Nhân vật chính của The Call là Seo Yeon (Park Shin Hye) - cô gái trẻ sống một mình cùng người mẹ đang mắc bệnh ung thư phải điều trị nội trú tại bệnh viện.
Trong một lần thăm mẹ, Seo Yeon vô tình đánh mất điện thoại cá nhân trên đường về. Cô đành phải sử dụng máy điện thoại bàn đã cũ trong nhà để gọi vào chiếc di động, thử xem có ai tình cờ nhặt được không.
Sau một vài nỗ lực chuộc máy bất thành, Seo Yeon tình cờ nhận được cú gọi đến bất thường từ một thuê bao lạ không hiện số. Người gọi liên tục kêu cứu, rằng cô ta đang bị mẹ mình tấn công và thiêu sống. Càng kỳ lạ hơn, khi hỏi địa chỉ người gọi, Seo Yeon nhận ra đó chính là ngôi nhà cô đang ở.
Sau đó, Seo Yeon phát hiện ra người ở đầu dây bên kia là một cô gái có tên Young Sook (Jeon Jong Seo). Vấn đề nằm ở chỗ dù cả hai có thể giao tiếp qua điện thoại, Young Sook đang ở trong quá khứ cách Seo Yeon tới 20 năm.
Hai người tiếp tục liên lạc và khám phá ra thêm mối liên kết khác giữa họ. Cả hai bèn thử cùng nhau thay đổi các sự kiện trong quá khứ nhằm biến đổi thực tại, đầu tiên bằng việc cứu sống cha của Seo Yeon - người vốn đã mất từ lâu trong một vụ hỏa hoạn.
Thử nghiệm thành công và dòng thời gian hiện tại của Seo Yeon lập tức chịu ảnh hưởng. Người cha đã mất của cô thực sự sống lại như chưa từng có vụ cháy năm xưa. Đến lúc này, cả Seo Yeon lẫn Young Sook vẫn chưa biết được những gì họ đang làm sẽ gây ra hậu quả thảm khốc thế nào.
Cốt truyện hấp dẫn, bất ngờ từ ý tưởng gốc quen thuộc
Ý tưởng của The Call thực chất không mới mẻ. Các nhà làm phim trên thế giới đã nhiều lần khai thác ý tưởng liên kết các nhân vật ở những dòng thời gian khác nhau nhằm thay đổi tương lai từ quá khứ, với các tác phẩm tiêu biểu như Frequency (2000), The Butterfly Effect (2004), The Jacket (2005), Looper (2012), Predestination (2014)…
Ngay tại Hàn Quốc, ý tưởng cũng từng được triển khai qua một số tác phẩm, tiêu biểu như Time Renegades (2016) của đạo diễn Kwak Jae Yong. Tuy vậy, đây vẫn là đề tài hấp dẫn với các nhà làm phim, khi mỗi người lại mong được tiếp cận các ý niệm trừu tượng về quá khứ - tương lai, nhân quả - tuần hoàn, và thử nghiệm các ý tưởng, góc nhìn mới mẻ của bản thân.
The Call thực tế dựa trên ý tưởng cốt lõi không hề mới mẻ. |
Về cơ bản, nội dung chính của The Call bám sát và trung thành với ý tưởng trên: toàn bộ câu chuyện xoay quanh khả năng giao tiếp vượt thời gian giữa hai nhân vật chính Seo Yeon và Young Sook thông qua một chiếc điện thoại bàn.
Bộ phim có phần mở màn rất nhanh gọn, giới thiệu các nhân vật, dẫn dắt đến chuỗi sự kiện chính thông qua một vài chi tiết cô đọng. Tất cả đủ để khán giả nắm được sơ lược hoàn cảnh và gợi mở các chi tiết còn ẩn giấu nhằm tạo sự tò mò.
Dù ý tưởng hai con người ở hai dòng thời gian có thể giao tiếp với nhau đã quá quen thuộc, việc theo dõi Seo Yeon và Young Sook tình cờ gặp gỡ và liên kết thông qua một chiếc điện thoại vẫn đem đến sự hấp dẫn cho khán giả.
Thêm vào đó, The Call không chỉ xây dựng mối liên kết giữa hai nhân vật chính thông qua chiếc điện thoại một cách đơn thuần, mà còn sáng tạo thêm liên kết trực tiếp bên ngoài, giúp diễn biến trở nên mới mẻ hơn so với nhiều phim cùng loại.
Càng về sau, người xem sẽ càng bất ngờ hơn trước sự biến hóa của câu chuyện. Ở các tác phẩm cùng loại, nhân vật chính thường có một mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu để thực hiện hành động thay đổi quá khứ nhằm gây ảnh hưởng tới tương lai. Mô-típ thường thấy là nhân vật chính ở các dòng thời gian đều cùng hướng đến một mục tiêu chung. Song, The Call lại chọn hướng đi hoàn toàn khác.
Bộ phim đưa người xem đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác. |
Sau một vài chi tiết quen thuộc ban đầu, bi kịch của bộ phim bắt đầu xảy ra, và diễn biến cứ thế thay đổi theo chiều hướng mà cả khán giả lẫn nhân vật chẳng thể lường trước. Vai trò của các nhân vật chính trong The Call dần thay đổi từ chính diện sang phản diện, mối liên kết giữa bộ đôi cũng dần biến chuyển từ đồng cảm sang xung đột, rồi đối đầu.
Vẫn là chuyến hành trình nhằm thay đổi quá khứ để gây ảnh hưởng tới tương lai, nhưng mục tiêu của hai nhân vật chính lại hoàn toàn trái ngược. Chuỗi hành động, kế hoạch dựa trên mối liên kết nhân quả giờ trở thành thứ vũ khí để cả hai đối đầu trong trận chiến cân não sống còn.
Cứ thế, The Call đưa khán giả vào hàng loạt diễn biến mới tưởng như chẳng hề ăn nhập chút nào với những gì đã diễn ra trước đó, nhưng kỳ thực lại đồng bộ một cách hoàn hảo.
Hoàn cảnh và tâm lý của các nhân vật chính đồng thời được xây dựng, làm rõ hơn thông qua diễn biến. Cho đến khi tác phẩm hạ màn, người xem mới thực sự nắm rõ các sự kiện và nhân vật đã xuất hiện trong tác phẩm.
Kịch bản chặt chẽ, tiết tấu đồng bộ và kịch tính
Để truyền tải hiệu quả câu chuyện trong phim, đạo diễn kiêm biên kịch Lee Chung Hyun đã xây dựng một kịch bản vừa chi tiết, vừa gọn gàng, chặt chẽ. Mỗi sự kiện trong phim xuất hiện đều có ý đồ cụ thể với diễn biến cô đọng, đem đến cho khán giả lượng thông tin vừa đủ, không thừa cũng không thiếu.
Các chi tiết phụ được cài cắm trong phim đều sẽ được làm rõ về sau, giúp mở rộng và làm rõ hơn bối cảnh, cá tính của nhân vật.
The Call được xây dựng bởi Lee Chung Hyun - đạo diễn kiêm biên kịch năm nay mới 30 tuổi. |
Một điều đáng khen dành cho biên kịch của The Call là cách thức kịch bản dẫn dắt khán giả theo dõi diễn biến. Sau khoảng một nửa thời lượng ban đầu, khán giả có thể dễ dàng thấy được hướng đi tiếp theo của các nhân vật một cách tất yếu.
Tuy vậy, dù đã thấy trước hướng đi ấy, khán giả sẽ không thể biết rõ diễn biến cụ thể thế nào, kết quả cuối cùng ra sao, yếu tố nhân quả gây ra hậu quả gì. Nhờ đó, bộ phim tiếp tục duy trì được sự hấp dẫn, bất ngờ với các sự kiện, diễn biến tưởng như quen thuộc, tự nhiên, nhưng lại không thể đoán trước.
Nhờ cấu trúc kịch bản chặt chẽ, The Call duy trì được tiết tấu đồng bộ từ đầu đến cuối. Bộ phim duy trì nhịp điệu hài hòa ở mức cao, gần như không có chi tiết thừa. Mạch phim ổn định từ đầu đến cuối. Càng về cuối, tác phẩm càng trở nên kịch tính theo đà phát triển của cốt truyện, với cái kết bất ngờ vào phút chót.
Màn trình diễn ấn tượng của hai ngôi sao sáng giá
Bên cạnh các yếu tố sáng tạo về kịch bản hay chỉ đạo sản xuất, The Call còn ghi điểm nhờ màn trình diễn nổi bật của hai diễn viên chính Park Shin Hye - Jeon Jong Seo.
“Nữ hoàng quảng cáo” Park Shin Hye có bước chuyển mình ấn tượng với vai diễn cô gái trẻ bị vướng vào cuộc chiến với quá khứ Seo Yeon. Hình tượng nhân vật của Park Shin Hye khá khuôn mẫu, không có điểm gì mới so với các vai diễn trước.
Park Shin Hye có cơ hội thử thách bản thân qua vai chính Seo Yeon. |
Nhưng cô có cơ hội thể hiện khả năng diễn xuất đa dạng hơn khi Seo Yeon liên tục bị cuốn vào những bi kịch, thử thách khác nhau, đòi hỏi sự phát triển của nhân vật cũng như khả năng biến đổi của diễn viên.
May mắn là Park Shin Hye đã thành công trong việc thể hiện nhân vật nữ chính, đem đến cho khán giả màn trình diễn thuyết phục, chân thực và dễ đồng cảm. Đây là bước đệm tốt để người đẹp có thêm cơ hội thử sức các vai diễn mới khác biệt, thử thách hơn trong tương lai.
Tuy vậy, vai Young Sook của tân binh Jeon Jong Seo mới là điểm sáng lớn nhất. Đây mới là vai diễn thứ hai trong sự nghiệp, nhưng nữ diễn viên trẻ sinh năm 1994 đã kịp khẳng định tài năng diễn xuất hiếm có, với màn trình diễn đẳng cấp gánh vác cả tác phẩm.
Thoát ra khỏi vai diễn đầu tay Shin Hae Mi nhẹ nhàng, lãng đãng trong Burning (2018), Jeon Jong Seo bứt phá với nhân vật mới có tính thử thách cao hơn hẳn. Với vai trò và đất diễn được ưu tiên số một, cô thỏa sức đem đến cho khán giả một Young Sook đầy biến hóa, với nét diễn xuất và biểu cảm thay đổi liên tục.
Từ tàn tạ, trầm mặc, cho đến tươi trẻ, lạc quan, rồi bỗng chốc trở nên tàn bạo, máu lạnh, mỗi hình tượng nhân vật đều được Jeon Jong Seo thể hiện đầy sống động, không tạo cảm giác một màu hay lặp lại. Khán giả có thể lúc trước đang mỉm cười trước sự trẻ trung có phần nghịch ngợm của Young Sook, thì ngay sau đó lại thấy ghê người trước sự tàn nhẫn đến vô cảm của một kẻ máu lạnh.
Jeon Jong Seo thực sự là ngôi sao của tác phẩm. |
Điều thú vị nằm ở chỗ, dù nhân vật có gây ra điều gì thực sự tồi tệ, thậm chí không thể tha thứ, người xem vẫn thấy đâu đó chút đồng cảm với mục đích của họ. Đặt bản thân vào hoàn cảnh của nhân vật tại thời điểm đó, có lẽ không phải ai cũng đủ dũng cảm đưa ra một quyết định khác.
Điều đó khiến nhân vật Young Sook của Jeon Jong Seo trở nên vừa đáng sợ, lại vừa đáng thương, tưởng như xa lạ nhưng hóa ra lại gần gũi, đồng điệu đến kỳ lạ. Màn trình diễn xuất sắc của Jeon Jong Seo thành công ngoài mong đợi khi đem đến cho khán giả một nhân vật đầy thuyết phục.
Về mặt kỹ thuật sản xuất, The Call tiếp tục ghi điểm nhờ phần hiệu ứng thị giác nổi bật. Phần hình ảnh của bộ phim được quay rất chỉn chu với các góc máy cân đối, hình ảnh mượt mà, sắc nét. Tông màu phim thiên về sắc lạnh với độ tương phản cao thường gặp trong các tác phẩm cùng thể loại của điện ảnh Hàn Quốc, giúp làm rõ hơn bầu không khí căng thẳng.
Phần âm nhạc của bộ phim không ấn tượng như hình ảnh, nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả trong việc xây dựng kịch tính và thúc đẩy cảm xúc của người xem trong các phân cách đặc thù. Đặc biệt, kết hợp với cách kể truyện riêng ở một số phân cảnh, phần âm nhạc ma quái giúp cho The Call mang hơi hướm kinh dị, kích thích cảm xúc khán giả tốt hơn.
Bên cạnh nhiều điểm đáng khen ngợi, bộ phim vẫn còn một số điểm trừ nhỏ, chủ yếu liên quan đến logic kịch bản liên quan đến hành động của nhân vật, cũng như các vấn đề về nghịch lý thời gian. Tuy nhiên, đây là điều khó tránh khỏi đối với các tác phẩm chọn đề tài kiểu này.
The Call là một bất ngờ đến từ đạo diễn trẻ Lee Chung Hyun. Chỉ qua tác phẩm đầu tay, nhà làm phim 9X đã khẳng định được tài năng vượt trội với một xuất phẩm ấn tượng, chỉn chu và chuẩn mực ở mọi mặt, đặc biệt với màn trình diễn sáng giá của hai diễn viên chính Park Shin Hye - Jeon Jong Seo. Đây là bộ phim không thể bỏ qua đối với người hâm mộ điện ảnh nói chung và những người yêu thích dòng phim hình sự, giật gân nói riêng.