Hồi cuối tháng 3, bộ phim siêu anh hùng được mong chờ của DC và Warner Bros. sau khi ra mắt đã phải hứng chịu hàng tấn "gạch đá". Kỳ vọng càng cao, người ta càng khắt khe hơn với bộ phim: vô số ý kiến chỉ trích sự "đen tối" không cần thiết và mạch truyện rời rạc của Batman v Superman, mà người bị nhắc đến nhiều nhất là đạo diễn Zack Snyder.
Điểm số thấp đến mức "không tưởng" trên chuyên trang tổng hợp ý kiến giới phê bình Rotten Tomatoes khiến doanh thu bộ phim bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời làm dấy lên cuộc tranh cãi bất tận giữa hai phe ủng hộ và phản đối tác phẩm.
Thậm chí, hàng chục nghìn khán giả còn "hăm hở" ký vào bản đề nghị trực tuyến kêu gọi hãng Warner Bros. sa thải đạo diễn Zack Snyder khỏi tương lai của Vũ trụ mở rộng DC (DC Extended Universe - cách gọi vũ trụ điện ảnh của hãng DC).
Phiên bản đầy đủ của Batman v Superman: Dawn of Justice dài hơn bản chiếu rạp hồi tháng 3 khoảng 30 phút. Ảnh: Amazon |
Cuối cùng, phiên bản đầy đủ của Batman v Superman có thời lượng 3 tiếng cũng được phát hành. Bản thân Zack Snyder tiết lộ rằng ông đã đấu tranh để bản phim này được ra rạp ngay từ đầu. Nhưng lãnh đạo hãng phim lại muốn tối ưu hóa lợi nhuận bằng một phiên bản ngắn gọn hơn, phù hợp với đại đa số khán giả và tăng số suất chiếu tại rạp.
Tuy nhiên, lợi bất cập hại, phiên bản chiếu rạp bị cắt xén lung tung đã khiến mạch phim trở nên rời rạc, nhiều tình tiết trở nên khó hiểu, không có liên kết và bị thất bại nặng nề như chúng ta đã biết.
Trái lại, dù không có thêm quá nhiều cảnh quan trọng, nhưng 30 phút quý giá đã bị cắt bỏ lại là những "cây cầu" kết nối các phân đoạn lớn trong phim, để chúng trở nên liền mạch và trọn vẹn hơn.
Ví dụ, nhân vật phản diện Lex Luthor sẽ trở nên "đáng ngưỡng mộ" hơn rất nhiều nếu chúng ta biết hắn đã sắp xếp một kế hoạch công phu thế nào để khiến Batman và Superman trở thành đối địch.
Hắn dụ Superman đến cứu Lois Lane ở sa mạc châu Phi, ngụy tạo các xác chết là hậu quả từ tia nhiệt của anh, thuê các "diễn viên quần chúng" là dân làng kêu khóc, tố cáo "tội ác" của anh với chính phủ, biến Superman từ người hùng trở thành kẻ hủy diệt bạo tàn.
Tên Lex Luthor thực chất rất quỷ quyệt chứ không điên kiểu Joker như người ta lầm tưởng. Ảnh: Warner Bros. |
Còn với Batman, hắn cho người ở trong trại giam giết chết gã tù nhân bị đóng dấu Dơi, khiến Superman hiểu lầm rằng Batman đang thực thi công lý một cách vô lối và ngang ngược.
Âm mưu đó không được thể hiện rõ ràng trong bản chiếu rạp hồi tháng 3, nên nhiều người xem lên tiếng chê bai kế hoạch của Lex Luthor đầy lỗ hổng và mang tính "ăn may". Trong khi thực chất, hắn đã tính toán rất kỹ lưỡng.
Sự xuất hiện của quái vật Steppenwolf, kết cục của Lex Luthor ở trại tâm thần Arkham hay lời cảnh báo của hắn về những kẻ thù mới đang đến trong tương lai lý giải tại sao Lex lặp lại từ “ding ding ding” ở cuối phim, chứ không phải vì hắn đang… lên cơn điên như khán giả lầm tưởng. Gã chứng tỏ mình là kẻ phản diện thông minh và sắc sảo, hoàn toàn khác xa sự điên rồ mất kiểm soát của Joker.
Hình ảnh quái vật Steppenwolf trong phiên bản đầy đủ của phim. |
Tương tự, Superman từng bị chỉ trích vì không cứu người trong vụ nổ tại tòa Capitol dù anh có siêu tốc độ. Nhưng cảnh quay bị cắt tương đối dài cho thấy người hùng vốn dĩ đã tranh thủ đưa nhiều người bị thương ra khỏi đống đổ nát trước khi buồn rầu bay lên trời xanh.
Ngoài ra, câu hỏi "Có phải Wallace Keefe đã đánh bom tự sát?" được trả lời rõ ràng là "Không", bởi vì Lois Lane tìm đến căn hộ của anh ta và nhận ra rằng người đàn ông đã mua khá nhiều đồ ăn mới.
Đi sâu hơn, cũng không phải Superman lơ đễnh nên không nhìn ra quả bom giấu trong chiếc xe lăn của Wallace, mà là do Lex Luthor đã bọc chì để ngăn tầm nhìn xuyên thấu của Siêu Nhân.
Một phân đoạn quan trọng nữa là khi Superman hy sinh để cứu nhân loại. Bởi sự hạn chế độ tuổi của bản chiếu rạp, lỗ thủng lớn trên ngực anh đã bị "xóa bỏ" khỏi màn hình. Đây chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng nếu xem ở bản đầy đủ, bạn sẽ thấy thương tích gây ra cái chết cho Người đàn ông Thép kinh hoàng cỡ nào, và nỗi đau đớn cùng sự hy sinh mà anh phải gánh chịu lớn lao ra sao.
Cái chết của Superman thực sự rất thương tâm và gây cho người ta nhiều cảm xúc ở phiên bản đầy đủ của phim. Ảnh: Warner Bros. |
Đồng thời, cảnh đám tang của anh trong bản đầy đủ có sự xuất hiện ông chủ tòa soạn Perry White - người thường hống hách, quát nạt chàng phóng viên Clark Kent (Superman), nhưng nay lại tỏ lòng tiếc thương trước linh cữu của anh.
Người bạn mới quen - tỷ phú Bruce Wayne (Batman) - có một nghĩa cử cao đẹp là thanh toán toàn bộ chi phí cho đám tang của Clark Kent thay mẹ anh, chứ không phải chỉ đến để trò chuyện cùng Diana Prince (Wonder Woman).
Chính những tình tiết tưởng như không đáng kể ấy đã góp phần hoàn chỉnh "bức tranh" Batman v Superman, từng chút từng chút bồi đắp nên tính cách, hoàn cảnh, mục đích cho nhân vật. Khán giả cũng không phải "căng não" để hiểu được toàn bộ diễn biến của phim vì tất cả đã được "bày biện" khéo léo, đủ để cảm thụ được.
Các fan có thể tiếp tục nuôi hy vọng ở đạo diễn Zack Snyder (bìa phải) trong những dự án tương lai của DC và Warner Bros. Ảnh: Warner Bros. |
Một bộ phim phức tạp và đậm chất triết lý như Batman v Superman khó có thể được truyền tải sâu sắc, cặn kẽ nếu như thời lượng bị rút ngắn. Và Zack Snyder đã làm tất cả để tạo ra một bộ phim chuyển thể từ truyện tranh tương đối thành công mà vẫn mang tính giải trí cao. Đáng tiếc là công sức của ông cùng toàn bộ ê-kíp bị đổ bể chỉ vì công tác dựng phim yếu kém.
Tuy nhiên, từ "thất bại" của Man of Steel (2013) cho đến "thất bại" của Batman v Superman (2016) vẫn cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của đạo diễn Zack Snyder trong vai trò đầu tàu của Vũ trụ mở rộng DC.
Suicide Squad (tháng 8 tới) và Justice League (2017) sẽ là những lá bài quyết định chứng minh tầm nhìn của nhà làm phim cùng lãnh đạo DC Comics/Warner Bros. có thực sự đúng đắn hay không.