Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘The Grand Budapest Hotel’ - Bộ phim rực rỡ nhất 2014

Từng khung hình của bộ phim hài “The Grand Budapest Hotel” đẹp hệt như một bức tranh, thêm một lần nữa khẳng định tài năng làm phim của nhà làm phim độc đáo Wes Anderson.

Wes Anderson có thể không phải là tên tuổi được nhiều người Việt Nam biết tới, nhưng vị đạo diễn này gây được rất nhiều sự chú ý trong giới phim ảnh Hollywood kể từ lần đầu tiên xuất hiện với bộ phim Bottle Rocket hai thập kỷ trước. Phim của Wes Anderson không có những màn cháy nổ, rượt đuổi nghẹt thở, nhưng hấp dẫn theo một cách riêng, với phong cách hài hước và những khung hình không lẫn vào đâu được. Có thể nó không hợp gu tất cả đại chúng, nhưng những ai đã lỡ “sa chân” vào thế giới của Wes Anderson thì hẳn rất khó để có thể “rút” ra khỏi đó.

The Grand Budapest Hotel quy tụ một dàn sao thượng hạng, nhưng đạo diễn Wes Anderson lại dành vai chính cho diễn viên còn rất trẻ là Tony Revolori.

Sau khi Moonrise Kingdom (2012) nhận được một đề cử Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất, Wes Anderson lập tức bắt tay thực hiện bộ phim đầy màu sắc mang tên The Grand Budapest Hotel. Điều đầu tiên khiến tất cả phải tò mò về dự án phim là dàn sao hạng A mà bất cứ đạo diễn nào tại Hollywood cũng phải mơ ước: từ thế hệ diễn viên cũ gồm Bill Murray, Willem Dafoe, Harvey Keitel, Ralph Fiennes, Tilda Swinton, cho tới thế hệ kế cận gồm Edward Norton, Owen Wilson, Jude Law, Adrien Brody, cùng tài năng mới nổi Saoirse Ronan. Nhưng vai chính thì lại được giao cho một gương mặt mới toanh: chàng trai Tony Revolori mới chỉ 18 tuổi.

Bộ phim lấy bối cảnh tại một quốc gia Đông Âu hư cấu có tên là cộng hòa Zubrowka, với diễn biến chính xảy ra trong thập niên 1930. Vào một ngày đẹp trời năm 1968, một nhà văn trẻ (Jude Law) đến tá túc tại khách sạn Grand Budapest có phần tồi tàn, vắng khách. Tại đó, anh được người chủ khách sạn là Zero Mustafa kể cho câu chuyện về quá khứ hoàng kim của Grand Budapest cùng người giữ cửa tận tụy có tên Gustav H. (Ralph Fiennes) trước đó hơn 30 năm.

Kịch tính xảy ra khi quý bà Madame D. (Tilda Swinton) qua đời, để lại bức tranh quý hiếm có tên Boy with Apple cho Gustav, thay vì cho con cháu. Sự kiện này khiến con trai của Madame D. (Adrien Brody) giận dữ, cật lực phản đối, đồng thời lên kế hoạch trộm lại bức tranh và đổ vấy tội giết người cho Gustav. Lúc này, Gustav cùng cậu “đệ tử” Zero Mustafa khi đó còn rất trẻ (Tony Revolori) buộc phải dấn thân vào một chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm, kỳ quặc, nhưng không kém phần hài hước.

Chuyện phim bắt đầu với cái chết của quý bà Madame D., mở đầu cho chuyến phiêu lưu đầy hài hước của Gustave H. và cậu đệ tử Zero Mustafa.

Lấy cảm hứng từ nhà văn Stefan Zweig, đạo diễn Wes Anderson vận dụng kỹ thuật bóc tách bí mật, kể câu chuyện ở ngôi thứ ba, từ điểm nhìn của một người ngoài cuộc để thuật lại toàn bộ diễn biến bộ phim. Trên thực tế, có tới ba câu chuyện được lồng vào nhau trong The Grand Budapest Hotel, hệt như một tòa khách sạn nhiều tầng. Ở mỗi “tầng” đó, người đạo diễn lại sử dụng một khung hình khác biệt để biểu thị ba bối cảnh thời gian qua các năm 1985, 1968 và thập niên 1930.

Phim có rất nhiều đặc điểm mang “thương hiệu” Wes Anderson, từ những khung hình chi tiết giàu màu sắc, tới mạch phim được chia ra theo chương hồi, cùng nhiều chi tiết hài hước ý nhị, tinh tế. Vốn là một đạo diễn chú trọng thẩm mỹ, từng khung hình của The Grand Budapest Hotel giống như những bức tranh khiến người xem mê mẩn vì màu sắc và bố cục. Bối cảnh khách sạn Budapest thì được thiết kế mang đậm chất Pháp: tinh tế, cổ điển và sang trọng. Phim chủ yếu dùng tông màu sáng nhưng không hề lòe loẹt mà hài hòa đến mức khó tin.

Mỗi khung hình của The Grand Budapest Hotel đẹp tựa như một bức tranh rực rỡ, nhiều màu sắc.

Nếu so sánh vui, The Grand Budapest Hotel giống như một bảng màu rực rỡ: màu vàng trầm mặc của sảnh chờ; màu tím mơ màng của đồng phục nhân viên; màu nâu tĩnh tại của những căn phòng ở; màu xanh dễ chịu của gian phòng tắm; màu cam cũ kĩ của phòng ăn; màu hồng phớt của những hộp bánh hiệu Mendl’s; màu đen tối u ám từ phục trang của tuyến phản diện; màu xám lạnh lùng của nhà tù; màu trắng xóa của tuyết… Nhiều màu sắc là vậy nhưng Wes Anderson và đội ngũ làm phim hết sức duy mỹ của anh vẫn tìm ra được cách để hòa quyện tất cả, đem đến một bữa tiệc thực sự về mặt thị giác.

Vậy có điều gì khác ở Wes Anderson trong bộ phim mới nhất của anh? Câu chuyện người giữ cửa Gustav H. phá lệ nhận Zero vào làm việc ở khách sạn danh giá thực sự là một ẩn dụ thú vị cho sự thay đổi của chính người đạo diễn. Chủ đề tình cảm gia đình thường thấy trong phim của Wes Anderson không còn nữa trong The Grand Budapest Hotel, khi hai nhân vật chính của phim không cùng huyết thống. Mối quan hệ của họ chủ yếu dựa trên niềm tin và đây cũng là một chủ đề xuyên suốt của bộ phim. Kể từ đó, các nhân vật trong phim cũng được chia thành hai tuyến chính diện và phản diện hết sức rõ ràng, một điều không hay thấy trong các tác phẩm trước của vị đạo diễn.

Một trong những chủ đề chính của bộ phim là niềm tin giữa hai nhân vật chính. Bên cạnh đó còn sự hoài niệm về vẻ đẹp cổ điển, xưa cũ.

Dĩ nhiên, thuộc thể loại hài hước nên The Grand Budapest Hotel không thiếu những chi tiết đem đến những tiếng cười sảng khoái. Nhưng phim lại kết thúc đột ngột với nỗi buồn trải dài từ nhân vật Zero Mustafa khi về già cho đến nhà văn trẻ đang ngồi nghe câu chuyện. Toàn bộ “bức tranh đẹp” mà Wes Anderson gói ghém cho người xem trong hơn 90 phút trước đó, từ nước cộng hòa Zubrowka cho tới khách sạn Grand Budapest, tất cả giờ chỉ còn tồn tại trong hoài niệm của Zero, và mãi chỉ là ước mơ được đặt chân tới của nhà văn trẻ, hay chính những người đang theo dõi bộ phim.

Mới chỉ ở tuổi 44, đạo diễn Wes Anderson đã thực sự tạo ra được một tiếng nói riêng, một “cá tính điện ảnh” không thể lẫn với ai khác tại Hollywood. Tài năng của anh thêm một lần nữa được thể hiện với The Grand Budapest Hotel và khiến người hâm mộ anh hết sức tò mò rằng, liệu sau tác phẩm “đỉnh cao” này anh sẽ đem tới cho tất cả điều gì trong bộ phim tiếp theo.

Không chỉ được giới phê bình khen ngợi, The Grand Budapest Hotel có thành tích doanh thu phòng vé cực kỳ ấn tượng. Dù chỉ là một tác phẩm độc lập, nhưng phim thu được tổng cộng 174,6 triệu USD từ khắp các phòng vé trên toàn cầu. Hiện phim nhận được bốn đề cử quan trọng của giải thưởng Quả cầu vàng 2015, bao gồm: Phim truyện xuất sắc nhất - Thể loại hài hước hoặc ca vũ nhạc; Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất đều cho Wes Anderson; và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - Thể loại hài hước hoặc ca vũ nhạc cho Ralph Fiennes.

Zing.vn đánh giá: 4,5/5

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm