tế. Thành công này bước đầu khẳng định trình độ điều trị ung thư xương và ứng dụng công nghệ 3D trong y học của các bác sĩ Việt Nam từng bước được công nhận trên trường quốc tế.

Trung tâm CTCH&YHTT - Bệnh viện ĐKQT Vinmec quy tụ nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn và tâm huyết trong nhiều lĩnh vực như phẫu thuật vùng vai, khuỷu; phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối; phẫu thuật nội soi và y học thể thao; phẫu thuật ung thư xương và phần mềm. Trung tâm nằm dưới sự dẫn dắt của GS.TS.BS Trần Trung Dũng, giáo sư đầu ngành về chấn thương chỉnh hình tại Việt Nam. Ngoài ra, phòng nghiên cứu ứng dụng công nghệ 3D do các bác sĩ của trung tâm điều hành là nơi phát triển và ứng dụng các công nghệ hiện đại, góp phần vào chẩn đoán, điều trị, hứa hẹn mang đến lợi ích tối đa cùng chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân cơ xương khớp.

Diệp Trà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm