Thể loại: Tội phạm, hài, hành động
Đạo diễn: Guy Ritchie
Diễn viên: Matthew McConaughey, Charlie Hunnam, Henry Golding, Michelle Dockery, Jeremy Strong, Eddie Marsan, Colin Farrell, Hugh Grant
Zing.vn đánh giá: 8/10
Bộ phim hư cấu The Gentlemen lấy bối cảnh thành phố London (Anh) thời hiện đại. Ở đó, Mickey Pearson (Matthew McConaughey) là ông trùm điều hành mạng lưới sản xuất và phân phối cần sa lớn bậc nhất xứ sở sương mù.
Sau nhiều năm đầu tư cho sự nghiệp, gã quyết định rửa tay gác kiếm để sống đời an lành bên người vợ yêu (Michelle Rockery), và muốn bán lại toàn bộ sản nghiệp cho tay tỷ phú Matthew Berger (Jeremy Strong).
Thương vụ đang diễn ra thuận lợi thì gặp khúc mắc khi băng đảng người Hoa do tên thiếu gia trẻ tuổi mang biệt danh “Mắt khô” (Henry Golding) chen chân vào vụ mua bán. Gã quyết tâm chiếm lấy sản nghiệp của Mickey, nhưng chỉ đưa ra mức giá rất hời.
Cùng lúc đó, công việc phi pháp của Mickey rơi vào tầm ngắm của gã phóng viên tinh quái Fletcher (Hugh Grant). Hắn dự định đem những thông tin thu thập được để tống tiền ông trùm. Hàng loạt sự kiện không ai ngờ tới cứ thế xảy đến như những quân cờ domino đổ sập.
Guy Ritchie trở lại với dòng phim gangster Anh quốc quen thuộc
Guy Ritchie là cái tên không còn xa lạ với khán giả yêu điện ảnh. Trước khi bắt tay thực hiện các dự án kinh phí lớn như hai tập Sherlock Holmes hay gần đây là bom tấn Aladdin (2019) cho Disney, anh được biết đến qua những bộ phim tội phạm với kịch bản thông minh và cách kể chuyện độc đáo như Lock, Stock and Two Smoking Barrels (1998), Snatch (2000) hay RocknRolla (2008).
Sau một thập kỷ trải nghiệm qua nhiều thể loại khác nhau, Ritchie nay trở lại với dòng phim tội phạm quen thuộc từng giúp anh gây dựng sự nghiệp. The Gentlemen sở hữu nhiều nét tương đồng so với các tác phẩm đầu tay của nhà làm phim người Anh, từ câu chuyện, bối cảnh, hệ thống nhân vật, cho đến cách kể chuyện.
Đạo diễn Guy Ritchie trở lại dòng phim từng giúp anh trở nên nổi tiếng, với câu chuyện thế giới ngầm ở tầng cao hơn. |
Guy Ritchie tiếp tục khai thác thế giới ngầm Anh quốc. Nhưng lần này, anh không còn chỉ khai thác mấy phi vụ làm ăn cò con của đám du côn, ma cô đường phố, mà nâng tầm lên những cuộc đấu đá, phân tranh giữa các ông trùm băng đảng. Giữa lòng London cổ kính vẫn là hàng loạt kế hoạch nhằm thôn tính, triệt hạ lẫn nhau giữa các thế lực nhằm đạt lợi ích riêng.
The Gentlemen tiếp tục duy trì phong cách kể chuyện phi tuyến tính, với các sự kiện, chi tiết đan xen thông qua lối chuyển cảnh nhanh gọn nhằm liệt kê nhiều sự kiện, nhiều nhân vật cùng lúc. Nhờ đó, tiết tấu phim luôn duy trì nhịp điệu khẩn trương từ đầu đến cuối. Mọi mắt xích liên kết đều được gợi mở đầy đủ, rõ ràng với thời lượng ngắn gọn.
Dĩ nhiên, phim gangster của Guy Ritchie giờ đây cũng có những điểm nhấn mới mẻ, khác biệt hơn so với thuở ban đầu.
Câu chuyện trong The Gentlemen sở hữu một tuyến truyện chung duy nhất, liên kết với toàn bộ nhân vật trong phim. Khán giả nhanh chóng được giới thiệu nhân vật trung tâm: ông trùm Mickey Pearson, từ sơ lược hoàn cảnh nhân vật và kế hoạch sang nhượng “sự nghiệp vẻ vang”. Sau đó, các nhân vật mới và đầu mối liên kết khác tiếp tục được hé lộ, và đều xoay quanh trục chính đó.
Đây là điểm khác biệt rõ ràng nếu so bộ phim mới với Lock, Stock and Two Smoking Barrels hay Snatch. Hai phim đầu tay của Guy Ritchie từng đánh đố không ít khán giả với kịch bản sở hữu ít nhất hai tuyến truyện song song, cùng hàng loạt sự kiện bất ngờ khiến mục tiêu của mỗi tuyến nhân vật liên tục thay đổi.
Nội dung phim thực tế đơn giản hơn các tác phẩm trước đây của Ritchie, và rất dễ để theo dõi. |
Ở The Gentlemen, chỉ tồn tại một tuyến truyện chính và một mục tiêu duy nhất. Điều này giúp cấu trúc tác phẩm thống nhất, dễ theo dõi và nắm bắt hơn.
Hệ thống nhân vật trong The Gentlemen nhờ đó cũng được giản lược, chỉ còn lại một số lượng hạn chế nhân vật quan trọng với đất diễn được phân bổ hợp lý. Mối liên kết giữa các nhân vật được miêu tả cụ thể và chặt chẽ. Mỗi hành động và tương tác đều có kế hoạch cụ thể, chứ gần như không còn kiểu tình huống “tình cờ gặp mặt” thường thấy trong các phim của Guy Ritchie.
Nhờ đó, về tổng thể, The Gentlemen tương đối dễ theo dõi và nắm bắt. Cách kể chuyện nhanh, gọn thông qua lối dựng phim chuyển cảnh liên tục giúp duy trì tiết tấu khẩn trương từ đầu đến cuối. Điều này đòi hỏi khán giả phải tập trung cao độ theo dõi và không bỏ lỡ bất cứ chi tiết nào.
Kịch bản châm biếm thú vị, nhưng còn “lý tưởng hóa” một chiều
Phần kịch bản của The Gentlemen do Guy Ritchie chấp bút không còn những sự kiện và tuyến truyện lắt léo, kết nối với nhau một cách bất ngờ như những tác phẩm đầu tay của anh. Nhưng không vì thế mà bộ phim trở nên hời hợt hay bớt hấp dẫn.
Đầu tiên, phải kể đến tiếng cười châm biếm mà bộ phim đem lại. Trong The Gentlemen, bất cứ nhân vật nào xuất hiện cũng đều bị châm biếm không ít thì nhiều, không lộ liễu thì cũng kín đáo.
Hầu hết nhân vật trong phim đều bị châm biếm ít nhiều. |
Những băng đảng tội phạm ở London như băng người Hoa của “Mắt Khô”, hay nhóm võ sĩ “trẻ trâu” của “Huấn luyện viên” (Colin Farrell) được miêu tả đặc thù về ngoại hình, sắc tộc, cùng cách thức hành động. Mấy gã người Hoa thì kiêu căng ngạo mạn; còn đám võ sĩ da màu “não ngắn” thì hành động bất chấp hậu quả, với phong cách hip hop đường phố đầy phô trương.
Gã tỷ phú người Mỹ học đòi làm gangster Matthew Berger thì được miêu tả như kẻ nửa mùa, ra vẻ ta đây “nửa quý tộc - nửa ông trùm” không đến nơi đến chốn. Còn xã hội quý tộc Anh quốc hiện đại với lớp vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài nhưng thực ra mục ruỗng bên trong cũng bị châm biếm sâu cay.
Hệ thống nhân vật chính của The Gentlemen được miêu tả khá đặc trưng, có điểm nhấn riêng. Dàn diễn viên toàn sao của bộ phim đã thể hiện nhân vật của mình một cách trọn vẹn và thuyết phục.
Dù sở hữu nhiều ưu điểm như vậy, The Gentlemen vẫn mắc phải điểm trừ không đáng có. Cố gắng miêu tả thế giới ngầm Anh quốc với góc nhìn châm biếm, nhưng thực tế bộ phim vẫn phân chia rõ ràng tuyến nhân vật phản diện - chính diện từ đầu đến cuối.
Nhóm nhân vật hai vợ chồng ông trùm Pearson, cánh tay phải Raymond Smith (Charlie Hunnam) và “Huấn luyện viên” được ưu ái miêu tả với khả năng bá đạo, cách thức hành xử quân tử có trước có sau. Trong khi đó, nhóm nhân vật “Mắt khô” hay tay tỷ phú Matthew Berger lại nằm ở bên kia chiến tuyến, bị mặc định là vai ác trong cả bộ phim một cách lộ liễu.
Hậu quả là cảm xúc của khán giả bị dẫn dắt gượng ép, thiếu tự nhiên khi buộc phải yêu hoặc ghét một nhân vật cụ thể do biên kịch muốn họ phải như vậy. Bản thân các nhân vật vì thế thiếu đi sự đa chiều độc đáo, và bị “lý tưởng hóa” không cần thiết.
Việc gần như toàn bộ câu chuyện do Fletcher kể ra chưa được khai thác thực sự triệt để. |
Hầu như toàn bộ câu chuyện của The Gentlemen được kể dưới góc nhìn của gã phóng viên điều tra Fletcher. Để một kẻ không trực tiếp tham gia các sự kiện kể lại toàn bộ tác phẩm dưới góc nhìn thứ ba, cộng với không ít chi tiết tưởng tượng, thậm chí đoán mò, khiến câu chuyện trở nên thiếu khách quan và kém tin cậy, trông có vẻ rất thật nhưng vẫn có thể đều là giả.
Tiếc là biên kịch lại không tận dụng được chi tiết ấy để mở rộng thêm ý tưởng, mặc định những gì Fletcher kể lại gần như đều chính xác. Điều này giải thích tại sao các nhân vật lại bị “lý tưởng hóa” một cách không đáng có như trên.
Một vài chi tiết, sự kiện trong phim chỉ được nhắc đến sơ sài, bất hợp lý. Như ông trùm George (Tom Wu) - kẻ đỡ đầu cho “Mắt Khô” - ban đầu vốn được miêu tả như ông trùm đáng sợ mà Mickey cũng phải nể mặt, nhưng rốt cuộc bị hạ bệ một cách đơn giản đến bất ngờ.
Kế hoạch phá hoại công việc làm ăn của “Mắt Khô”, hay pha tống tiền của Fletcher, trên thực tế khá đơn giản và dễ đoán, chẳng gây ra nhiều thử thách cho các nhân vật chính.
Nhìn chung, The Gentlemen đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Guy Ritchie trong dòng phim gangster, với những điểm sáng tạo mới bên cạnh phong cách kể chuyện độc đáo quen thuộc. Dẫu còn tồn tại vài điểm yếu, đây vẫn là lựa chọn thú vị dành cho những ai yêu thích các tác phẩm tội phạm Anh quốc vừa kịch tính, vừa hài hước châm biếm.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc dưới tựa Quý ông thế giới ngầm.