Nhiều người ngán ngẩm tác phong và chuẩn mực thầy giáo. Bạn Thành Nhân bức xúc: “Nếu các học sinh làm như thế còn thấy phản cảm, đằng này là thầy giáo".
Ở góc nhìn khác, bạn Kim Tuyền phê phán: “Chính các bạn cùng lớp gợi ý nên kẹp vào những chỗ nhạy cảm và khi trò sờ mó diễn ra thì các bạn lại cười thay vì ngăn cản. Ai cũng có cái sai. Nhưng khó trách các bạn vì tuổi trẻ bốc đồng”.
Thầy dạy quân sự bịt mắt sờ nữ sinh. Ảnh chụp từ clip. |
Bạn đọc Minh Trâm cho rằng: “Đáng trách thầy giáo vì chức trách làm thầy thì phải có ý tứ hơn trò, nếu trò có đề nghị như vậy cũng phải hướng trò không được như thế”.
Mỗi trò chơi đều có chức năng giáo dục
Thạc sĩ Võ Trường Linh (giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM) nhận định, giáo dục Việt Nam đang có hướng kết hợp giữa truyền thống tôn sư trọng đạo (ở phương Đông) tức là có một khoảng cách giữa thầy và trò, không thể xuề xòa được và quan niệm thầy trò thân thiện (ở phương Tây) giúp học sinh thoải mái tâm tình, trò chuyện cùng thầy cô để dễ dàng tiếp thu bài học.
Ông Linh khẳng định, mỗi trò chơi trong giáo dục đều phải có một chức năng nhất định như vận động, trí tuệ, chứ không phải chỉ để vui. Trò chơi trong sư phạm khác trò chơi khi du lịch dù đối tượng tham gia là như nhau.
Theo thạc sĩ Trường Linh, với người thầy, lâu nay ta chỉ tập trung chú ý vào trình độ văn hóa, năng lực chuyên môn mà ít quan tâm đến tác phong nghề nghiệp.
Chúng ta chưa có những quy phạm chung nên mọi người tự vận dụng, không biết ai là thầy ai là trò. Ở lớp học, ta có những nội quy dài với những điều cụ thể với học sinh; còn với giáo viên chỉ là những quy định chung nên “ai hiểu sao thì hiểu” dẫn đến khi sai phạm khó đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
"Cần phải có quy phạm khi lên lớp người thầy nên làm gì, không được làm gì, khi sinh hoạt thì thầy giáo nên như thế nào", thạc sĩ Trường Linh nói.
Thân thiện cỡ nào cũng phải có giới hạn
Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng: Một trong những yêu cầu quan trọng của người thầy là phải nghiêm chỉnh. Dù có vui vẻ cùng học trò thế nào đi nữa cũng phải giữ tác phong đúng, nếu không, chính học trò sẽ coi thường thầy giáo.
Theo TS Nhã, thầy trò thân thiện với nhau là tốt nhưng việc giao lưu giữa thầy trò phải có chừng mực tránh biến những lời nói, hành động trở nên lố lăng, thiếu nghiêm chỉnh, vừa không có ý nghĩa giáo dục lại còn phản tác dụng. “Nguyên tắc giáo dục từ xưa đến nay là thế”, ông Nhã khẳng định.
Ông Nhã cho rằng khi người thầy không nghĩ đến những giới hạn cần có thì đạo đức nhà giáo sẽ suy đồi, việc giáo dục các em bị ảnh hưởng.
Theo tiến sĩ Lý Tùng Hiếu (giảng viên khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP HCM), người thầy dù dạy cấp học nào, dù trong quan hệ gần gũi như tiết sinh hoạt lớp hay hoạt động ngoại khóa cũng phải giữ chừng mực với học trò, đặc biệt là với nữ sinh. Nhiều trường hợp, dù khi chụp ảnh lưu niệm, thầy cô cũng giữ hình ảnh một người thầy mẫu mực.
Ông Hiếu cho rằng một giáo viên có đồng thời hai tư cách: Tư cách không bao giờ được quên là tư cách người thầy. Mỗi người có thể có tác phong, tính cách, tâm lý, thói quen vui vẻ, đùa tếu một nơi nào đó nhưng trong quan hệ với học trò và trong môi trường sư phạm thì phải hành xử có chừng mực. Điều đó là bắt buộc, là quy chuẩn trong giáo dục ở mọi nền văn hóa từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.
Thạc sĩ Trường Linh nhấn mạnh: Người làm thầy cần tránh những việc làm gây điều tiếng. Một người dù không là giáo viên cũng phải hiểu thân thể là nhạy cảm, là bất khả xâm phạm, nhất là ở người trưởng thành như sinh viên đại học. Ở mầm non, khi tắm bé, các cô cũng đã hết sức chú ý.
Phải nhắc nhở các em cách ứng xử phù hợp
Theo nhiều bạn đọc, ngày nay cái gì cũng đưa clip rồi tung lên khiến tình trạng sự việc có chiều nặng hơn. Tại sao không thể hiện phản ứng với trò chơi phản giáo dục này tại lớp, mà lại cười, quay clip rồi... tung hê.
TS. Lý Tùng Hiếu cho rằng trong trường hợp này các sinh viên có phần thiếu kinh nghiệm ứng xử. Giữa người với người cần phản ứng sao cho người có lỗi lầm còn đường quay lại.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã và thạc sĩ Trường Linh cùng quan niệm: Các em nên ứng xử khéo léo hơn. Dù biết việc làm của thầy giáo là không đúng, cần phê phán nhưng với tinh thần xây dựng thì các em có thể thông báo đến Ban giám hiệu, khi thầy cô không giải quyết hãy phản ánh ra ngoài.
Trao đổi với TTO, ông Trịnh Ngọc H. - thầy giáo ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, nhân vật trong đoạn clip xác nhận người trong clip đúng là mình và tỏ ra rất hối hận.