Tháng 4 năm nay tiếp tục là tháng 4 nóng nhất từng được ghi nhận. Kỷ lục này tiếp nối chuỗi 11 tháng có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử thế giới. Các nhà khoa học cảnh báo năm 2024 có khả năng cao sẽ đánh bại 2023 và trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận.
11 tháng liên tiếp phá kỷ lục
Theo Copernicus, nhiệt độ tháng 4 vừa qua cao hơn 1,58 độ so với nhiệt độ trung bình của những tháng 4 trong thời kỳ tiền công nghiệp hóa và cao hơn 0,67 độ so với mức trung bình của những tháng 4 trong thời gian từ năm 1991 đến 2020.
Tác động của xu hướng nóng lên toàn cầu đã rất rõ ràng trong thực tế. Nhiều vùng ở châu Á đang phải vật lộn với nắng nóng tàn khốc: Bangladesh tạm đóng cửa trường học để trẻ em học tại nhà, Ấn Độ ghi nhận nắng nóng kỷ lục 43 độ C.
Màn hình kỹ thuật số hiển thị nhiệt độ 45 độ C bên ngoài một hiệu thuốc ở Sardinia, Italy. Ảnh: Bloomberg. |
Nhiệt độ đại dương cũng liên tiếp phá kỷ lục trong 13 tháng. Theo dữ liệu của Copernicus, nhiệt độ bề mặt nước biển đạt 21,04 độ C dẫn đến tháng 4 năm nay trở thành tháng 4 có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận.
Tác động của nhiệt độ cao lên hệ sinh thái đai dương cũng rất nặng nề. Thảm họa tẩy trắng san hô hàng loạt trên khắp thế giới đã diễn ra. Các nhà khoa học nhận xét đây là “thảm họa tệ nhất lịch sử”.
Hiện tượng san hô bị tẩy trắng diễn ra trên toàn cầu. Ảnh: Kristen Brown. |
Những nguyên nhân chính dẫn đến nhiệt độ cao chưa từng có trong tháng 4 là xu hướng nóng lên toàn cầu, do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, và El Nino, một hiện tượng thời tiết làm tăng nhiệt độ bề mặt đại dương.
Theo CNN, năm liền kề thời điểm El Nino đạt đỉnh thường có nhiệt độ cao hơn. Trong khi các kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ mỗi tháng, sự chênh lệch giữa kỷ lục nhiệt độ mới và cũ vẫn nhỏ hơn so với năm 2023.
Sẽ tăng thêm 3 độ C
Zeke Hausfather - TS Khoa học Khí hậu tại Đại học California, ước tính có 66% năm 2024 sẽ là năm nóng nhất lịch sử và có 99% năm này sẽ là năm nóng thứ hai. Ông cho biết trường hợp tốt nhất của năm nay là nhiệt độ sẽ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Người đi bộ tránh nắng trong thời tiết nắng nóng ở Bangkok. Ảnh: Bloomberg. |
Nhiều quốc gia đã đồng ý hạn chế nhiệt độ toàn cầu nóng lên ở mức 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp. Mặc dù điều này đề cập đến sự nóng lên lâu dài trong hàng thập kỷ thay vì một năm, các nhà khoa học nhận xét con số này vẫn đáng lưu ý trong quá trình thích nghi với biến đổi khí hậu.
TS Hausfather nhận xét những điều xảy ra trong vài tháng tiếp theo sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được nhiệt độ cao kỷ lục gần đây là một hiện tượng ngắn hạn hay “dấu hiệu của một xu hướng khiến Trái Đất nóng lên nhanh hơn dự đoán”.
“Nếu nhiệt độ không phá kỷ lục trong hai tháng tiếp theo, đó sẽ là một điều an ủi cho toàn thế giới vì khí hậu đang diễn ra như dự đoán”, ông nói.
Nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên kỷ lục mới. Ảnh: The New York Times. |
Tuy nhiên, TS Hausfather cảnh báo thế giới vẫn đang trên đà nóng lên gần 3 độ C dù mọi thứ đúng như dự đoán. “Điều này chắc chắn sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho toàn nhân loại”, ông nhận xét.
Carlo Buontempo, giám đốc Copernicus cho biết, trong khi các chu kỳ khí hậu tự nhiên như El Nino đến rồi đi, “nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên kỷ lục mới”.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.