22h30, thạc sĩ Lê Trần Tuấn Anh, Phó bí thư Đoàn trường ĐH Y Dược Hải Phòng, giảng viên khoa Y tế công cộng, kết thúc ngày rà soát, truy vết dịch Covid-19 tại điểm nóng Bắc Giang.
Trong suốt 8 ngày, anh cùng đồng nghiệp, học trò khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, chống chọi với nắng nóng để đảm bảo hoàn thành lượng công việc lớn.
“Tôi mong thời tiết dịu đi chút nhưng trời đừng mưa. Mưa xuống, công việc chắc chắn chịu ảnh hưởng nhiều, đoàn có thể không thể làm việc hoặc chỉ làm được 50% năng suất so với ngày thường”, phó trưởng đoàn ĐH Y Dược Hải Phòng tham gia chống dịch tại Bắc Giang chia sẻ.
Thầy trò ĐH Y Dược Hải Phòng chườm lạnh để chống chọi với thời tiết 40 độ C. Ảnh: Bắc Giang. |
8 ngày làm việc liên tục dưới nắng nóng
Ngày 27/5, 11 giảng viên cùng 70 sinh viên năm 3 khoa Kỹ thuật y học, ĐH Y Dược Hải Phòng, lên đường chi viện Bắc Giang trong cuộc chiến chống Covid-19. Trước khi đi, mọi người bảo nhau chuẩn bị tinh thần cho những ngày vất vả sắp tới. Nhưng khi ra thực tế, buổi làm việc đầu tiên nằm ngoài sức tưởng tượng.
Nguyên nhân không nằm ở lượng công việc lớn mà thời tiết quá nóng. Địa phận họ rà soát dịch chủ yếu là đường bê tông. Sức nóng phả ra khủng khiếp.
“Mọi người lại còn mặc đồ bảo hộ kín mít. Cảm giác như mặc vài ba lớp áo mưa dưới trời nắng nóng vậy”, anh Tuấn Anh mô tả.
Để chống chọi với cái nắng, khi triển khai trong cộng đồng, phần hậu cần của đoàn luôn chuẩn bị đá lạnh để giảm nhiệt môi trường xung quanh, làm mát cơ thể, tránh tiêu hao thể lực quá nhiều.
Thạc sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh phương pháp chườm đá được đoàn áp dụng “cứng”. Nhờ vậy, trong 8 ngày làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt, đoàn không có ai ngất vì quá mệt.
Hình ảnh các thành viên trong đoàn treo bao đá lạnh trước ngực, sau lưng, vác trên vai, kẹp vào hai cánh tay, dội nước lên người để giảm nhiệt, hồi sức tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Bắc Giang dường như là sự phản ánh chân thực nhất những nỗ lực của “biệt đội săn Covid-19” khi nhiệt độ lên đến 39-40 độ C.
“Căn phòng tầng 4 không tôn chống nắng, nhiệt độ phòng 40 độ C cảm giác như 67 độ C của em vẫn chưa là gì so với các y bác sĩ phải chịu đựng”, “Thương quá! Sự chịu đựng quá sức tưởng tượng”, “Mong thời tiết đừng khắc nghiệt nữa. Tuyến đầu chống dịch vất vả lắm rồi”... là 3 trong số hàng nghìn lời nhắn nhủ, động viên gửi đến các thành viên trong đoàn ĐH Y Dược Hải Phòng.
Anh Lê Trần Tuấn Anh tâm sự dù không có thời gian để đọc nhiều bình luận của cộng đồng mạng, khi lướt qua những dòng đó, anh cảm nhận được sự quan tâm, động viên của mọi người. Với anh cũng như các thành viên trong đoàn, đó là động lực lớn để mọi người cố gắng, tiếp tục làm tốt công việc ở đây.
Thầy trò trường y làm việc tại Bắc Giang. Ảnh: T.A. |
Chuyến công tác chưa hẹn ngày về
8 ngày qua, 81 thầy trò ĐH Y Dược Hải Phòng thực hiện tốt nhiệm vụ song song - chống dịch và đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các thành viên trong đoàn.
Công việc chính của đoàn là test nhanh, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định để tìm kiếm F1, F0 (PCR). Đoàn thực hiện rà soát liên tục, có những điểm cứ 3 ngày lại lấy mẫu một lần nhằm phát hiện sớm ca mắc Covid-19, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Những ngày qua, họ thức dậy từ 5h, khoác lên mình trang phục bảo hộ, lên xe, di chuyển đến nơi cần truy vết. Đến trưa, họ nghỉ ngơi lúc 11h, có hôm, số lượng người cần lấy mẫu lớn, công việc kéo dài đến 12-13h.
Buổi chiều, 16h30, công việc lại tiếp tục. Đoàn kết thúc công việc lúc 22h30 hoặc có thể muộn hơn.
Mấy hôm đầu, là phó đoàn, anh Tuấn Anh còn phải tham gia họp bàn, lên kế hoạch đến 1h sáng, chỉ chợp mắt 3 tiếng rưỡi, 4 tiếng rồi lại thức dậy để làm nốt công việc.
Cuối ngày, anh tranh thủ viết nhật ký, đăng lên trang cá nhân để người nhà, bạn bè đọc và yên tâm rằng tình hình thầy trò vẫn ổn. Sau hơn một tuần, cảm xúc của người nhà các thành viên trong đoàn đã đi từ lo lắng sang tự hào khi chứng kiến con, cháu mình góp một phần trong nỗ lực chung của đất nước để đẩy lùi Covid-19.
“Ngày nào cố lắm, tôi tranh thủ gọi về nhà một vài phút, nhìn vợ con chút chứ không có thời gian để trò chuyện nhiều. Vợ tôi cũng là bác sĩ nên thuê thêm người để hỗ trợ ông bà chăm cháu, làm việc nhà để hai vợ chồng yên tâm công tác và chống dịch”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Anh tâm sự khi chứng kiến hình ảnh đứa bé khóc vì nhìn thấy mẹ là nhân viên y tế tham gia chống dịch tại điểm nóng xuất hiện trên TV, anh có chút gờn gợn nhưng công việc quá bận rộn, anh nhanh chóng bị cuốn vào nên không có nhiều thời gian để suy nghĩ.
Chống dịch vất vả, mọi người trong đoàn luôn san sẻ công việc, động viên nhau để tạo không khí vui vẻ, bớt căng thẳng, xoa dịu phần nào nắng nóng khắc nghiệt.
11 giảng viên và 70 sinh viên ĐH Y Dược Hải Phòng không biết đến bao giờ, chuyến công tác về Bắc Giang của họ mới kết thúc. Trường có rất nhiều người đăng ký tình nguyện về tâm dịch, 400 người nằm trong đội sẵn sàng lên đường nhưng họ không chắc chắn sẽ có đoàn thay mình hay không vì trường còn cần lên kế hoạch cân đối để luôn có sẵn lực lượng chống dịch.
Hiện tại, họ chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, cuộc sống người dân trở lại bình thường. Bản thân họ sẽ hoàn thành 21 ngày cách ly tập trung, 7 ngày tự cách ly tại nhà rồi trở về với công việc giảng dạy, học tập như trước đây.