Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy Văn Như Cương qua đời: Người lái đò không còn ở bến sông

"Thật khó chấp nhận sự thật rằng từ nay những thế hệ học trò trường Lương Thế Vinh không còn được gặp người thầy, người cha đáng kính Văn Như Cương nữa", cô giáo Như Trang viết.

Vĩnh biệt PGS Văn Như Cương PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội - qua đời rạng sáng 9/10 tại nhà riêng.

"Có một người đàn ông, là thầy giáo để lại sự kính trọng cho bao thế hệ học trò; là cha khiến con cái tôn trọng, noi theo; là chồng khiến người vợ yêu thương, mong nhớ; là bệnh nhân thì chiến đấu kiên cường đến tận giây phút cuối cùng.

Khi đã ra đi, ông cũng để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người ở lại. Đó là thầy tôi, PGS Văn Như Cương", dòng tâm sự của một cựu học sinh THPT Lương Thế Vinh rạng sáng 9/10 làm nhiều người xúc động.

Người thành lập, hiệu trưởng (từ năm 1989 đến 2014) của THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam - đã qua đời hôm nay sau thời gian chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 80 tuổi.

Van Nhu Cuong anh 1

Ngay lập tức, Facebook của người thân, học sinh, cựu học sinh trường Lương Thế Vinh đồng loạt đổi màu đen như thay lời chào tiễn biệt với người thầy đáng kính.

"Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn
Mong rằng toán học bớt khô khan
Em ơi trong toán nhiều công thức
Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn.

Hôm nay, em xin đặt bên thầy một bó hoa tươi thay lời tiễn biệt. Những gì thầy đã làm cho bao thế hệ học trò, những điều thầy đau đáu một đời vì giáo dục nước nhà, kể từ đây hãy để cho người ở lại tiếp tục. Còn thầy, hãy yên nghỉ thật nhẹ nhàng nhé, thầy ơi!", học trò Lê Thống Nhất, khóa 05-08 THPT Lương Thế Vinh, viết.

Hình ảnh người thầy cao tuổi, râu tóc bạc phơ, chắp tay sau lưng đi lại quanh sân trường dường như tồn tại trong ký ức của rất nhiều thế hệ học trò Lương Thế Vinh.

"Năm lớp 10 vào trường, với bố mẹ, tôi là đứa trái tình nết, chỉ có chút thông minh mà coi trời bằng vung, nghịch ngợm không ai bằng. Thế mà hết nửa học kỳ ở Lương Thế Vinh, tôi thay đổi hẳn. Thầy nghiêm khắc, đã phạt ai thì thẳng tay, nhưng đã dạy dỗ trò nào thì cũng hết lòng. Tôi không phải sợ thầy, mà nể và tôn kính.

Để sau này, mỗi khi có dịp về trường, tôi vẫn mải miết đi tìm dáng ông thầy già mặc chiếc áo sơ mi trắng, đeo đai quần chỉnh tề, với mái tóc bạc trắng và câu nói quen thuộc: 'Thế nào hả Dũng, đã chịu lớn chưa hay vẫn luẩn quẩn làm đứa trẻ nghịch ngợm, thế thì không trưởng thành được đâu'", học sinh Nguyễn Thế Dũng, khóa 07-10, nhớ lại.

Chuyện tình nắm tay nhau đi qua 60 mùa khai giảng

Gần 60 năm kể từ ngày khai giảng đầu tiên bên nhau, PGS Văn Như Cương và vợ vẫn gọi nhau là anh, xưng em, nắm tay nhau đi hết cuộc đời còn lại.

Thầy giáo Nguyễn Minh Trường (THPT Đặng Trần Côn, quận Tân Phú, TP.HCM) không giấu nổi nỗi buồn trước sự ra đi của PGS Văn Như Cương, một người mà theo ông là "kiên quyết đến tận cùng, nhưng cũng lặng lẽ đến bất ngờ trong thế giới phù hoa náo nhiệt".

Thầy Trường tâm sự rằng không được học tập dưới mái trường Lương Thế Vinh nhưng may mắn 2 lần được gặp và nghe PGS nói chuyện. Người thầy mang trên mình trái tim nhiệt huyết, nhân cách lớn mà hiếm ai có thể so bì.

"Ông làm được những điều ít ai dám làm, nói những điều ít ai dám nói. Thiệt thòi biết bao cho những thế hệ sau không được tiếp tục nhận sự dìu dắt của ông. Giáo dục mất đi một người thầy dũng cảm làm tất cả vì lợi ích của học trò. Chúc ông yên nghỉ", thầy giáo trẻ viết.

Cô giáo Trần Minh Như Trang, giáo viên Văn học, bồi hồi viết: Người lái đò hôm nay rời bến sông. Con sông giáo dục ấy nhiều năm nay gặp không ít khó khăn. Người lái đò già cũng đã vất vả, bỏ nhiều công sức và tâm huyết. Hôm nay người đi, cả bến sông sao hiu quạnh quá.

Van Nhu Cuong anh 2

Trong khi đó, tài khoản có tên Hoàng Phụng Kim nhớ lại những buổi chiều thường thấy vợ chồng PGS Văn Như Cương đi bộ tập thể dục ở gần nhà.

Người thầy "thét ra lửa" ở sân trường, thường xuyên có những phát ngôn đanh thép về giáo dục, mạnh mẽ bảo vệ triết lý dạy và học cá nhân, lại dịu dàng đến lạ bên cạnh người vợ ở tuổi xế chiều.

"Có lẽ không ai để ý đến đôi tình nhân già lặng lẽ thảnh thơi bên nhau đi bộ trong công viên khoảng 18h hàng ngày. Cô nói nhiều, cười liên tục, còn thầy chỉ im lặng nghe và nắm chặt tay vợ.

"Con chăm cha không bằng bà chăm ông, đó là tình yêu chứ ở đâu xa. Hôm nay thầy ra đi, con cháu và học trò đau một, có lẽ cô Oanh sẽ đau 10. Hãy cố vượt qua nỗi đau này nhé cô", người này xúc động viết.

Những câu nói ý nghĩa của PGS Văn Như Cương

"Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"..., những câu nói của PGS Văn Như Cương vừa sắc sảo, vừa bao hàm nhiều triết lý về giáo dục.

PGS Văn Như Cương được biết đến là người thành lập, hiệu trưởng của THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam.

Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường từ năm 2014. PGS Văn Như Cương là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao).

PGS Văn Như Cương có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà. Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ"; "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"...

Đặc biệt, những ý kiến thẳng thắn, trực diện của ông về văn hóa, xã hội, giáo dục trên báo chí, Facebook cá nhân có sức ảnh hưởng lớn. 

Thầy Văn Như Cương truyền cảm hứng cho học trò trong ngày chia tay Tối 3/6, PGS Văn Như Cương tham dự chương trình dạ hội của học sinh lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80

PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật. Facebook của người thân và học sinh trường Lương Thế Vinh đồng loạt đổi màu đen.


Ngân Giang

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm